Trung Thu nơi tâm dịch: Đoàn viên với gia đình qua màn hình di động

Trung Thu là Tết đoàn viên, không được về nhà, nhiều bác sỹ nơi tuyến đầu chống COVID-19 đã đón Tết qua sóng di động để thỏa nỗi nhớ gia đình và càng thêm quyết tâm cứu người, thắng dịch.
Trung Thu nơi tâm dịch: Đoàn viên với gia đình qua màn hình di động ảnh 1Trung Thu đặc biệt nhà bác sỹ Thu Oanh. (Ảnh: NVCC)

Trung Thu năm nay có lẽ là dịp tết thiếu nhi có nhiều chữ “không” nhất từ trước tới giờ: Không phá cỗ linh đình, không múa lân, không ra đường đi chơi...

Thậm chí, với  nhiều gia đình, Tết đoàn viên đã vắng bóng phụ huynh khi họ xung phong ra tuyến đầu chống dịch.

Đoàn viên qua... sóng di động

Được điều động vào tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh từ đầu tháng Tám, bác sỹ Thu Oanh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) để lại ba bố con ở nơi hậu phương. Hiện, chị Oanh đang cùng các động đội căng mình cứu chữa cho những bệnh nhân nặng nhất tại bệnh viện dã chiến 13 (huyện Bình Chánh).

Ở nhà, chồng của bác sỹ Oanh - anh Hiệp cho biết mình đang "quay cuồng" với nhịp sống mới: "Sáng kèm hai đứa học đứa lớp 1, lớp 3, chiều kèm làm bài tập, đến giờ lại lo cơm nước, tắm rửa... Lắm khi việc của mình đến 9, 10 giờ tối mới làm được."

Thường xuyên phải việc trong không khí nóng nực của bệnh viện dã chiến và bộ đồ bảo bộ, chị Oanh phải gội đầu hàng ngày, có những hôm phải dùng cả bánh xà bông nên da đầu khô, yếu và rụng nhiều tóc. Biết tin viện sắp cử thêm nhân viên y tế vào Nam nên tối 20/9, anh Hiệp tranh thủ qua viện để gửi cho vợ một số đồ đạc và thuốc khắc phục tình trạng tóc yếu, sau đó mới quay về nhà để tổ chức Trung Thu sớm cho hai cậu con trai 6 và 9 tuổi.

[Mang Tết Trung thu đến với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt]

Nhà ở tại tâm dịch Thanh Xuân Trung, đi lại khó khăn nhưng anh Hiệp vẫn cố gắng mua một số hoa quả, quà bánh cho các con. Đồ chơi thì đành thống nhất là lại lấy cái đầu lân mua từ năm ngoái dùng lại.

“Hôm nay phá cỗ chỉ có ba bố con thôi,” anh Hiệp chụp hình ảnh mâm cỗ gồm một đĩa hoa hoa quả, bên cạnh là các hộp bánh Trung Thu, đồ ăn vặt cũng được bày biện gọn gàng, rồi gọi điện cho vợ chúc mừng các con.

Anh Hiệp bảo, mẹ đi công tác, con trai lớn nghe lời và có ý thức đỡ đần gia đình nhiều hơn, biết kèm em học, rửa bát sau khi ăn và thường xuyên hỏi bố giờ làm việc, giờ nghỉ của mẹ để có thể nhắn tin hỏi han, bày tỏ tình cảm với mẹ.

Từ những tin nhắn “Mẹ ơi mẹ có mệt không?” hay “Con và em ở nhà đều ngoan mẹ ạ,” cùng những hình động dễ thương mà con trai lớn gửi cho, chị Oanh đều rơi nước mắt.

“Nhớ các con, nhớ nhà nhiều,” bác sỹ Oanh nói, “tôi làm ở khu vực hồi sức tích cực nên chứng kiến bệnh nhân tử vong nhiều nhất. Nhiều khi căng thẳng vô cùng, nhưng được cống hiến thế này, tôi thấy rất tự hào và có ý nghĩa. So với những đứa trẻ mồ côi bố mẹ bây giờ thì nhưng đứa trẻ còn được hưởng cuộc sống bình yên có bố, có mẹ đã là hạnh phúc lắm rồi.”

Món quà Trung Thu to nhất

Giống như nhiều gia đình khác có người thân tham gia chống dịch, năm nay, Trung Thu của nhà chị Nguyễn Thu Hiền (Hà Nội) cũng chỉ có ba mẹ con. Chồng chị Hiền, bác sỹ Lê Nhật Huy (chuyên khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức) hiện cũng đang làm việc tại bệnh viện dã chiến số 13.

"Lo và nhớ nhiều," chị Hiền nói khi chia sẻ ảnh anh chồng bác sỹ trên Facebook. Có lời động viên từ bạn bè, nỗi nhớ của chị phần nào được san sẻ.

Biết con trai là một fan bóng đá nhiệt thành, anh Huy khi đi công tác hứa sẽ mua về cho cậu con trai lớp hai - bé Hoàng Chương một quả bóng đá.

Trung Thu nơi tâm dịch: Đoàn viên với gia đình qua màn hình di động ảnh 2Xa nhà dịp Trung Thu, bác sỹ Lê Nhật Huy chỉ có thể gặp con qua cuộc gọi hình. (Ảnh: NVCC)

Vào một ngày gần Tết Trung Thu, các thầy cô ở trường tiểu học đến tận nhà để tặng quà cho cậu bé để thay lời tri ân tới các y bác sỹ đang chống dịch nơi chiến trường. Trung Thu của cậu học sinh lớp hai dường nhờ thế mà ý nghĩa hơn nhiều.

Nhớ đến lời hứa của bố, Chương thủ thỉ: “Mẹ ơi, món quà lớn nhất bố tặng con không phải là quả bóng đá mua ở Sài Gòn về, mà là sức khỏe của mọi người mẹ ạ.”

Chị Thu Hiền nghe thế không giấu được cảm xúc. Chị kể: “Thi thoảng tôi lại bật các đoạn video quay hình bố, mở các bản tin về dịch bệnh hay phim tài liệu ‘Ranh giới’ cho các cháu xem. Như thế, các cháu mới hiểu sự vất vả, hiểm nguy mà các nhân viên y tế phải đối mặt. Tôi muốn hai con nhớ rằng có được cuộc sống hiện tại là một điều rất may mắn, nhất là khi có rất nhiều trẻ em đã mất bố mẹ vì dịch COVID-19...”

Trung Thu ở xa nhà, lại cáng đáng nhiệm vụ cứu giúp sinh mạng cho hàng ngàn người nên với các bác sỹ, nhớ về gia đình là nhớ đến sự an ủi tinh thần lớn nhất. “Ba bố con, cha mẹ, người thân là những động lực to lớn của tôi,” bác sỹ Thu Oanh tâm sự: “Giờ đây, việc gì cũng có thể chờ đợi và chậm lại. Chỉ cần mọi người phải có sức khỏe, được bình an vô sự chính là điều quan trọng nhất vào lúc này”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục