Lừa tuyển người làm việc tại nhà để xâm nhập tài khoản ngân hàng

Sau khi lấy được mã OTP, Hải và Hưng nhập mã OTP này để hoàn thành việc chiếm đoạt tiền từ tài khoản của những người bị hại rồi chuyển tiền qua các tài khoản của Hải hoặc của Phúc, sau đó chia nhau.
Lừa tuyển người làm việc tại nhà để xâm nhập tài khoản ngân hàng ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: Momo)

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 3 bị can: Nguyễn Ngọc Hải (sinh năm 2001), Dương Viết Hưng (sinh năm 2003) và Nguyễn Thanh Phúc (sinh năm 1998) đều trú tại huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 290 – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo cáo trạng, năm 2020, cả 3 bị can này đều bị cơ quan công an xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trai phép chất ma túy. Do cần tiền để sử dụng ma túy và chơi game trên mạng Internet nên từ cuối tháng 6/2020, Nguyễn Ngọc Hải và Dương Viết Hưng đã nhờ Dương Tuấn Khang hướng dẫn cài ứng dụng Weely trên điện thoại di động, sau đó sử dụng ứng dụng này tạo đường link có thể thu thập thông tin tài khoản ngân hàng (tên đăng nhập, mật khẩu) của người truy cập vào đường link này nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Thông qua mạng xã hội, Hải mua tài khoản tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mang tên người khác rồi đăng ký số điện thoại liên kết là số điện thoại của mình để nhận tiền. Hải và Hưng thường xuyên thuê phòng tại nhà nghỉ để tụ tập và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Cả hai đã lập nhiều tài khoản Facebook cá nhân và lập trang “Tuyển nhân viên – CTV - Trên toàn quốc” đăng các bài tuyển người làm việc tại nhà, trả lương qua tài khoản ngân hàng. Nếu ai có nhu cầu xin việc làm thì Hải và Hưng sẽ yêu cầu họ phải liên kết tài khoản ngân hàng, tài khoản “Ví Momo” với đường link trên với lý do để trả lương, nhưng thực chất là để chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng của những người này.

[Thấy chủ nhà đang ngủ, đối tượng lấy trộm hơn 20 cây vàng và tiền mặt]

Cụ thể, Hải hoặc Hưng sẽ đăng nhập tài khoản ngân hàng của người bị hại, thực hiện lệnh chuyển tiền từ tài khoản chiếm được đến tài khoản của Hải mở tại hệ thống BIDV hoặc nạp tiền vào các tài khoản game King Fun qua các tài khoản ngân hàng của Đại lý game King Fun. Lúc này, mã OTP xác nhận chuyển tiền sẽ được gửi vào số điện thoại của người bị hại. Hải và Hưng dùng điện thoại gọi hoặc nhắn tin cho người bị hại xưng là nhân viên công ty tuyển việc làm, yêu cầu họ nhập mã OTP vào đường link trên hoặc cung cấp trực tiếp mã OTP để xác nhận liên kết.

Sau khi lấy được mã OTP, Hải và Hưng nhập mã OTP này để hoàn thành việc chiếm đoạt tiền từ tài khoản của những người bị hại rồi  chuyển tiền qua các tài khoản của Hải hoặc của Phúc, sau đó rút tiền ra chia nhau.

Với phương thức và thủ đoạn như trên, từ ngày 15/6 đến ngày 7/12/2020, Hưng, Hải và Phúc đã thực hiện 22 vụ, chiếm đoạt tiền của 22 người hơn 575 triệu đồng. Đến ngày 8/12/2020, Hải, Hưng và Phúc bị Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, các bị can khai nhận hành vi phạm tội như trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục