Nghị quyết 105 - chỗ dựa cho doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19

Tại Nghị quyết 105, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nền tảng công nghệ số để tích hợp, hướng dẫn triển khai đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương phục vụ chống dịch.
Nghị quyết 105 - chỗ dựa cho doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19 ảnh 1(Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trong các báo cáo và thư gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cùng các hiệp hội ngành hàng chủ lực đã nhiều lần phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp và kiến nghị về nhiều vấn đề như xét nghiệm SARS-CoV-2, tiêm vaccine phòng COVID-19, luồng xanh vận tải, mô hình "3 tại chỗ."

Để duy trì sản xuất ở vùng công nghiệp trọng điểm của cả nước, có vai trò rất lớn với các chuỗi sản xuất-xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam thời gian qua đã nỗ lực áp dụng mô hình "3 tại chỗ."

Song, việc thực hiện là vô cùng khó khăn vì điều kiện nhà xưởng, ký túc xá khó đáp ứng và số lượng người lao động quá lớn. Bên cạnh đó, nhiều người do sợ lây bệnh đã không đồng ý ở lại nhà máy.

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vào cuối tháng 7/2021, do bốn Hiệp hội: Dệt may Việt Nam (VITAS), Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) đồng ký tên cho biết, dịch COVID-19 bùng phát trở lại và trở nên nghiêm trọng tại các nhà máy, khu công nghiệp, đặc biệt tại khu vực phía Nam.

Bộ Y tế cùng chính quyền các địa phương đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ," nhưng nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng triển khai.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, từ trước đến nay chưa có nhà máy may nào quy mô sản xuất đủ để thực hiện mục tiêu "3 tại chỗ," nên khi dịch xảy ra, lực lượng lao động làm việc theo mô hình này chỉ chiếm khoảng 10-15% trong tổng lực lượng lao động ở khu vực phía Nam hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, việc áp dụng mô hình "3 tại chỗ" ở các tỉnh, thành phố phía Nam không mấy hiệu quả, thậm chí đây chính là nơi dịch bệnh khu trú và loang ra rất nhanh, thành những chùm lây nhiễm. Bản thân nhiều doanh nghiệp cũng không biết nguồn lây đến từ đâu, khi phát hiện, test sàng lọc thì đã có rất nhiều người dương tính với SARS-CoV-2.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nhận định, chi phí cho việc duy trì "3 tại chỗ" khá lớn, bởi ngoài chi phí vận hành sản xuất trong bối cảnh đã phát sinh nhiều khó khăn, các doanh nghiệp phải chuẩn bị chi phí bảo đảm điều kiện ăn ở và chi phí xét nghiệm khá thường xuyên cho hàng trăm, hàng nghìn người trong thời gian dài.

Trước số tiền không nhỏ như vậy, nhiều doanh nghiệp đành chỉ duy trì lượng nhân công tối thiểu từ 10-40% và sản xuất cầm chừng.

Trong công văn khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 31/7, Ban IV đã đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì họp khẩn cấp với các tỉnh, có thể mời đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia để đánh giá tình hình, bàn bạc thấu đáo các giải pháp nhằm tìm ra phương án có khả năng giảm thiểu thiệt hại lớn nhất cho cả địa phương và doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" khi có nhân viên, người lao động là F0, do lực lượng y tế địa phương tương đối quá tải và chưa lập sẵn quy trình ứng phó chi tiết dẫn tới thực tiễn khó khăn cho cả chính quyền và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Ban IV cũng nêu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Thủ tướng quan tâm đặc biệt tới chiến dịch "selftest - tự mua dụng cụ để chủ động xét nghiệm" mà Mỹ và các quốc gia châu Âu đã áp dụng; nhằm giúp doanh nghiệp và cả xã hội có thể tiết kiệm khoản chi phí rất lớn so với hình thức xét nghiệm dịch vụ (thậm chí độc quyền bởi các trung tâm y tế tại một số địa bàn) như hiện nay.

Bởi chi phí xét nghiệm PCR hiện dao động từ 700.000-1 triệu đồng/lần xét nghiệm; chi phí xét nghiệm nhanh trung bình trên 200.000 đồng/lần xét nghiệm.

Chỉ tính riêng nhóm lái xe vận tải hàng hóa vào khoảng 800.000 người trên cả nước (số liệu ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics và Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam), với tần suất xét nghiệm PCR từ 11-15 lần/tháng, chi phí phải bỏ ra của các doanh nghiệp vận tải đã là nhiều nghìn tỷ đồng. Chưa kể hàng chục triệu người lao động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác.

Giải pháp trên cũng giúp người lao động tránh được các rủi ro lây lan dịch bệnh khi thường xuyên phải xếp hàng tập trung đông người để đăng ký xét nghiệm, kiểm tra giấy kết quả xét nghiệm...

Ngày 9/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Có thể nói, những nội dung của Nghị quyết là giải pháp cho doanh nghiệp, như lời bà Thủy nói, "một số chỉ đạo đặc biệt quan trọng của Chính phủ tại Nghị quyết này đúng với mong mỏi và kiến nghị liên tục của doanh nghiệp."

[Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất chiến lược 'Phòng chống dịch theo điểm']

Điểm nổi bật của Nghị quyết là Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tháng 9/2021, ban hành văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và việc công nhận kết quả xét nghiệm.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế, hướng dẫn, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu vaccine; Nhà nước thực hiện việc kiểm tra chất lượng, cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vaccine miễn phí cho mọi người dân; mua máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch, thuốc điều trị COVID-19; sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước.

Căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch và mức độ bao phủ vaccine trên địa bàn, hướng dẫn các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 có lộ trình, kế hoạch cụ thể để các doanh nghiệp, hợp tác xã có thể hoạt động trở lại.

Nghị quyết 105 - chỗ dựa cho doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19 ảnh 2Khu vực khám sàng lọc trước tiêm tại điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Khu công nghiệp Nội Bài. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Chính phủ cũng giao Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể các địa phương về việc xét nghiệm và các điều kiện cần thiết đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để sớm được tham gia lưu thông và các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây sẽ là nền tảng cho việc hình thành "người lao động xanh" trong thời gian tới.

Theo ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Delta, Nghị quyết đã đưa ra các giải pháp phù hợp với chủ trương chung của Đảng trong phát triển kinh tế tư nhân và mang tính đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp khỏi kiệt quệ khi phải đối mặt với dịch bệnh trong thời gian dài. 

Khi nói đến mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa duy trì hoạt động kinh tế, phải nói đến hoạt động lưu chuyển hàng hóa. Lâu nay, các ban, ngành và địa phương đã nhân danh việc phòng, chống dịch bệnh để đưa ra các quy định đối với hoạt động lưu chuyển hàng hóa bằng đường bộ không phù hợp với quy định của Chính phủ và Bộ Y tế, gây ách tắc cho lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu cơ bản của nhân dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, vấn đề xét nghiệm lái xe đang được các địa phương áp dụng không đồng nhất về phương pháp xét nghiệm, thời hạn kết quả xét nghiệm. 

Chi phí xét nghiệm lái xe phục vụ việc lưu chuyển hàng hóa rất lớn. Với khoảng 200.000 đồng/lần xét nghiệm kháng nguyên hoặc xét nghiệm bằng phương pháp PCR mẫu gộp có giá trị trong vòng 72 giờ thì chi phí xét nghiệm cho một lái xe vào khoảng 2 triệu đồng/tháng, lớn hơn cả mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên mức lương tối thiểu theo vùng. Với một đội xe khoảng 150 đầu xe như tại Delta, chi phí xét nghiệm lái xe đang ở mức 300 triệu đồng/tháng và Công ty đã phải chi trả chi phí này trong khoảng 18 tháng nay.

Nếu quy định doanh nghiệp tự xét nghiệm được thực hiện sẽ giúp cho các doanh nghiệp tiết giảm được khoảng 70% chi phí xét nghiệm cho nhân viên. "Với khoảng 800 nghìn lái xe đang tham gia vận chuyển hàng hóa và hàng triệu công nhân ở các vùng trọng điểm công nghiệp trên cả nước đang phải xét nghiệm với tần suất 3-5 ngày/lần, chính sách này có ý nghĩa với doanh nghiệp không kém bất kỳ một gói hỗ trợ nào mà Chính phủ đã thực hiện cho đến nay," ông Trần Đức Nghĩa nói.

Trong thực tế, Bắc Giang đã hướng dẫn cho công nhân tự xét nghiệm kháng nguyên và công nhận kết quả xét nghiệm để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tương tự, tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã để người dân tự xét nghiệm và sử dụng kết quả cho công tác phòng, chống dịch.

Với những kinh nghiệm thực tế đã có, Bộ Y tế hoàn toàn đủ dữ liệu để triển khai thành công chính sách quan trọng này của Chính phủ trên phạm vi toàn quốc, đúng thời hạn đã được quy định trong Nghị quyết.

Tại Nghị quyết 105/NQ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nền tảng công nghệ số để tích hợp, hướng dẫn triển khai đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh, chứng chỉ xanh,… nhằm đảm bảo thông tin tập trung, chính thống, nhanh chóng, thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân, hoàn thành trong tháng 9/2021.

Việc có quá nhiều ứng dụng, không liên thông được với nhau, mỗi bộ, ngành, địa phương lại có một cách chỉ đạo khác nhau, khiến người dân, doanh nghiệp không biết đâu mà lần thời gian qua sẽ không còn khi có nền tảng tích hợp này.

Cũng tại Nghị quyết, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất "luồng xanh" vận tải đường bộ và đường thủy toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa an toàn, thông suốt trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi; không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất; không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Nghị quyết 105 - chỗ dựa cho doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19 ảnh 3Lực lượng chức năng hướng dẫn tạo “luồng xanh” cho các phương tiện vận tải. (Ảnh: TTXVN)

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ hy vọng những quy định rõ ràng, minh bạch sẽ giúp họ giảm được rất nhiều chi phí và những ách tắc trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ giao các địa phương cùng với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn; thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế; chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trở lại khi đáp ứng điều kiện an toàn phòng, chống dịch; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy; đánh giá đầy đủ khả năng của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong việc đáp ứng yêu cầu an toàn phòng chống dịch khi áp dụng các mô hình: "Một cung đường, hai điểm đến," "3 tại chỗ," "3 cùng"… và các mô hình phù hợp để áp dụng khi đáp ứng điều kiện an toàn, phù hợp với thực tiễn địa phương.

Các địa phương tập trung tháo gỡ triệt để tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập trong thực thi các quy định, thủ tục về phòng, chống dịch COVID-19, tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Trung ương; không tạo ra các loại giấy phép "con," các điều kiện cản trở lưu thông hàng hóa, không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Nhằm hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong tháng 9/2021 tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vu Quốc hội về việc ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn; chỉ đạo, hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, đề xuất miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020 và năm 2021. Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành.

Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét miễn nộp đoàn phí công đoàn cho đoàn viên tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2021 và 2022 và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giảm mức đóng kinh phí công đoàn trong năm 2021, 2022 (hiện mức đóng đang là 2% quỹ lương)…

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến xem xét, quyết định và ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, trong đó đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng với điều kiện tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020; giảm thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hướng cho phép miễn toàn bộ số thuế phải nộp quý 3 và 4 năm 2021; giảm thuế giá trị gia tăng từ 1/10/2021 đến 31/12/2021 cho một số lĩnh vực, dịch vụ...

Các nội dung này vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 3./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục