Rạn nứt Mỹ-Trung làm phức tạp hồ sơ biến đổi khí hậu

Sự chia rẽ giữa 2 quốc gia phát thải khí carbon lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc làm phức tạp thêm cơ hội đạt thỏa thuận mang tính đột phá về các mục tiêu giảm khí thải carbon tại Hội nghị COP26.
Rạn nứt Mỹ-Trung làm phức tạp hồ sơ biến đổi khí hậu ảnh 1Khói phát thải ra từ một nhà máy lọc dầu gần Port Arthur, bang Texas, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng AP, đặc phái viên phụ trách vấn đề khí hậu của Mỹ John Kerry đã đến Trung Quốc trong tuần qua để tìm cách thúc đẩy nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới này đóng góp nhiều hơn nữa cho những nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế tình trạng nóng lên của trái đất.

Tuy nhiên, cái ông nhận lại là những yêu cầu của Trung Quốc đề nghị Washington thay đổi lập trường đối với Bắc Kinh về một loạt vấn đề, từ nhân quyền cho đến Đài Loan.

Thực trạng "lời qua tiếng lại" này đã nêu bật sự chia rẽ giữa 2 quốc gia phát thải khí carbon lớn nhất thế giới, làm phức tạp thêm cơ hội đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá về các mục tiêu giảm khí thải carbon tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) - một hội nghị của Liên hợp quốc sẽ được tổ chức tại Glasgow (Scotland) - vào tháng 11 tới.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều cho rằng khí hậu là vấn đề 2 bên cùng quan tâm. Tuy nhiên, trong khi Mỹ nói rằng 2 nước nên hợp tác bất chấp những khác biệt, Trung Quốc lại cho rằng Mỹ không thể mong đợi sự hợp tác (từ Trung Quốc) khi mà Washington vẫn đồng thời công kích Bắc Kinh về những vấn đề khác.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với ông Kerry: "Phía Mỹ muốn việc hợp tác về vấn đề biến đổi khí hậu trở thành một 'ốc đảo' của mối quan Trung-Mỹ.

Tuy nhiên, nếu 'ốc đảo' đó bị bao quanh bởi sa mạc, sớm muộn gì nó cũng sẽ bị sa mạc hóa." Ông Vương Nghị nhắc lại rằng Trung Quốc và Mỹ từng có lịch sử đối thoại và hợp tác song phương hiệu quả về các vấn đề lớn của quốc tế và khu vực, trong đó có cả vấn đề biến đổi khí hậu, mang lại “lợi ích hữu hình” cho cả hai, và những thành tựu trong quá khứ đó là minh chứng cho những triển vọng đạt được giải pháp "cùng thắng" dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và những điểm chung, đồng thời gác lại những khác biệt.

[Hợp tác Trung Quốc-Mỹ ảnh hưởng tới việc chống biến đổi khí hậu]

Theo ông Vương Nghị, bóng đang ở phần sân của Mỹ vì mối quan hệ song phương xấu đi đột ngột trong những năm gần đây hoàn toàn là do "một tính toán chiến lược sai lầm lớn" của chính quyền ông Donald Trump khi coi Trung Quốc là một mối đe dọa và là một đối thủ, từ đó tìm cách kiềm chế và đàn áp Trung Quốc. Ông thúc giục chính quyền ông Biden thực hiện "các bước cụ thể để cải thiện mối quan hệ."

Ông Kerry đã phản hồi một cách tích cực khi nói rằng phía Mỹ sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để “tăng cường đối thoại, cùng nâng cao tham vọng, thể hiện vai trò lãnh đạo” và làm gương trong việc đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris, và điều này “cũng sẽ tạo cơ hội giải quyết những khó khăn mà mối quan hệ Mỹ-Trung đang gặp phải.”

Phát biểu trước các phóng viên trong một hội nghị trực tuyến vào cuối chuyến thăm Trung Quốc, ông Kerry cho biết sứ mệnh của ông chỉ "gói gọn" trong vấn đề khí hậu, nhưng ông sẽ truyền tải những quan ngại của Trung Quốc đến Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken.

Ông Kerry, từng là ngoại trưởng Mỹ, cũng đã thảo luận về vấn đề khí hậu với người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa tại thành phố Thiên Tân, cách Bắc Kinh khoảng 100km về phía đông nam.

Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ tập trung vào 3 cuộc họp trực tuyến của ông với Ngoại trưởng Vương Nghị và 2 quan chức cấp cao khác là cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Hàn Chính - người đứng đầu một ủy ban có nhiệm vụ lên kế hoạch để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí carbon của Trung Quốc.

Mục đích của truyền thông Trung Quốc là muốn nhấn mạnh sự phản đối của Trung Quốc đối với cách Mỹ tiếp cận mối quan hệ tổng thể Trung-Mỹ. Ông Kerry nói: "Phía Trung Quốc khá gay gắt khi nói về vấn đề này. Họ muốn Mỹ lắng nghe ý kiến của mình và dường như Trung Quốc rất quan tâm đến điều đó."

Theo Shi Yinhong, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc muốn nói rõ với chính quyền ông Biden rằng họ không thể có được sự hợp tác của Trung Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu nếu vẫn duy trì quan điểm chống Trung Quốc trong các vấn đề lớn.

Trung Quốc tự coi mình là nước đi đầu trong việc thúc đẩy năng lượng tái tạo và giảm lượng khí thải carbon sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định khí hậu Paris năm 2015.

Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất các tấm pin mặt trời và tuabin gió cho năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các chính sách về khí hậu của nước này ngày càng bị "soi" sau khi Tổng thống Mỹ Biden quyết định đưa Mỹ trở lại hiệp định Paris và đặt mục tiêu cắt giảm tới 52% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ vào năm 2030 - gấp đôi mục tiêu trước đó - đưa Mỹ vào nhóm các quốc gia có tham vọng hàng đầu về vấn đề khí hậu
Cả Mỹ và Trung Quốc đều xác định cuộc khủng hoảng khí hậu là một lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác, nhưng các cuộc họp trong tuần qua cho thấy rất ít dấu hiệu tiến triển.

Ông Kerry nói với Phó Thủ tướng Hàn Chính rằng "thế giới sẽ không thể giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu nếu không có sự tham gia cũng như những cam kết đầy đủ của Trung Quốc."

Trung Quốc là nước phát thải khí carbon lớn nhất thế giới, ước tính tới 27% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, sau đó đến Mỹ. Trung Quốc thu được khoảng 60% điện năng từ than và đang mở thêm các nhà máy nhiệt điện than, đồng thời cam kết giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Hãng thông tấn Tân Hoa xã (Trung Quốc) dẫn lời ông Hàn Chính nói với ông Kerry rằng Trung Quốc đã có "những nỗ lực rất lớn" trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đã đạt được những kết quả đáng kể. Trung Quốc "hy vọng phía Mỹ sẽ tạo ra những hoàn cảnh thích hợp để cùng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu dựa trên tinh thần của các cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo hai nước."

Trung Quốc đã đặt mục tiêu cung cấp 20% tổng nhu cầu năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2025, giảm tổng lượng khí thải bắt đầu từ năm 2030 và đưa mức khí thải về 0 vào năm 2060.

Ông Kerry đang thúc đẩy Trung Quốc và các quốc gia khác nỗ lực nhiều hơn để giữ cho nhiệt độ tăng không quá 1,5 độ C so với các mức thời kỳ tiền công nghiệp. Ông cho biết các quan chức Trung Quốc đã nêu quan ngại về các hành động của Mỹ mà họ cho là gây hại cho nỗ lực giảm phát thải tổng thể, đặc biệt là các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các tấm pin mặt trời mà chính quyền Biden cho rằng Trung Quốc sản xuất thông qua việc cưỡng bức lao động đối với các dân tộc thiểu số.

Ông Kerry nhấn mạnh: "Những vấn đề đó phụ thuộc vào Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Blinken, nhưng tôi chắc chắn sẽ truyền tải đến họ toàn bộ thông điệp mà tôi nhận được từ 3 nhà lãnh đạo này của Trung Quốc"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục