Khai mạc Hội nghị Liên chính phủ Cơ quan điều phối các biển Đông Á

Tại phiên khai mạc của hội nghị IGM 25, đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam kêu gọi huy động sự tham gia của các quốc gia trong việc giải quyết ô nhiễm nhựa và rác thải trên biển.
Toàn cảnh các đại biểu tham dự Hội nghị IGM 25 tại đầu cầu Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. (Nguồn ảnh: TCB&HĐ)
Toàn cảnh các đại biểu tham dự Hội nghị IGM 25 tại đầu cầu Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. (Nguồn ảnh: TCB&HĐ)

Chiều 8/9, phần thứ nhất Hội nghị Liên chính phủ Cơ quan điều phối các biển Đông Á (COBSEA) lần thứ 25 (IGM 25) đã chính thức khai mạc. Đây là sự kiện được tổ chức luân phiên 2 năm một lần để các quốc gia thành viên trao đổi nhằm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường biển và các vùng ven biển của khu vực.

Trước đó, từ ngày 2-5/11/2009, Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị liên Chính phủ COBSEA lần thứ 20 tại thành phố Hạ Long. Hội nghị có sự tham dự của đại diện 7 nước thành viên của COBSEA.

Năm 2021, Việt Nam là quốc gia luân phiên chủ trì tổ chức hội nghị IGM 25. Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến còn phức tạp, hội nghị được chia thành hai phần; trong đó phần thứ nhất của hội nghị sẽ diễn ra trong các ngày 8-9/9 theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.

Phần thứ hai của hội nghị sẽ được tổ chức trực tiếp tại Việt Nam vào đầu năm 2022 (sau khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát).

Trong phần thứ nhất, hội nghị tập trung thảo luận về báo cáo của Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về triển khai các hoạt động của hội nghị COBSEA 2019-2020; kế hoạch hành động khu vực của COBSEA về rác thải trên biển; cập nhật về các dự án và hoạt động trong bối cảnh của kế hoạch hành động các Biển Đông Á; kế hoạch làm việc và ngân sách cho giai đoạn 2021-2022.

Phát biểu tại phiên khai mạc của hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Quế Lâm kêu gọi các thành viên tham dự hội nghị tập trung vào thảo luận các chiến lược để huy động sự tham gia của các quốc gia trong việc giải quyết ô nhiễm nhựa và rác thải trên biển; mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhựa bền vững; các bước tiếp theo mang tính quyết định, bao gồm cả việt thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chặt chẽ thông qua COBSEA để thực hiện tốt kế hoạch hành động khu vực đối với vấn đề rác thải đại dương.

[Luật Cảnh sát biển Việt Nam: Chìa khóa để giữ gìn biển đảo Tổ quốc]

“Tôi hy vọng hội nghị sẽ đạt được những kết quả thiết thực, góp phần tạo động lực, thúc đẩy sự thống nhất trong khu vực hướng đến phát triển bền vững và bảo vệ các hệ sinh thái biển và ven biển, chấm dứt ô nhiễm nhựa vì một tương lai biển sạch,” ông Lâm nhấn mạnh và cảm ơn sự phối hợp hiệu quả của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các nước thành viên trong những năm gần đây thông qua Cơ quan điều phối về biển Đông Á.

Khai mạc Hội nghị Liên chính phủ Cơ quan điều phối các biển Đông Á ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cơ quan điều phối các biển Đông Á (COBSEA) được thành lập với tên gọi Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) về khu vực biển Đông Á vào năm 1981 nhằm tăng cường hợp tác khu vực để quản lý các nguồn tài nguyên biển và ven biển trong khu vực biển Đông Á. Đến nay, COBSEA có 9 nước thành viên gồm: Campuchia, Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Việt Nam tham gia làm thành viên COBSEA và đạt được những kết quả tích cực từ việc tham gia các dự án do COBSEA điều phối như: Dự án “đảo ngược xu thế suy thoái môi trường toàn cầu tại vùng biển Đông và Vịnh Thái Lan”; dự án khu vực về “quản lý xói lở bờ biển trong bối cảnh nước biển dâng”; dự án nghiên cứu “quy hoạch không gian biển và vùng bờ biển”…

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trong bối cảnh và tình hình hiện nay, việc tổ chức và tham dự Hội nghị IGM25 là một hoạt động có ý nghĩa, thể hiện sự tích cực, trách nhiệm của Việt Nam trong việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển và các vùng ven biển của khu vực; qua đó góp phần giảm thiểu rác thải nhựa đại dương cũng như thúc đẩy các cam kết và triển khai hiệu quả kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Với tư cách là chủ nhà IGM25, dự kiến phần thứ hai của hội nghị sẽ được Việt Nam tổ chức trực tiếp vào năm 2022 (sau khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát) nhằm tiếp tục thảo luận dựa trên những kết quả tích cực trong việc áp dụng các định hướng chiến lược được thảo luận tại phần thứ nhất năm 2021 này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục