Thế giới cần chi thêm 100.000 tỷ USD cho mục tiêu phát triển bền vững

Theo Liên hợp quốc, thế giới có khả năng bỏ lỡ những mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trừ khi 10% sản lượng kinh tế toàn cầu được dành cho SDG mỗi năm từ nay tới năm 2030.
Thế giới cần chi thêm 100.000 tỷ USD cho mục tiêu phát triển bền vững ảnh 1Một phiên họp của Liên hợp quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một báo cáo mới đây của Liên hợp quốc chỉ ra rằng các mục tiêu toàn cầu về giải quyết nghèo đói, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu của tổ chức này đang thiếu hụt nguồn tài trợ khoảng 100.000 tỷ USD.

Thế giới có khả năng bỏ lỡ những mục tiêu đó, trừ khi 10% sản lượng kinh tế toàn cầu được dành cho Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc mỗi năm từ nay tới năm 2030.

Các SDG đặt ra các mục tiêu về mọi khía cạnh, từ môi trường đến sức khỏe và bình đẳng xã hội. Chúng đều nhận được sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Tuy nhiên, nguồn tài chính từ các chính phủ, nhà đầu tư, ngân hàng và các công ty để giúp đáp ứng các mục tiêu đó liên tục thiếu hụt.

Báo cáo của Liên hợp quốc kết hợp sáng kiến the Force for Good Initiative cho hay khi kết hợp những yếu tố trên với các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nguồn tài chính dành cho các SDG thiếu hụt lên tới 10.000 tỷ USD mỗi năm.

[Thế giới khó đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030]

Khi cộng thêm các chi phí cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp để hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu, báo cáo ước tính tổng tài trợ cần thiết từ nay đến năm 2050 sẽ vào khoảng 200.000-220.000 tỷ USD.

Trong khi đó, sau giai đoạn khởi đầu chậm chạp, ngành tài chính thế giới đã bắt đầu làm được nhiều việc hơn. Ngành đã cam kết chi 9.500 tỷ USD vào năm 2030, sau khi đã “rót” khoản tiền kỷ lục 2.100 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý có sự mất cân đối trong cách dòng tiền được phân bố.

Một số các công ty tài chính hàng đầu tham gia vào sáng kiến này bao gồm BlackRock, JPMorgan, Bridgewater Associates và Schroders.

Theo báo cáo, trong khi các mục tiêu liên quan đến biến đổi khí hậu chiếm 20% trong khoản kinh phí thiếu hụt, chủ đề này hiện đang thu hút 44% số vốn cam kết.

Ngược lại, các mục tiêu liên quan đến con người, kinh tế và xã hội chiếm hơn một nửa trong khoản thiếu tài trợ, nhưng chỉ chiếm 32% nguồn tài trợ được cam kết hiện tại.

Ông Ketan Patel, Chủ tịch Force for Good, cho biết ngành tài chính đang đóng vai trò ngày càng lớn trong việc tài trợ cho các SDG và quá trình chuyển đổi sang một tương lai kỹ thuật số bền vững.

Tuy nhiên, thế giới chỉ còn chưa đầy 10 năm nữa là đến thời hạn của các SDG. Điều này đòi hỏi các quốc gia, tổ chức phải nhanh chóng tìm kiếm những giải pháp lớn hơn và triệt để hơn những giải pháp đang được triển khai hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục