Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở phía Nam nỗ lực vượt khó

Với tinh thần nỗ lực, kịp thời thích ứng, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề ở phía Nam đã linh hoạt thực hiện các giải pháp tư vấn và tuyển sinh, nhập học trực tuyến cho sinh viên khóa mới.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở phía Nam nỗ lực vượt khó ảnh 1Giảng dạy cho học viên tại trường cao đẳng nghề công nghiệp. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 kéo dài ở các tỉnh, thành phố phía Nam đã làm ảnh hưởng đến hoạt động tuyển sinh, duy trì kế hoạch đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Với tinh thần nỗ lực, kịp thời thích ứng, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề đã linh hoạt thực hiện các giải pháp tư vấn và tuyển sinh, tổ chức nhập học trực tuyến cho sinh viên khóa mới và có hình thức hoạt động đào tạo phù hợp với bối cảnh hầu hết các địa phương đều thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.

Khắc phục khó khăn trong tuyển sinh và đào tạo

Theo thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), từ đầu năm đến nay, các hoạt động tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh của các trường nghề trong cả nước, trong đó có khu vực phía Nam chủ yếu được thực hiện theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hầu hết các trường đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các công cụ truyền thông và mạng xã hội vào tuyên truyền, tư vấn và làm công tác tuyển sinh như thiết lập các chuyên trang về tuyển sinh của trường trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Viber, Zalo hoặc trên các website của từng trường để thực hiện truyền thông, tư vấn tuyển sinh online.

[Hướng dẫn tuyển sinh, tổ chức đào tạo giáo dục nghề nghiệp]

Nhiều trường đã thiết lập công cụ live chat trên website của trường hoặc hệ thống hotline để hỗ trợ người học trong tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh. Các trường xây dựng các ấn phẩm truyền thông số (sách, cẩm nang, thông tin, tranh ảnh, tài liệu...) về tư vấn, hướng nghiệp; thông tin về nhà trường và hoạt động đào tạo nghề nghiệp của trường để đăng tải trên các chuyên trang tuyển sinh và các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Tiến sỹ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, trường được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ghi nhận là một trong những cơ sở đào tạo có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh. Hiện, trường đã tuyển sinh được 2.200 học sinh, sinh viên và đã tổ chức nhập học cho trên 1.000 học sinh, sinh viên.

Trường linh hoạt tổ chức nhiều đợt nhập học bằng hình thức trực tuyến cho các tân sinh viên; tổ chức các đợt tập huấn về “Kỹ năng học trực tuyến” giúp tân sinh viên chuẩn bị tốt cho việc học trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hòa nhập nhanh với môi trường học tập mới dù chưa trực tiếp đến trường.

Tương tự, theo Tiến sỹ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, Thành phố Hồ Chí Minh, trường thực hiện tư vấn tuyển sinh online, đưa các thông tin về ngành nghề đào tạo, dự báo việc làm, học phí của trường, chương trình đào tạo lên trang thông tin và trang Facebook của trường.

Để phụ huynh và thí sinh hiểu rõ hơn về các hình thức đăng ký xét tuyển, hướng dẫn làm thủ tục nhập học năm 2021, trường lập các nhóm Zalo hỗ trợ theo nhóm như nhóm cao đẳng chính quy, nhóm cao đẳng chất lượng cao, nhóm trung cấp, nhóm học sinh 9+ (đào tạo nghề song hành với học văn hóa dành cho học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở).

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở phía Nam nỗ lực vượt khó ảnh 2(Ảnh: TTXVN)

Tính đến tháng Tám vừa qua, trường đã tuyển sinh được trên 2.800 học sinh, sinh viên, được đánh giá là một trong những cơ sở đào tạo có kết quả tuyển sinh khả quan. Dự kiến, trường sẽ tổ chức nhận hồ sơ xét tuyển đến hết tháng Chín này.

Bên cạnh công tác tuyển sinh, việc duy trì hoạt động đào tạo để bảo đảm tiến độ, góp phần không đứt gãy nguồn cung nhân lực, nhất là lao động làm việc trực tiếp trong các doanh nghiệp trong giai đoạn bình thường mới, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã linh hoạt tổ chức phương án dạy và học phù hợp.

Theo lãnh đạo Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), để đảm bảo tiến độ, thời gian đào tạo cho sinh viên, đặc biệt là với những sinh viên thuộc chương trình đào tạo nghề chuẩn quốc tế, được chuyển giao từ Đức, tạo thuận lợi cho người học sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng sang nước bạn làm việc hoặc học lên trình độ cao hơn, trường đã tổ chức học tập theo phương án “3 tại chỗ” (học tập, ăn uống và nghỉ ngơi) ngay tại trường cho một số sinh viên.

Trong những ngày địa phương thực hiện giãn cách, các sinh viên này được ăn ở miễn phí tại trường để duy trì việc học lý thuyết và thực hành tại trường. Sinh viên được xét nghiệm COVID-19 hằng tuần, đồng thời được ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch COVID-19.

Cam kết giới thiệu việc làm

Bên cạnh khắc phục khó khăn, thực hiện kế hoạch tuyển sinh và đào tạo, giúp học sinh, sinh viên yên tâm học tập trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng điều kiện kinh tế của nhiều gia đình, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có các chính sách giảm học phí, đặc biệt là cam kết giới thiệu, đảm bảo việc làm sau khi tốt nghiệp cho người học.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở phía Nam nỗ lực vượt khó ảnh 3Một cơ sở may công nghiệp hướng dẫn học viên. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Tiến sỹ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho biết nhà trường duy trì kết nối, tạo môi trường thực tập và làm việc cho sinh viên các khóa của trường; đồng thời tổ chức thiết lập nhiều cam kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng, đảm bảo người học sau khi ra trường không rơi vào tình trạng "tốt nghiệp đồng nghĩa với thất nghiệp."

Trong những năm gần đây cũng như mùa tuyển sinh năm 2021, trường cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng và giới thiệu việc làm cho sinh viên với yêu cầu về phía người học là hoàn thành toàn bộ chương trình đào tạo để được công nhận tốt nghiệp, hoàn thành đúng hạn các chi phí đào tạo theo quy định.

Còn theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu Võ Văn Thuận, nhà trường đã tìm hiểu, nắm bắt thị trường lao động tại tỉnh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong những năm gần đây, các ngành nghề cắt gọt kim loại, chế tạo khuôn mẫu, điện tử, công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa… thường có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn nhân lực. Từ đó, trường tăng cường hợp tác và hiện đã được nhiều doanh nghiệp “đặt hàng” đào tạo nhân lực, cam kết sẽ tuyển dụng sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp. Ngay cả trong giai đoạn này, dù gặp khó khăn do tác động dịch COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gửi thông báo tuyển dụng đến trường.

Với Trường Cao đẳng quốc tế Lilama 2, theo Hiệu trưởng Nguyễn Khánh Cường, để sinh viên yên tâm học tập, trường chú trọng việc liên kết doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, địa phương có nhu cầu nhân lực lớn để có sự phối hợp ngay từ khâu tuyển sinh cho đến quá trình đào tạo và giới thiệu việc làm.

Đơn cử, mùa tuyển sinh năm 2021, nắm bắt nhu cầu thị trường lao động, xây dựng chương trình đào tạo sát  nhu cầu tuyển dụng, với chuyên ngành đào tạo mới như ngành Logistics trong vận tải hàng không, cùng với việc hỗ trợ học phí cho học sinh trong toàn khóa học, trường cũng cam kết 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ được giới thiệu việc làm trong nước hoặc đi xuất khẩu lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục