Long An: Phân luồng học sinh, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Long An đã có nhiều hoạt động góp phần nâng cao nhận thức của học sinh và phụ huynh về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, từ đó thu hút học sinh vào học nghề.
Long An: Phân luồng học sinh, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề ảnh 1Các cơ sở đào tạo nghề nông thôn góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông là mục tiêu của tỉnh Long An nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao.

Thời gian qua, công tác phân luồng học sinh tại Long An đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng chưa đạt mục tiêu theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (10 cơ sở công lập, chiếm 40%; 15 cơ sở ngoài công lập, chiếm 60%), trong đó có 3 trường Cao đẳng, 7 trường Trung cấp, 7 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và 8 cơ sở khác tham gia giáo dục nghề nghiệp.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều hoạt động góp phần nâng cao nhận thức của học sinh và phụ huynh về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với việc làm, thu nhập của người lao động, qua đó thu hút học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông vào học các cấp trình độ của giáo dục nghề nghiệp.

Cụ thể là cho học sinh tham quan thực tế tại cơ sở đào tạo nghề, cung cấp thông tin về chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động; tổ chức ngày hội việc làm tại các trường cho học sinh, sinh viên vừa tốt nghiệp tham gia phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp với các doanh nghiệp trên địa bàn và phỏng vấn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

[Phát triển nguồn nhân lực logistics thích ứng trước các biến động]

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Long An, một trong những khó khăn trong triển khai dạy nghề tại một số địa phương là không có cơ sở giáo dục nghề trên địa bàn.

Cụ thể, các huyện trọng điểm có nhiều khu-cụm công nghiệp như Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức và thành phố Tân An có trường nghề đóng trên địa bàn, riêng huyện Cần Đước chưa có.

Là huyện có nhiều khu cụm công nghiệp, thời gian qua Cần Đước gặp khó khăn sau phân luồng là học sinh ở các xã xa các huyện lân cận là Cần Giuộc, Bến Lức khó khăn đi học nghề. Việc mong muốn có cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn không chỉ phục vụ công tác phân luồng, mà còn đáp ứng nhu cầu lao động trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cần Đước Nguyễn Minh Vương cho biết, để phục vụ công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho học sinh trên địa bàn, địa phương đã đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh cho chủ trương thành lập Trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập tại Cần Đước. Theo đó, Thông tư 05 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã hướng dẫn về vấn đề này.

Hiện tại, Cần Đước đã có vị trí xây dựng, nếu có chủ trương của tỉnh, địa phương sẽ bảo đảm công tác đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Đại Tánh cho rằng, trong một thời gian dài trước đây công tác phân luồng học sinh tại địa phương chưa được chú trọng.

Thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025," Long An đã có Kế hoạch số 134/KH-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2019-2025. Từ sau khi thực hiện kế hoạch 134, công tác phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông có nhiều chuyển biến.

Long An: Phân luồng học sinh, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề ảnh 2Trường Cao đẳng Long An là một trong những cơ sở đào tạo đa dạng ngành nghề, đáp ứng nhu cầu học nghề của học sinh sau phân luồng. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh đào tạo 26.561/25.285 lao động, đạt hơn 105% so với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt. Trong đó, 541 người được đào tạo trình độ cao đẳng, 2.520 người trình độ trung cấp, 7.659 người trình độ sơ cấp, 11.755 người được đào tạo nghề dưới 3 tháng và 4.086 lao động nông thôn đã qua đào tạo, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đến cuối 2020 đạt 71,28% (trong đó đào tạo nghề đạt 55,02%).

Tuy nhiên, Long An vẫn còn hạn chế là năm 2020 có 3.052/25.943 học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở vào học nghề trình độ sơ cấp, trung cấp, chiếm 11,76%; có 6.793/18.429 học sinh học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông học cao đẳng, chiếm 36,86%.

Hai tỷ lệ này chưa đạt mục tiêu theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở học nghề trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông học nghề trình độ cao đẳng.

Ông Nguyễn Đại Tánh chia sẻ, nguyên nhân khách quan của hạn chế trên là còn tâm lý của nhiều phụ huynh muốn cho con vào học đại học, không muốn cho học nghề sớm.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa Trung học Phổ thông, người có bằng tốt nghiệp Trung cấp không thể học liên thông lên Đại học nên khó thu hút học sinh học nghề.

Nguyên nhân chủ quan là công tác phân luồng thời gian đầu chưa có sự quan tâm đúng mức. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự phối hợp chặt chẽ với các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông trong tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.

Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thiếu về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, đội ngũ giáo viên nên năng lực tiếp nhận học sinh vào học còn hạn chế…

Từ đầu năm 2021, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động về phân luồng học sinh tại 7/15 địa phương.

Thời gian tới, tùy vào diễn biến tình hình dịch bệnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất các địa phương chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể có liên quan tiếp tục phối hợp các cơ sở dạy nghề trên địa bàn đẩy mạnh và duy trì công tác phân luồng học sinh, giúp cho học sinh và phụ huynh ngày càng hiểu ý nghĩa của công tác này.

Ông Nguyễn Đại Tánh cho biết, học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở vào học trình độ trung cấp sẽ được miễn 100% học phí.

Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách thu hút học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên; chính sách liên thông từ trình độ trung cấp lên cao đẳng, đại học; chính sách học bổng, nội trú cho học sinh, sinh viên học nghề...

Đồng thời, ngành chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyển đào tạo từ hướng “cung" sang "cầu" của thị trường lao động; tăng cường phối hợp tổ chức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; đa dạng hóa phương thức, hình thức đào tạo, bên cạnh đào tạo chính quy tại các cơ sở sẽ đào tạo tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục