Toàn thế giới ghi nhận gần 231 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới đã ghi nhận 521.670 ca mới, trong đó Mỹ chiếm nhiều nhất với 130.595 ca, tiếp theo là Brazil 36.473 ca, Anh 34.460 ca và Ấn Độ 31.957 ca.
Toàn thế giới ghi nhận gần 231 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho sinh viên tại trung tâm y tế Brooklyn ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 23/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 230,83 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4,73 triệu người không qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới 207,52 triệu người.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới đã ghi nhận 521.670 ca mới, trong đó Mỹ chiếm nhiều nhất với 130.595 ca, tiếp theo là Brazil 36.473 ca, Anh 34.460 ca, Ấn Độ 31.957 ca,...

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Mỹ là quốc gia chịu sự tác động nặng nề nhất với 43,40 triệu ca nhiễm, trong đó có gần 700.000 ca tử vong. Xếp thứ hai thế giới về số ca nhiễm là Ấn Độ với 33,56 triệu ca, trong đó có hơn 446.000 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 21,28 triệu ca nhiễm và hơn 592.000 ca tử vong.

Mỹ: Bối cảnh Delta hoành hành, đa số ca nặng là người chưa tiêm chủng

Theo CNN, số ca tử vong do COVID-19 hàng ngày tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng Ba trong bối cảnh biến thể siêu lây nhiễm Delta hoành hành tại nước này.

CNN dẫn dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cho biết nước Mỹ một lần nữa đang ở gần giai đoạn từng ghi nhận 2.000 ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày. Phần lớn các ca tử vong do COVID-19 và các ca phải nhập viện điều trị tại Mỹ đều là những người chưa tiêm chủng vaccine.

Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết tính đến ngày 22/9, có 54,8% dân số Mỹ đã hoàn thành tiêm chủng vaccine.

[Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại UAE, Campuchia, Slovakia và Pháp]

Trong khi đó, dịch bệnh đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp tại nước này khi số học sinh mắc COVID-19 ở vùng England nước Anh đã tăng cao kỷ lục trong bảy ngày qua, gây lo ngại về những gián đoạn trong ngành giáo dục và nguy cơ làn sóng lây nhiễm mới ở những nhóm người lớn tuổi.

Tỷ lệ trẻ em từ 5 đến 14 tuổi mắc COVID-19 đã tăng 80% lên 811/100.000 người trong tuần kết thúc vào ngày 19/9, vượt mức đỉnh hồi cuối tháng Bảy. Các ca mắc mới ở trẻ em tăng vọt kéo theo sự gia tăng các ca mắc ở thế hệ phụ huynh trong độ tuổi từ 30-49, hiện tăng 7% lên mức 286/100.000 người.

Anh: Số ca mắc ở độ tuổi từ 30-49 tuổi tăng

Theo nghiên cứu CoMix của Trường Vệ sinh Dịch tễ và Y học Nhiệt đới London, số ca mắc ở những người từ 30 đến 49 tuổi đã tăng mặc dù sự hòa nhập xã hội trong nhóm này không đổi, cho thấy sự gia tăng là do lây nhiễm giữa trẻ em và cha mẹ.

Theo Giáo sư John Edmunds, trưởng nhóm nghiên cứu CoMix và là thành viên Nhóm cố vấn khoa học về các trường hợp khẩn cấp của chính phủ (Sage), nếu dịch bệnh tiếp tục gia tăng với tốc độ này cho tới kỳ nghỉ giữa kỳ của học sinh, tình hình sẽ phức tạp, đặc biệt với việc nhân viên văn phòng bắt đầu trở lại làm việc tại công sở.

Toàn thế giới ghi nhận gần 231 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ảnh 2Nhân viên y tế Anh tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại trung tâm tiêm chủng di động ở phía Bắc London. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giáo sư Edmunds cho rằng những tác động lây nhiễm bệnh từ nhóm tuổi này sang nhóm tuổi khác sẽ diễn ra trong khoảng vài tuần, và vì vậy có thể sẽ sớm thấy ca mắc gia tăng ở các nhóm tuổi lớn hơn. Ông cho hay đó là lúc phải bắt đầu nghĩ tới Kế hoạch B (kế hoạch ứng phó với COVID-19 trong mùa Đông, theo đó Anh có thể áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế phòng dịch).

Các chuyên gia cảnh báo cả Vương quốc Anh có thể đối mặt với những thách thức mới vào mùa Đông khi các trường đại học hoạt động trở lại, mọi người dành nhiều thời gian trong nhà hơn và các tiếp xúc xã hội trở lại bình thường như thời kỳ trước đại dịch.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới vẫn là mối đe dọa tại nhiều nước, vaccine vẫn được xem là "chìa khóa" phòng chống dịch bệnh.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về COVID-19 toàn cầu do Mỹ tổ chức bên lề khóa họp 76 Đại Hội đồng Liên hợp quốc, một loạt nước Mỹ, Nhật Bản, Italy,... đồng loạt đưa ra cam kết viện trợ vaccine thông qua chương trình COVAX.

Đáng chú ý, Tổng thống Biden thông báo Mỹ sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho các nước trên thế giới, nâng tổng số vaccine nước này viện trợ cho nước ngoài lên 1,1 tỷ liều. Ngoài ra, ông Biden cũng cam kết hỗ trợ 370 triệu USD cho các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.

Liên quan đến mũi tiêm tăng cường, ngày 22/9, Mỹ đã chính thức cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer làm liều tăng cường cho người trên 65 tuổi, người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và người có nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2.

Quyết định trên của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đồng nghĩa hàng chục triệu người nước này giờ đây thuộc diện tiêm mũi thứ ba kể từ sáu tháng sau mũi tiêm vaccine thứ hai. Quyết định của FDA được đưa ra sau khi tuần trước, một hội đồng cố vấn độc lập của FDA đã bỏ phiếu khuyến nghị động thái này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục