Các công ty khởi nghiệp Đức thử sức chế tạo tên lửa đẩy cỡ nhỏ

Công ty sản xuất tên lửa Augsburg (RFA) của Đức đã thực hiện thành công cuộc thử nghiệm đầu tiên với tên lửa RFA One do hãng sản xuất và tên lửa này khởi động động cơ trong vòng 8 giây.
Các công ty khởi nghiệp Đức thử sức chế tạo tên lửa đẩy cỡ nhỏ ảnh 1Tên lửa RFA One của Augsburg. (Nguồn: AFP)

Các công ty của Đức đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc đua trong lĩnh vực nghiên cứu không gian vũ trụ trong bối cảnh nước này có kế hoạch chế tạo các tên lửa đẩy cỡ nhỏ để đưa vệ tinh lên quỹ đạo.

Động thái này cho thấy Đức đang muốn “tự lực cánh sinh” và cạnh tranh với các hãng hàng không vũ trụ của Mỹ. Nước này đang phát triển ba dự án không gian quan trọng.

Vào cuối tháng Bảy, công ty sản xuất tên lửa Augsburg (RFA) của Đức đã thực hiện thành công cuộc thử nghiệm đầu tiên với tên lửa RFA One do hãng sản xuất. Cuộc thử nghiệm diễn ra tại cơ sở sản xuất của RFA tại Kiruna, Thụy Điển. Tên lửa này khởi động động cơ trong vòng 8 giây.

Theo Giám đốc điều hành RFA Joern Spurmann, tên lửa RFA One còn cho phép chở thêm 30% lượng hàng hóa hoặc thiết bị lên quỹ đạo.

HyImpulse, một công ty khác của Đức có trụ sở tại bang Baden-Wuerttembergm, cũng gây sự chú ý khi thử nghiệm tên lửa đẩy được trang bị động cơ khởi động trong 20 giây vào tháng Năm vừa qua. Đáng chú ý tên lửa này sử dụng nhiên liệu dựa trên sáp nến để tối đa hóa tính hiệu quả.

Nhà đồng sáng lập hãng Hylmpulse Christian Schmierer khẳng định công nghệ mà hãng ứng dụng là tối tân, đủ để cung ứng cho thị trường tên lửa đẩy cỡ nhỏ. Trong khi đó, dự án của Isar Aerospace chưa thực hiện cuộc thử nghiệm tên lửa đẩy nào.

Isar Aerospace dự báo giá trị thị trường tên lửa đẩy mini sẽ tăng trưởng lên hơn 30 tỷ euro (35 tỷ USD) trong năm 2027, trong đó vệ tinh cỡ vừa và nhỏ sẽ chiếm hơn 33% trong số này.

[Hàn Quốc lên kế hoạch phát triển phương tiện phóng tên lửa]

Ông Christian Schmierer thuộc hãng HyImpulse nhận định tên lửa đẩy cỡ lớn giống như chiếc xe buýt đường dài, thường đưa các hành khách đến cùng một điểm đến nhất định. Trong khi đó, tên lửa đẩy cỡ nhỏ lại hoạt động giống như xe taxi, đưa các vệ tinh đến đúng vị trí mà khách hàng mong muốn.

Nhờ sự đầu tư của các nhà đầu tư lớn như hãng sản xuất xe Porsche, công ty đầu tư mạo hiểm HV Capital của Đức và tập đoàn ngân hàng Lombard Odier của Thụy Sĩ, Isar Aerospace có được khoản ngân sách lên hơn 150 triệu euro (180 triệu USD). Công ty này dự kiến sẽ lần đầu tiên phóng thử nghiệm tên lửa đẩy Spectrum vào năm 2022.

Theo kế hoạch, ba công ty của Đức trên đang lên kế hoạch phát triển một phi đội gồm từ 20 đến 40 tên lửa đẩy có thể tái sử dụng được một phần nhằm phục vụ các vụ phóng vào không gian mỗi năm.

Nhà sáng lập Daniel Metzler của Isar Aerospace cho biết những vệ tinh có kích thước nhỏ nhất 10x10cm với trọng lượng khoảng 1kg có thể quay quanh quỹ đạo với vận tốc 28.000 km/h. Do vậy, việc giảm kích cỡ tên lửa đẩy và tối đa hóa hiệu quả sẽ giúp các công ty tiết kiệm chi phí.

Dự kiến, trong thời gian tới, RFA có thể vận chuyển 1,3 tấn hàng hóa và vật liệu với chi phí vào khoảng 5 triệu euro, thấp hơn so với giá 3.850 euro cho 1kg hàng hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục