Các địa phương chủ động ứng phó tình huống xấu do bão số 5

Tỉnh Hòa Bình và tỉnh Quảng Bình yêu cầu chính quyền địa phương các cấp, cơ quan, đơn vị tổ chức theo dõi diễn biến bão, tình hình mưa lũ để chủ động ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các địa phương chủ động ứng phó tình huống xấu do bão số 5 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 9/9, để chủ động phòng chống bão số 5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành công văn 12/CĐ-UBND chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh chủ động ứng phó với bão và mưa lũ.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Hòa Bình nhận định trên địa bàn khu vực tỉnh Hòa Bình (các huyện Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi, Cao Phong, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lương Sơn và thành phố Hòa Bình) có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa 50-100mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt, các nơi khác có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa mưa to; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 5 và mưa lớn, các đơn vị chú trọng các phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho người dân trong trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa, lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, an toàn thiên tai cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly trên địa bàn tỉnh; rà soát, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là công trình xung yếu, đang thi công sửa chữa; bảo vệ sản xuất nông nghiệp và sẵn sàng vận hành hệ thống tiêu thoát lũ; kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu.

Các đơn vị, địa phương phối hợp bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.

[Bão số 5: Kêu gọi phương tiện, tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn]

Đồng thời đảm bảo an toàn và sẵn sàng khôi phục kịp thời hệ thống điện khi có sự cố; chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để triển khai thực hiện công tác ứng phó thiên tai, tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, phù hợp khi có yêu cầu; triển khai các biện pháp ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Các địa phương chủ động ứng phó tình huống xấu do bão số 5 ảnh 2Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Tại Quảng Bình, do ảnh hưởng của bão số 5, trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Trước tình hình đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có công điện yêu cầu các địa phương, sở, ngành, lực lượng vũ trang cùng với nhân dân trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 5, nhưng vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu chính quyền địa phương các cấp, cơ quan, đơn vị tổ chức theo dõi diễn biến bão, tình hình mưa lũ chặt chẽ, kịp thời lên phương án để chủ động ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra; khẩn trương rà soát các phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường; chủ động triển khai các biện pháp ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình phối hợp với các địa phương ven biển nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt; hướng dẫn tàu thuyền đã vào bờ hoặc đang neo đậu ở những khu vực an toàn tổ chức neo đậu chắc chắn.

Theo Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, đơn vị tăng cường tuần tra kiểm soát không để người dân tự ý di chuyển tàu thuyền ra khơi; đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, toàn tỉnh có 6.637 phương tiện trong tổng số 22.808 lao động nhưng trong mùa dịch, phần lớn tàu thuyền ngư dân nằm bờ do nhiều xã ven biển đang giãn cách nghiêm ngặt theo quy định.

Chỉ có một số ít tàu thuyền ở “vùng xanh” ra vùng lộng đánh bắt hải sản nhận được thông tin về cơn bão đã trở về bờ an toàn. Hiện, tỉnh Quảng Bình không có tàu thuyền nằm trong khu vực nguy hiểm.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tiếp tục rà soát các địa điểm, khu vực sơ tán dân ở khu vực thấp, trũng, ven biển, cửa sông, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất. Khẩn trương tiêu độc khử trùng các khu vực, địa điểm sơ tán đảm bảo an toàn cho nhân dân khi bão, lũ xảy ra đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Tỉnh chỉ đạo từng xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố thiết lập, công khai số điện thoại để tiếp nhận thông tin, kịp thời triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất; nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan và nhân dân khẩn trương tổ chức chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế…; cắt tỉa cây, chống cây tránh ngã đổ và khơi thông cống rãnh chống thiệt hại do mưa lũ.

Tại Khu neo đậu tàu thuyền cảng Gianh có gần 350 tàu cá của xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch và các địa phương khác neo tránh, trú bão. Trước đây, các chủ tàu thường cử người trông coi tàu, thuyền nhưng từ khi xã Đức Trạch bùng phát dịch và thực hiện Chỉ thị 16, việc bảo vệ tài sản của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Trong tình thế cấp bách do trời mưa to và gió mạnh, một số tàu bị nước vào có nguy cơ chìm.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bố Trạch, cho biết huyện phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Bình đã test nhanh một số ngư dân có kết quả âm tính và cấp giấy chứng nhận xét nghiệm RT-PCR cho các ngư dân để lập tổ bảo vệ tàu thuyền, hỗ trợ 1 tấn gạo để người dân yên tâm làm nhiệm vụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục