TP Hồ Chí Minh mở cửa hoạt động thương mại với tiêu chí an toàn

TP.HCM ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch về hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố; trong đó có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kênh bán lẻ hiện đại và cả mạng lưới chợ.
TP Hồ Chí Minh mở cửa hoạt động thương mại với tiêu chí an toàn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Từ giữa tháng 9/2021 đến nay, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang từng bước mở lại hoạt động giao dịch, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo đời sống an sinh xã hội.

Cùng với đó, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch COVID-19 về hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố; trong đó có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kênh bán lẻ hiện đại và cả mạng lưới chợ truyền thống.

Bộ tiêu chí này, quy định cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được hoạt động khi đáp ứng đầy đủ điều kiện an toàn thực phẩm và phòng chống dịch COVID-19.

Cụ thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống muốn mở cửa lại phải đáp ứng các tiêu chí an toàn như có giấy chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm; đảm bảo chuỗi cung ứng từ cơ sở vật chất đến nguyên liệu; người lao động thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19; kiểm soát dịch bệnh tại cơ sở kinh doanh; bố trí khu vực giao nhận, đảm bảo giãn cách trong kinh doanh.

[Giải quyết "điểm nghẽn" cung ứng nông sản, thực phẩm cho TP.HCM]

Còn đối với hoạt động của siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi, phải đảm bảo các tiêu chí an toàn, gồm: giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bảo đảm giãn cách trong kinh doanh, bố trí khu vực giao nhận, người lao động thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19...

Đối với mạng lưới chợ truyền thống thì đảm bảo những tiêu chí như khách hàng, người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng phải có "Thẻ xanh COVID-19," bố trí lối ra vào riêng biệt và tổ chức kẻ vạch hướng dẫn giãn cách mua sắm, tổ chức sàng lọc như khai báo y tế điện tử, trang bị quét mã QR, đảm bảo vệ sinh môi trường phòng chống dịch tại chợ...

Ghi nhận thực tế, từ tối ngày 20/9 và rạng sáng ngày 21/9, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức mở điểm trung chuyển hàng hóa.

Theo phương án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (Công ty chợ Hóc Môn), dự kiến ở giai đoạn 1 chợ hoạt động từ 20 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau, bố trí 14 điểm kinh doanh rau củ, quả tại bãi đậu xe được vẽ vạch lưu đậu tối đa số 12 xe container hoặc xe tải trên 10 tấn.

Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ngành công thương và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn theo quy định của Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch COVID-19, Công ty chợ Hóc Môn thực hiện cho tiểu thương phải đăng ký chậm nhất 12 giờ trước thời điểm tập kết hàng hóa, gồm: thông tin chủng loại, số lượng hàng hóa, số xe tải, thương lái, giờ vào chợ để công ty bố trí, sắp xếp.

Ngoài ra, đối với hàng hóa vận chuyển đi, tiểu thương cũng phải đăng ký trước cho Công ty chợ Hóc Môn chậm nhất trước 12 giờ, gồm: thông tin người nhận hàng, phương tiện vận chuyển, giờ vào chợ để công ty bố trí giờ nhận hàng, đảm bảo không xảy ra tình trạng tập trung đông người cùng một thời điểm.

Ban giám đốc Công ty chợ Hóc Môn sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, trong ngày đầu tiên chợ có 16 tiểu thương hoạt động, trung chuyển 60-80 tấn hàng hóa rau củ, quả các loại.

Trong thời gian tới, dựa vào tình hình hoạt động, chợ sẽ có kế hoạch tăng số lượng hàng hóa theo lộ trình, đảm bảo đánh ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu tiêu dùng của người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, khảo sát tại mạng lưới chợ truyền thống, điểm bán lẻ, cửa hàng kinh doanh... trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, số lượng đơn vị tái mở cửa hoạt động trở lại vẫn còn hạn chế.

Đồng thời, không khí bán buôn trên thị thường vẫn trầm lắng vì người dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó,” còn đơn vị kinh doanh gặp thách thức lớn trong kết nối lại chuỗi cung ứng sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, lý giải nguyên nhân chưa mặn mà mở cửa kinh doanh trở lại, nhiều đơn vị kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh còn cho biết, hiện tại kênh bán hàng online đã được hình thành và mang lại doanh thu khá tốt.

Mặc dù, phương thức bán hàng online vẫn có những rào cản nhất định như khâu vận chuyển, giao nhận... nhưng nhìn chung vẫn giúp thương nhân, tiểu thương, đơn vị kinh doanh duy trì hoạt động kinh doanh ổn định và đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Dũng Tuấn, chuyên kinh doanh ngành hàng rau củ, quả Đà Lạt tại quận Bình Thạnh, chia sẻ hàng ngày chủ động đăng tải danh mục hàng hóa lên group Zalo, Facebook... của khu dân cư, chung cư, cộng đồng... để tiếp nhận đơn đặt hàng của người dân ở nhiều quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Sau khi soạn đơn sẽ tiếp hành giao tận nơi, nhận thanh toán không tiền mặt với hình thức chuyển khoản trong ngày.

Anh Dũng Tuấn cho biết thêm kênh mua bán online giúp đơn vị kinh doanh tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng hơn và nhất là dần dần có được số lượng khách hàng thân thiết.

Còn việc tái mở cửa hàng kinh doanh trong giai đoạn này, thì vừa tốn kém nhiều chi phí đầu vào, vừa ít khách hàng có thể mua sắm trực tiếp và thị hiếu tiêu dùng hiện nay của hầu hết người dân đều quen với kênh mua sắm online tiện lợi.

Không nằm ngoài cuộc chiến trên thị trường online, những nhà bán lẻ lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã và đang tăng cường mở rộng kênh bán hàng online. Thậm chí để tăng thêm tiện ích cho khách hàng, những nhà bán lẻ này còn mở những kênh bán hàng online phục vụ từng đối tượng khách hàng mục tiêu cụ thể.

Điển hình, hàng nghìn sinh viên khó khăn, sinh viên tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa thể về quê sẽ có thêm cơ hội được hỗ trợ mua sắm nhu yếu phẩm thông qua ứng dụng “R-One Nối vòng tay lớn” do Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) phối hợp cùng Doanh nghiệp xã hội Recycle One thực hiện từ nay đến cuối năm 2021. Hai bên sẽ đưa vào vận hành Chương trình “App Nghĩa tình-Kết nối yêu thương.”

TP Hồ Chí Minh mở cửa hoạt động thương mại với tiêu chí an toàn ảnh 2

Sinh viên chỉ cần tải và đăng ký thông tin của mình trên ứng dụng “R-One Nối vòng tay lớn,” thực hiện hướng dẫn như ngoài thông tin cá nhân cơ bản, sinh viên cũng cần ghi chú địa chỉ nhà trọ, ký túc xá, tình trạng phong tỏa… và có thể đăng ký cá nhân hoặc tập thể.

Căn cứ trên thông tin đăng ký, Doanh nghiệp xã hội Recycle One sẽ có bước phối hợp nhà trường và cơ quan chức năng tiến hành thẩm định trước khi chính thức công bố thông tin cần hỗ trợ trên app, website để các nhà hảo tâm chọn tặng tài trợ.

Các nhà hảo tâm có thể trực tiếp chọn hỗ trợ cho từng trường hợp sinh viên trên website https://www.recycleone.vn/noivongtaylon/ và được thông báo để đến siêu thị Co.opmart để mua nhu yếu phẩm.

Bước đầu, chương trình được khởi động tại Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh với ước lượng có hàng nghìn sinh viên đang cần giúp đỡ, đang tạm trú tại quận Tân Bình, quận Bình Thạnh, Quận 5 và Thành phố Thủ Đức.

Sau quá trình thí điểm từ nay đến hết năm 2021, chương trình “App Nghĩa tình-Kết nối yêu thương” dự kiến từng bước mở rộng đối tượng hỗ trợ là những người yếu thế, những trường hợp kém may mắn tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đánh giá về hoạt động thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm hiện nay, chị Bích Thuận, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, cho hay vẫn còn một số mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm... bị đứt hàng cục bộ, nhưng người dân đã dễ dàng tiếp cận hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hơn.

Song song đó, việc hỗ trợ và tổ chức cho người dân tại khu dân cư trên địa bàn mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã trở nên dễ dàng hơn khi có sự kết hợp giữa lực lượng "đi chợ hộ" địa phương và nhà bán lẻ, cửa hàng kinh doanh, đầu mối mua chung...

Tương tự, một số người dân ở các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cũng cho rằng, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, ngành công thương và đơn vị kinh doanh đang từng bước mở lại hoạt động thương mại an toàn, nên người dân rất kỳ vọng sớm được trở lại đời sống bình thường mới.

Hơn thế nữa, nhiều người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện sự tin tưởng và kiên nhẫn đồng hành cùng chính quyền địa phương bảo vệ "vùng xanh," phấn đấu trở thành "vùng xanh" trong thời gian sớm nhất có thể bằng cách thực hiện biện pháp phòng chóng dịch COVID-19 nghiêm túc trong hoạt động mua sắm, giãn cách xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục