Proofpoint: Một nửa các công ty bị tấn công mã độc trả tiền chuộc

Trong các cuộc tấn công mã độc tống tiền lớn nhằm vào vào hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất của Mỹ do công ty Colonial Pipeline điều hành và công ty chế biến thịt lớn nhất thế giới JBS.
Proofpoint: Một nửa các công ty bị tấn công mã độc trả tiền chuộc ảnh 1Một cơ sở của công ty Colonial Pipeline ở Baltimore, bang Maryland, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cuộc khảo sát mới đây của công ty an ninh Proofpoint với trụ sở ở Mỹ, cho thấy hơn một nửa các tổ chức mục tiêu của các vụ tấn công bằng mã độc tổng tiền (ransomware) tại bảy thị trường lớn hàng đầu thế giới đã tiến hành trả tiền chuộc, giữa bối cảnh các vụ tấn công ransomware ngày càng thường xuyên hơn.

Theo đó, khoảng 2.400 trong tổng số 3.600 công ty và tổ chức tham gia khảo sát của Proofpoint cho biết họ đối mặt với các cuộc tấn công ransomware trong năm 2020, với 52% công ty và tổ chức trả tiền chuộc cho các kẻ tấn công với hy vọng khôi phục quyền truy cập dữ liệu.

Trong đó, các công ty và tổ chức của Mỹ chi trả tiền chuộc cho 87% số vụ tấn công mạng, tiếp đến là Anh và Đức với tỷ lệ chi trả cho các vụ tấn công lần lượt là 59% và 54%. Trong khi đó, 1/3 doanh nghiệp và tổ chức Nhật Bản bị tấn công ransomware đã chi trả tiền chuộc cho các nhóm tin tặc.

Trong các cuộc tấn công mã độc tống tiền lớn nhằm vào vào hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất của Mỹ do công ty Colonial Pipeline điều hành và công ty chế biến thịt lớn nhất thế giới JBS của Brazil trong tháng 5/2021, cả hai công ty đều thừa nhận tiến hành chi trả tiền chuộc cho các vụ tấn công ransomware.

[FIC 2021: Hợp tác và hành động tập thể để bảo đảm an ninh mạng]

Số tiền chi trả cho các vụ tấn công ransomware ngày càng tăng cao. Theo công ty an ninh Palo Alto Networks của Mỹ, khoản tiền chuộc chi trả trung bình trên thế giới cho mỗi vụ tấn công mã độc trong năm 2020 là hơn 312.000 USD, tăng  gấp ba lần so với năm trước đó.

Giới chuyên gia cho rằng việc chi trả tiền chuộc mà không cân nhắc thích đáng sẽ khuyến khích nhiều vụ tấn công ransomware hơn, qua đó tạo điều kiện và "nuôi dưỡng" khủng bố mạng. Các công ty đối mặt với nhiệm vụ duy trì các công nghệ phòng ngừa mạng mới nhất, trong khi thực hiện việc báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng và chia sẻ thông tin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục