NSND Ngô Mạnh Lân: Tiên phong đưa văn hóa Việt lên phim hoạt hình

NSND Ngô Mạnh Lân là người đã đề xuất sử dụng từ “hoạt hình” thay vì “hoạt họa.” Đề xuất này được chấp thuận và Xưởng phim hoạt họa-búp bê bấy giờ đổi tên thành Xưởng phim hoạt hình Việt Nam.
NSND Ngô Mạnh Lân: Tiên phong đưa văn hóa Việt lên phim hoạt hình ảnh 1Nghệ sỹ nhân dân Ngô Mạnh Lân. (Ảnh tư liệu: BIBI Media)

Ngày 15/9, Nghệ sỹ nhân dân, đạo diễn hoạt hình Việt Nam, họa sỹ Ngô Mạnh Lân qua đời vì tuổi cao. Ông ra đi để lại khối di sản phim hoạt hình làm nên tuổi thơ của nhiều thế hệ và loạt giải thưởng quốc tế quý giá cho nền hoạt hình nước nhà.

Đạo diễn truyền hình Nguyễn Trung Thành của các chương trình kênh VTV1, VTV3 như “Khám phá Việt Nam,” “Khát vọng non sông”... cho hay ông là khởi nguồn cho đam mê vẽ và sự nghiệp sau này của mình.

“Vĩnh biệt bác Ngô Mạnh Lân, người gieo vào thế hệ mình những bộ phim hoạt hình kỳ diệu, để mình cũng trở thành một người làm phim hoạt hình cho đến bây giờ,” anh viết lời chia buồn khi nghe tin ông qua đời.

Đạo diễn, họa sỹ Ngô Mạnh Lân sinh năm 1934 tại Thanh Trì, Hà Nội và là học viên trong khóa đầu tiên của danh họa Tô Ngọc Vân ở Trường Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1955, ông được nhà nước cử đi học làm đạo diễn hoạt hình tại Liên Xô.

Trong khi học tại trường, ông được mời vẽ minh họa cho bản tiếng Nga của “Dế Mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài). Ban đầu ông ngại không biết làm thế nào nên phải đi nghiên cứu nhiều. Về sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bản dịch tiếng Nga của truyện được trẻ em Liên xô đón nhận thích thú, còn ông nhận ra “công việc cũng có cái thích thú.”

“Tuy thế giới hoạt hình như vậy, nhưng nó không chỉ bó hẹp trong các con vật chó mèo, sâu kiến mà chính là phản ánh xã hội, khoác áo con người để thể hiện xã hội với nhau,” họa sỹ chia sẻ lúc sinh thời.

[NSND Ngô Mạnh Lân - người đặt nền móng cho phim hoạt hình VN qua đời]

Năm 1962 ông về nước, nhập vào hàng ngũ cánh chim đầu đàn của hoạt hình Việt với Nghệ sỹ nhân dân Lê Minh Hiền, đạo diễn-họa sỹ Trương Qua. Thời kỳ đầu, sự nghiệp hoạt hình của nước nhà còn nhiều khó khăn về nguyên liệu, điển hình như không có giấy kính trong suốt chuyên dụng nên phải dùng giấy pơ luya vì tính chất mỏng.

Thấy chưa đủ mỏng và dễ nhìn xuyên qua, người làm hoạt hình bấy giờ thử quết cả véc-ni, dầu tây mỏng, rồi thử cả dầu thông để tăng độ trong của giấy. Ngoài ra, chính cơ chế vẽ từng khung hình khi xưa cũng rất mất thời gian (24 hình/giây) – một phim 10 phút tương ứng 14.400 hình vẽ và tô màu thủ công...

Hay chính câu chuyện hãng và ê-kíp của Nghệ sỹ nhân dân Ngô Mạnh Lân phải đi sơ tán lên Mê Linh vì Hà Nội bị đánh bom năm 65 là những khó khăn điển hình. Trong cái khó ló cái khôn, đội ngũ của ông chuyển từ kế hoạch làm “Chuyện ông Gióng” sang “Cái Tết của mèo con” – một tác phẩm đạo diễn Ngô Mạnh Lân đã quen thuộc từ khi còn học ở Liên Xô, lấy thiên nhiên và cuộc sống đồng quê Mê Linh làm bối cảnh cho phim đã giúp tác phẩm được hoàn thiện nhanh chóng dù gặp một số khó khăn vì thiếu điện.

Những tác phẩm hoạt hình của ông nổi bật với thiếu nhi, đặc biệt là thế hệ 7x, 8x và cả 9x. Đạo diễn Trung Thành nhớ lại những năm 80 khi mình còn nhỏ, được xem tivi là một niềm vui sướng, được xem hoạt hình lại còn hạnh phúc gấp bội.

NSND Ngô Mạnh Lân: Tiên phong đưa văn hóa Việt lên phim hoạt hình ảnh 2Nghệ sỹ nhân dân Ngô Mạnh Lân (đội mũ) và đạo diễn Trung Thành (bìa phải) trong chương trình truyền hình nhân dịp 55 năm Hãng phim hoạt hình Việt Nam. (Anh: BIBI Media)

Trước khi các bom tấn hoạt hình của Disney (Mỹ) trở nên phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam, tuổi thơ của thế hệ anh Thành đáng nhớ nhờ những “Hay đợi đấy” trứ danh của Liên xô, “Chuyện Ông Gióng,” “Cái Tết của mèo con,” “Trê Cóc,” “Dế mèn phiêu lưu ký”... (mà mãi về sau anh mới biết là do họa sỹ Ngô Mạnh Lân làm đạo diễn) đầy gần gũi, thú vị vì xoay quanh những câu chuyện, văn hóa, cổ tích của Việt Nam.

Năm 1977, ông cùng biên kịch hoạt hình Trần Ngọc Thanh cho ra mắt cuốn “Phim hoạt họa Việt Nam,” trong đề xuất không gọi là hoạt họa mà phải gọi là “hoạt hình.”

“Họa là vẽ, hoạt họa chỉ là hình vẽ chuyển động. Mà nếu chỉ là hình vẽ thôi thì không đúng, bởi búp bê, giấy trổ thì không phải hình vẽ. Cái chén, cái ấm, hòn đá hòn sỏi đều có thể trở thành nhân vật được cơ mà... nên tôi đề xuất gọi là hoạt hình, về sau được hãng chấp nhận và đổi tên,” ông trải lòng.

Sinh thời, đạo diễn Ngô Mạnh Lân rất muốn xuất bản riêng một cuốn về lịch sử hoạt hình Việt Nam. Trong cuốn lịch sử điện ảnh Việt Nam, chính ông là người đã viết về hoạt hình việt nam từ ngà đầu đến năm 2003-2004 ở cả hai tập 1 và 2.

Nhớ về Ngô Mạnh Lân, Nghệ sỹ nhân dân Phạm Minh Trí (thế hệ đạo diễn thứ hai của Hãng phim hoạt hình Việt Nam) không thể quên những ngày đầu được đàn anh dẫn dắt. Bộ phim đầu tay của ông “Bộ đồ nghề nổi giận” của ông cũng do người anh Mạnh Lân kèm cặp.

“Được ông giúp truyền đạt một cách tâm huyết, nhiệt tình, bản thân tôi vô cùng trân trọng và quý mến. Với sự cộng tác, giúp đỡ ấy, tôi đã gây được ấn tượng tốt với ban lãng đạo hãng và có chỗ đứng trong vai trò mới – vai trò đạo diễn,” ông Trí nhớ lại.

Nghệ sỹ nhân dân Phạm Ngọc Tuấn hiện đang làm giám đốc Công ty Cổ phần Hãng phim hoạt hình Việt Nam cũng nhớ về thầy Ngô Mạnh Lân là một người rất hiền hậu trong giao tiếp, nhưng vô cùng nghiêm khắc trong lao động sáng tạo nghệ thuật, khắt khe với tất cả đồng nghiệp trong hãng nhưng cũng không kém phần tinh tế.

Nghệ sỹ nhân dân, đạo diễn-họa sỹ ra đi nhưng gia tài ông để lại không chỉ là khối tài sản phim đồ sộ cho  nền hoạt hình Việt mà còn cái tâm, tầm của một người thầy, người đồng nghiệp đáng trân trọng và luôn được thương nhớ.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục