Trục vớt mảnh vỡ lớn của máy bay Lion Air cần thiết bị đặc biệt

Cơ quan chức năng Indonesia cho biết phát hiện những mảnh vật liệu lớn được cho là một phần của thân máy bay và hai lốp máy bay nhưng chưa trục vớt được vì chúng khá lớn.
Trục vớt mảnh vỡ lớn của máy bay Lion Air cần thiết bị đặc biệt ảnh 1Cơ quan chức năng đang lên kế hoạch trục vớt máy bay gặp nạn. (Nguồn: ABC10)

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, cùng với việc tìm thấy hộp đen, thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) của chiếc máy bay Lion Air JT 610 bị rơi, ngày 1/11, lực lượng tìm kiếm còn tìm thấy bánh xe máy bay cùng các mảnh vỡ khác và thêm những phần thi thể không nguyên vẹn của các nạn nhân.

Người đứng đầu cơ quan Tìm kiếm cứu nạn Quốc gia Indonesia, Marshal Syaugi cho biết ở cùng vị trí tìm thấy hộp đen, nhóm tìm kiếm cũng phát hiện những mảnh vật liệu lớn được cho là một phần của thân máy bay và hai lốp máy bay.

Tuy nhiên, những mảnh vỡ này chưa trục vớt được vì chúng khá lớn nên đòi hỏi những thiết bị đặc biệt.

Ông Marshal Syaugi cho biết thêm đến tối 1/11, đã có 65 bộ phận thi thể được bàn giao cho Bệnh viện Cảnh sát Quốc gia.

Hiện Nhóm tìm kiếm xác định danh tính nạn nhân trong thảm họa (DVI) đang nỗ lực cao nhất tuy nhiên công việc này gặp nhiều khó khăn do thiếu các dữ liệu và các thi thể đều không còn nguyên vẹn.

[Rơi máy bay ở Indonesia: Tìm thấy thêm nhiều phần thi thể nạn nhân]

Thợ lặn của Thủy quân lục chiến, Sertu Hendra Syahputra, cho biết hộp đen được tìm thấy lúc 10 giờ 05 ngày 1/11 ở vị trí cách 500 mét từ tọa độ liên lạc cuối cùng của chiếc máy bay Lion Air JT 610.

Hộp đen được tìm thấy nguyên vẹn ở độ sâu 30 mét dưới đáy biển và đã được bàn giao cho Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia (NTSC) để phân tích các dữ liệu.

Dựa trên các dữ liệu thông số kỹ thuật của máy bay được lưu tại hộp đen, như độ cao, tốc độ, tốc độ động cơ, radar, bao gồm cả máy lái tự động, các chuyên gia của NTSC sẽ phân tích để tìm ra nguyên nhân của vụ tai nạn.

Sáng 29/10, máy bay Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu JT 610, chở 189 người trên chuyến bay nội địa từ thủ đô Jakarta đếng Pangkal Pinang đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu chỉ 13 phút sau khi cất cánh.

Các dữ liệu cho thấy máy bay đã lao xuống biển từ độ cao hơn 1.000m, với vận tốc 640km/h./.

Tin cùng chuyên mục