Dịch COVID-19: Singapore nâng cấp cơ sở chăm sóc cộng đồng

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, quyết định trên nhằm giảm tải cho các bệnh viện trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại đảo quốc này đang tăng mạnh trong hai tuần gần đây.
Dịch COVID-19: Singapore nâng cấp cơ sở chăm sóc cộng đồng ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/9, Bộ Y tế Singapore (MOH) thông báo một hạng mục cơ sở chăm sóc cộng đồng (CCF) mới sẽ được thiết lập để điều trị cho những bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ, nhưng tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nguy cơ cần được theo dõi chặt chẽ hơn.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, quyết định trên nhằm giảm tải cho các bệnh viện trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại đảo quốc này đang tăng mạnh trong hai tuần gần đây, đặc biệt hai ngày vừa qua liên tiếp ghi nhận hơn 1.000 ca/ngày.

Theo đó, bệnh viện chỉ điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 cần được chăm sóc y tế chuyên khoa chặt chẽ - như điều trị tích cực ICU hoặc người bệnh phải thở oxy. Trong khi đó, bệnh nhân được chăm sóc tại các CCF nâng cấp này bao gồm những người cao tuổi có triệu chứng nhẹ nhưng mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, thần kinh hoặc hô hấp.

Mặc dù những bệnh nhân này không có nguy cơ bệnh diễn biến xấu đến mức cần bổ sung oxy hoặc chăm sóc đặc biệt, nhưng họ sẽ cần theo dõi chặt chẽ hơn về các tình trạng bệnh trước đó cũng như các dấu hiệu lâm sàng sớm nào về việc bệnh chuyển biến nặng.

[Campuchia đạt dấu mốc mới trong công tác tiêm phòng COVID-19]

Theo MOH, tại các cơ sở CCF mới sẽ có nhiều nhân viên y tế và điều dưỡng hơn, qua đó bệnh nhân sẽ được “chăm sóc y tế toàn diện hơn.”

CCF đầu tiên dành cho bệnh nhân COVID-19 được nâng cấp là tại Viện dưỡng lão NTUC Health ở khu Tampines. Cơ sở này sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày 23/9 tới với 250 giường. Một số CCF - dành cho những bệnh nhân nhẹ - cũng sẽ có một tỷ lệ giường nhất định được chuyển đổi sang loại nâng cấp.

MOH cho biết thêm khi có nhiều bệnh nhân COVID-19 hơn cần chuyển đến CCF, Bộ sẽ khởi động các dịch vụ 24/24. Trước đó, MOH cũng khuyến cáo người dân có các triệu chứng nhẹ không nên đến các Khoa cấp cứu và tai nạn trong bệnh viện mà thay vào đó, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ đa khoa tại phòng khám Swab và Send Home. Họ chỉ nên đến các cơ sở y tế này khi được bác sĩ tư vấn hoặc nếu có các triệu chứng nghiêm trọng như đau ngực hoặc khó thở.

Cũng tại châu Á, cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviy thông báo từ quý IV/2021, nước này sẽ nối lại xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19, trong đó ưu tiên hàng đầu cho các quốc gia láng giềng.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Mansukh Mandaviya nêu rõ sản lượng vaccine hằng tháng của quốc gia này đã tăng gấp đôi và dự kiến sẽ  tăng gấp bốn lần lên hơn 300 triệu liều vào tháng tới. Số lượng vaccine tăng thêm sẽ được xuất khẩu và ưu tiên cho các quốc gia láng giềng.

Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, vào tháng 4 năm nay, nước này đã ngừng xuất khẩu các lô vaccine ngừa COVID-19 để tập trung cho chiến dịch tiêm chủng trong nước.

Theo hãng tin Reuters, Ấn Độ đang xem xét sớm nối lại xuất khẩu vaccine, vì phần lớn người trưởng thành ở nước này đã được chủng ngừa và nguồn cung vaccine đã tăng. Ấn Độ đã tặng hoặc bán 66 triệu liều cho gần 100 quốc gia trước khi ngừng xuất khẩu. 

Tại châu Âu, một người phát ngôn của Chính phủ Đức cho biết chính phủ nước này không đặt thời hạn dỡ bỏ các quy định giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 do chưa rõ liệu đại dịch có bùng phát trở lại vào mùa Đông này hay không. 

Theo Viện Robert Koch về các bệnh truyền nhiễm, ngày 20/9, Đức ghi nhận 3.736 ca mắc mới COVID-19 và tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình trong 7 ngày qua là 71/100.000 người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục