Làm rõ hơn về cơ sở pháp lý của đề án dừng sử dụng amiăng

Làm rõ hơn về cơ sở pháp lý của đề án dừng sử dụng amiăng

Amiăng trắng có độc hại không, độc đến mức nào, đề xuất dừng sử dụng vật liệu này dựa trên những cơ sở nào, đã được nghiên cứu thấu đáo chưa.... là những câu hỏi tiếp tục gây nhiều tranh cãi.
 Làm rõ hơn về cơ sở pháp lý của đề án dừng sử dụng amiăng ảnh 1Mái nhà sử dụng tấm lợp amiăng.

Liên quan đến vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều bên liên quan cũng như của dư luận thời gian qua là việc dừng hay không dừng sử dụng amiăng trắng trong các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, gần đây lại "nóng" lên câu chuyện về cơ sở pháp lý và thực tiễn của đề xuất cấm sử dụng nguyên liệu này.

Trong khi chưa có câu trả lời cuối cùng cho những tranh cãi bấy lâu giữa các cơ quan chức  năng, doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp, đại biểu Quốc hội.... thì đối tượng bị tác động trực tiếp sớm nhất từ câu chuyện này là các doanh nghiệp vật liệu xây dựng và hệ lụy là nhiều người lao động bị ảnh hưởng, thậm chí mất việc làm.

Bởi vậy, việc cần làm là tìm ra những cơ sở khoa học và thực tiễn xác đáng nhất để kết luận mức độ độc hại của amiăng trắng đến môi trường và sức khỏe con người, làm cơ sở cho việc quyết định dừng hay không dừng sử dụng nguyên liệu này trong các ngành công nghiệp liên quan; và nếu dừng thì tác động của nó tới các doanh nghiệp, các ngành kinh tế như thế nào, căn cứ pháp lý nào để triển khai việc dừng này phù hợp với pháp luật Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.....

Trong bối cảnh này, mới đây, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức hội nghị giải trình nhằm giải quyết các kiến nghị của các bên liên quan trong vấn đề này.

Thực tế, tấm lợp fibro ximăng được sử dụng tại Việt Nam đã gần 60 năm. Từ đó đến nay, ngành sản xuất tấm lợp fibro xi măng đã cung cấp vật liệu lợp với giá thành phải chăng cho hàng triệu hộ gia đình.

[Cần có đánh giá khoa học về sản xuất và sử dụng amiăng trắng]

Trong tháng 5,6/2018, Bộ Xây dựng đã hai lần gửi dự thảo đề án Lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp fibro ximăng từ năm 2023 đến các Bộ, ngành để xin ý kiến và vẫn đang còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, được đưa ra từ phía cơ quan quản lý, doanh nghiệp.

Không nên làm lại nghiên cứu về amiăng

Theo ông Võ Quang Diệm – Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, amiăng trắng hiện đang được pháp luật Việt Nam cho phép sử dụng có điều kiện tại Luật Hóa chất, Luật Đầu tư, Luật chuyển giao công nghệ, Luật Doanh nghiệp, Nghị định 24a/2016/NĐ-CP, Khoản 8 Điều 2 Nghị định số 98/2017/ NĐ – CP.

Trong bản dự thảo Đề án Lần 1, Bộ Xây dựng đề xuất giảm 25% lượng amiăng trắng nhập khẩu mỗi năm để chấm dứt sử dụng amiăng trắng vào năm 2023. Về vấn đề này, Bộ Công thương đã trả lời bằng văn bản rằng việc hạn chế nhập khẩu amiăng trắng 25% mỗi năm là không có cơ sở do amiăng trắng được quy định tại Luật Đầu tư là ngành kinh doanh có điều kiện.

Trong bản dự thảo Đề án lần 2 được gửi đi vào tháng 6/2018, Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp để giảm dần việc nhập khẩu và sử dụng amiang trắng bằng cách quy định các doanh nghiệp chỉ được sử dụng không quá 3% lượng sợi trong sản xuất tấm lợp. Tuy nhiên, đề xuất này lại một lần nữa bị phản biện bởi các chuyên gia vật liệu xây dựng vì chính sách trên đã không hiểu được bản chất của vấn đề do lượng sợi amiăng trắng cần phải chiếm từ 8-10% trong thành phẩn phối liệu để đảm bảo tính năng và độ kết dính của các thành phần phối trộn trong tấm lợp.

Trước đề án này, các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp fibro ximăng đã gửi “đơn cầu cứu” đến Quốc hội và nhiều cơ quan chức năng có liên quan.

Lắng nghe ý kiến cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức hội nghị giải trình vừa qua nhằm giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội và doanh nghiệp. Trong hội nghị giải trình, vấn đề pháp lý là một trong những thắc mắc được đặt ra bởi đa số các đại biểu có mặt.

Ông Mai Sỹ Diến - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá chất vấn Bộ Xây dựng và Bộ Y tế rằng Điều 08 Luật Đầu tư, căn cứ điều kiện kinh tế xã hội, thì Chính phủ rà soát các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sửa và bổ sung Điều 06, 07 của Luật Đầu Tư theo thủ tục rút gọn trong đó có amiăng trắng để trình lên Quốc hội, vậy cơ sở pháp lý nào để các Bộ Xây dựng, Bộ Y tế nói là có cơ sở pháp lý để trình Thủ tướng dừng amiăng trắng vào 2023?

Ông Lê Anh Tuấn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại cho rằng amiăng trắng thuộc ngành kinh doanh có điều kiện được quy định tại Luật Đầu tư, để thay đổi chính sách thì phải sửa luật và việc này thuộc thẩm quyền Quốc hội. Căn cứ vào quy định khi tiến hành thay đổi luật và sửa đổi chính sách thì chắc chắn cơ quan chủ trì và thực hiện cần có kết luận chính xác trên rất nhiều khía cạnh từ kinh tế, xã hội. Khi sửa đổi, luật hóa vấn đề này, cần chú ý rà soát để đảm bảo tính thống nhất với các hiệp ước quốc tế về song phương và đa phương có liên quan đến kinh doanh mà Việt Nam tham gia trong văn kiện WTO và hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Giải trình tại phiên chất vấn, Đại diện Bộ Xây dựng – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết cơ sở để đề xuất ban hành Đề án dừng sử dụng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp fibro ximăng vào năm 2023 dựa trên khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Thế giới (ILO). Các tổ chức trên đã đưa ra khuyến cáo về ảnh hưởng của amiăng trắng đến sức khoẻ con người và không có ngưỡng an toàn cho việc phơi nhiễm với amiăng trắng.

Đồng quan điểm với Bộ Xây dựng, đại diện Bộ Y tế - ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý Môi trường y tế– cho rằng không cần phải nghiên cứu thêm về amiăng trắng nữa do WHO khuyến cáo các nước không nên làm lại nghiên cứu về amiăng vì thời gian ủ bệnh rất dài từ 20, 30 thậm chí 40 năm, nghiên cứu như vậy tốn kém và không phù hợp với điều kiện Việt Nam; đồng thời Cơ quan đăng ký độc chất của Hoa Kỳ đã xếp amiăng trắng thứ 119 trong danh mục các chất độc hại.

Phản biện lại vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi nếu độc hại tại sao vẫn còn rất nhiều nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và toàn bộ các nước Đông Nam Á đang cho phép sử dụng amiăng trắng. Nếu cấm aming trắng theo khuyến cáo của WHO thì tại sao không cấm cả thuốc lá, rượu bia, thịt hun khói, điện thoại…

 Làm rõ hơn về cơ sở pháp lý của đề án dừng sử dụng amiăng ảnh 2Quang cảnh buổi hội nghị giải trình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiến sỹ Lê Thị Hằng, Giám đốc Bệnh viện Xây dựng cho hay: “qua theo dõi và đánh giá tình hình, chúng tôi thấy chưa phát hiện các trường hợp ung thư trung biểu mô phổi ở những công nhân có tuổi nghề trên 30 năm”. Trên thực tế, trong số các nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2003 đến nay, chưa có trường hợp bệnh ung thư trung biểu mô nào có liên quan đến amiăng trắng được ghi nhận. Trong khi đó, amiăng trắng đã được sử dụng tại Việt Nam là 55 năm từ năm 1963, nhiều hơn so “thời gian ủ bệnh” mà WHO nhắc đến.

Ông Lê Văn Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đông Anh phát biểu: “Không nên nói là không có ngưỡng an toàn, vì nếu không có ngưỡng an toàn thì anh em chúng tôi đã chết từ lâu vì chúng tôi tiếp xúc hàng ngày với amiăng trắng suốt 30 năm qua.”


40 doanh nghiệp rơi vào nguy cơ đóng cửa

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, số lượng nhập khẩu năm 2015 là 58 ngàn tấn, 2016 là 52 ngàn tấn, và 2017 chỉ còn 37 ngàn tấn. Dù tổng công suất thiết kế của ngành là 94 triệu m2/năm, tình hình sản xuất 2017 chỉ đạt 55,8 triệu m2, 2016 còn 71% của 2015, 2017 bằng 64,7% so với 2016.

Những con số này đã phần nào nói lên những khó khăn bủa vây ngành tấm lợp fibro ximăng khi mà những bất ổn về chính sách cùng lệnh cấm treo lơ lửng trên đầu từ gần hai chục năm qua khiến các doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, một số phải đóng cửa, số còn lại sản xuất cầm chừng với những giai đoạn tạm dừng từ 1 đến 6 tháng.

Nếu đề án của Bộ Xây dựng được thông qua, điều đó sẽ đẩy 40 doanh nghiệp rơi vào nguy cơ đóng cửa, kéo theo đó là hàng ngàn công nhân trong ngành tấm lợp và những ngành phụ trợ liên quan (ngành công nghiệp tấm lợp sử dụng tới hàng triệu tấn xi măng, tương đương với công xuất của một nhà máy) mất đi công ăn việc làm ổn đinh, nguồn sinh kế cho cả gia đình.

Theo nghiên cứu của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương vào năm 2015, tổng chi phí toàn ngành sản xuất tấm lợp fibro xi măng sẽ là 352,9 tỷ đồng cho việc hoán cải công nghệ. Tuy nhiên, tổng thiệt hại cho người tiêu dùng lên đến 183,5 nghìn tỷ đồng bao gồm chi phí tháo dỡ tấm lợp fibro xi măng, lắp đặt và mua sản phẩm thay thế.

Trước những thiệt hại kinh tế, ông Nguyễn Minh Đức – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Uỷ ban cần chuyển vấn đề sang cơ quan chức năng để xác định mục đích liệu có hay không về vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng bài toàn sức khoẻ, quốc phòng an ninh, đối ngoại để tạo dư luận xã hội, tạo sức ép.

Ông Phan Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị các Bộ cần nghiên cứu để đưa ra kết luận có hay không sự nguy hại của amiăng trắng, cũng như lý do các nước phát triển hơn Việt Nam vẫn sử dựng amiăng trắng để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền có nên dừng sử dụng hay không, hoặc dừng có lộ trình hay tìm nguồn vật liệu khác tốt hơn, hiệu quả hơn, rẻ hơn và người dân tự lựa chọn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục