Băng tan chảy khiến mực nước biển trên toàn cầu tăng mỗi năm 3,1mm

Các nhà nghiên cứu phát hiện từ năm 1979 đến năm 2020, Bắc Cực mất đi một vùng biển băng có diện tích lớn gấp 6 lần nước Đức, biến đổi khí hậu và ô nhiễm tiếp tục gây áp lực với các hệ sinh thái biển.
Băng tan chảy khiến mực nước biển trên toàn cầu tăng mỗi năm 3,1mm ảnh 1Băng lở từ sông băng Apusiajik ở gần Kulusuk, Greenland, ngày 17/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Brussels ngày 22/9 dẫn báo cáo mới được công bố cùng ngày của Cơ quan hàng hải Copernicus Liên minh châu Âu (EU) cho biết, sự ấm lên của đại dương và các sông băng tan chảy đang làm mực nước biển dâng cao thêm 2,5mm mỗi năm ở Địa Trung Hải và dâng thêm 3,1mm mỗi năm trên toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện từ năm 1979 đến năm 2020, Bắc Cực đã mất đi một vùng biển băng có diện tích lớn gấp 6 lần nước Đức. Họ cảnh báo biến đổi khí hậu và ô nhiễm tiếp tục gây áp lực đối với các hệ sinh thái biển.

[Italy: Ngập lụt do nước dâng cao bất thường tại thành phố Venice]

Cơ quan Hàng hải Copernicus (hay Cục giám sát môi trường biển Copernicus) là cơ quan chuyên trách về hàng hải trong Chương trình Copernicus của EU.

Chương trình Copernicus nhằm thu thập và cung cấp dữ liệu chất lượng và được cập nhật liên tục về trạng thái của Trái Đất.

Sự phối hợp và quản lý chương trình được đảm bảo bởi Ủy ban châu Âu phối hợp với Cơ quan vũ trụ châu Âu, các thành viên của EU và các cơ quan của EU như Cơ quan Môi trường châu Âu hoặc Cơ quan châu Âu về an toàn hàng hải.

Dữ liệu thu thập được sử dụng trong hoạt động quản lý an toàn hàng hải, giám sát thiên tai (hỏa hoạn, động đất...) dự đoán thu hoạch, cải thiện quản lý môi trường của chúng ta.

Những dữ liệu này cũng góp phần giám sát và đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục