Giải pháp nào gỡ khó cho người trồng hoa Đà Lạt?

Thị trường hoa dường như bị “đóng băng” bởi tác động của dịch COVID-19 đã khiến ngành hoa và người trồng hoa ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đứng trước thử thách khó khăn chưa từng xảy ra.

Chú thích ảnh
Một nhà vườn tại phường 9 (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) dỡ bỏ hoa cúc vì không tìm được mối tiêu thụ.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này, nhất là thời điểm TP Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ cuối tháng 5/2021 tác động mạnh đến thị trường tiêu thụ hoa Đà Lạt. Lần lượt các chợ đầu mối bị đóng cửa khiến nguồn tiêu thụ hoa Đà Lạt bị ngưng trệ. Giá nhiều loại hoa tại Đà Lạt lần lượt lao dốc và nặng nhất là các loại hoa cắt cành như: cúc, cát tường, cẩm chướng, lyly với giá bán giảm từ 70 – 80% so với trước.

Anh Trần Văn Luyện, người trồng hoa cúc ở làng hoa Hà Đông, phường 7, thành phố Đà Lạt cho biết, đợt cữ (rằm tháng 6 âm lịch) vừa rồi anh thất thu hoàn toàn. Vườn hoa cúc hơn 1.000 m2 đến kỳ thu hoạch nhưng chỉ bán được vài thùng với giá 10.000 đồng/bó 10 cành. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, giá bán phải từ 25.000 – 30.000 đồng/bó. Cũng vườn hoa này, năm ngoái anh Luyện thu về hơn 100 triệu đồng nhưng năm nay thì không bằng "số lẻ". Anh Luyện chỉ hy vọng thu hồi được tiền giống và phân bón, còn gần 4 tháng qua là làm không công. 

Cùng cảnh ngộ, vườn hoa cát tường gần 2.000 m2 của ông Bùi Đức Long, xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt đang nở rộ rất đẹp. Thay vì cắt hoa bán cho thương lái như những vụ trước, ông phải “cắn răng” cắt bỏ cả tấn cành hoa tươi. Hơn 10 ngày nay, ông Long không tìm được người mua hàng nên phải cắt sát gốc đổ bỏ cho cây lên đợt hoa mới. Trong khi dịp này năm ngoái, hoa cát tường được giá, ông Long thu về mấy trăm triệu đồng. Còn bây giờ ông chỉ hy vọng lấy lại được chút ít tiền đầu tư phân bón.

Theo ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Thọ (thành phố Đà Lạt), xã hiện có hơn 400 ha hoa các loại; trong đó, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hiện nay, những địa phương này đang thực hiện giãn cách xã hội, các chợ lớn đóng cửa khiến hoa của nông dân không tiêu thụ được. Một số hộ dân tìm cách tiêu thụ qua các kênh nhỏ lẻ nhưng cũng chỉ được từ 10 – 15% sản lượng hoa của xã. Số còn lại thì hầu như để nở ngoài vườn hoặc cắt bỏ đi.

Những năm qua, ngành hoa Đà Lạt - Lâm Đồng liên tục tăng trưởng mạnh . Đến hết năm 2020, toàn tỉnh hiện có gần 10.000 ha hoa các loại với sản lượng bình quân 3,6 tỷ cành/năm, xuất khẩu ra nước ngoài 370 triệu cành; trong đó, thành phố Đà Lạt là địa phương sản xuất hoa chủ lực, chiếm 66% diện tích và 71% sản lượng toàn tỉnh.

Tuy nhiên, hiện thị trường hoa đang gặp khó khăn và đang cần có sự giúp đỡ của cơ quan chức năng, đặc biệt là với người trồng hoa cung ứng cho thị trường trong nước. Theo ông Hoàng Thái Nguyên, Phó chủ tịch UBND phường 7, thành phố Đà Lạt, trên địa bàn phường có khoảng 570 ha hoa; trong đó có 400 ha hoa cúc chịu ảnh hưởng nặng nhất do tác động của dịch COVID-19.

Hiện nay địa phương đang thống kê thiệt hại để đề xuất tỉnh có phương án hỗ trợ cho bà con. Tuy nhiên, trong gói hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 không có nhóm đối tượng dành cho người trồng hoa cũng là một thiệt thòi đối với người nông dân.

Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt cho rằng, thiệt hại của người dân trong đợt dịch lần này rất lớn nên Hiệp hội đề xuất hỗ trợ người trồng hoa trong giai đoạn này như: có chính sách để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, gia hạn, giãn nợ, tái cấp vốn hỗ trợ cho người nông dân tiếp tục tái sản xuất.

Trước khó khăn của người trồng hoa, UBND thành phố Đà Lạt vận động người trồng hoa ngắn ngày chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang một số loại rau ngắn ngày để đảm bảo nguồn cung ứng nội tỉnh và cho các tỉnh, thành phố trong vùng dịch trên cả nước. Đây cũng là biện pháp tình thế, giúp giảm thiệt hại cho người trồng hoa trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng.

Tin, ảnh: Nguyễn Dũng (TTXVN)
Hoa Đà Lạt không xuất khẩu được sang Australia do vướng quy định
Hoa Đà Lạt không xuất khẩu được sang Australia do vướng quy định

Do quy định “đối đầu” giữa các bên, hàng trăm nghìn cành hoa Đà Lạt vừa bị tiêu hủy thay vì được xuất khẩu sang thị trường Australia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN