Vai trò của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đối với phương Tây

​Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án tiếp nối dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream), cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga trực tiếp đến Đức qua hệ thống đường ống trên biển Baltic.
Vai trò của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đối với phương Tây ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn khí của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đông Bắc Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng Deutschlandfunk mới đây đăng bài phân tích có tựa đề "Đức phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên từ Nga như thế nào?".

Nội dung chính của bài viết như sau:

Đức và Mỹ đã giải quyết được tranh chấp về dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) trên biển Baltic, đưa khí đốt tự nhiên trực tiếp từ Nga sang quốc gia Trung Âu. Tuy nhiên, trong phạm vi Liên minh châu Âu (EU), dự án này vẫn còn nhiều tranh cãi.

Vậy lợi ích chính trị của dự án này là gì và dự án này có tầm quan trọng như thế nào đối với Đức?

Với đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 2, Đức đang đảm bảo một tuyến đường tiếp cận trực tiếp đến nguồn dự trữ khí đốt của Nga, từ đó tránh được các vấn đề có thể xảy ra cho cả Đức và Nga trong quá trình trung chuyển khí đốt qua các quốc gia khác.

Tuy nhiên, từ khi thỏa thuận về dự án này được ký kết, đã có những cuộc tranh cãi nảy lửa về các lợi ích sinh thái, chính trị và kinh tế liên quan đến dự án. Dù vậy, mâu thuẫn kéo dài giữa Mỹ và Đức liên quan đến dự án này đã tạm thời khép lại trong những ngày qua sau khi hai nước đạt được một thỏa thuận về dự án.

Đức phụ thuộc như thế nào vào khí đốt tự nhiên của Nga?

 Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án tiếp nối dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream), cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga trực tiếp đến Đức qua hệ thống đường ống trên biển Baltic.

Dự án này cung cấp 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm cho Đức và châu Âu mà không cần trung chuyển qua các quốc gia Đông Âu. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2019, nhưng do nhiều tranh cãi và các biện pháp trừng phạt từ Mỹ, việc triển khai dự án bị chậm tiến độ. Đến nay, dự án đã sắp hoàn thành.

Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga là chủ sở hữu của Dòng chảy phương Bắc 2, chịu trách nhiệm đảm bảo hơn 50% tổng chi phí lên đến 9,5 tỷ euro. Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder là Chủ tịch Hội đồng quản trị của dự án. Ngoài ra, dòng chảy phương Bắc 2 cũng được tài trợ bởi các tập đoàn năng lượng lớn, ngoài tập đoàn OMV (Áo), Royal Dutch Shell (Anh) và French Engie (Pháp), các công ty Đức như Wintershall Dea và Uniper cũng đã đầu tư vào dự án.

Việc xây dựng đường ống thứ hai qua Biển Baltic trong hệ thống Dòng chảy phương Bắc trước hết là để phục vụ vấn đề chính trị, với lo ngại tuyến vận tải khác qua các quốc gia trung chuyển có thể bị chặn bất cứ lúc nào. Chuyên gia năng lượng Claudia Kemfert từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) không coi dự án Nord Stream 2 có ý nghĩa về mặt kinh tế. Chuyên gia này cho biết, cơ sở hạ tầng và các hệ thống hiện tại hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu khí đốt tự nhiên đang ngày càng giảm dần của Đức.

Sản lượng khí đốt khai thác tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang giảm mạnh. Do các mục tiêu khí hậu của EU, các loại nhiên liệu hóa thạch như khí đốt tự nhiên đang dần được thay thế. Đức hầu như không có trữ lượng khí đốt tự nhiên và chỉ có thể tự cung cấp 5% nhu cầu của mình, nhưng nhu cầu này có xu hướng ngày càng giảm.

Trong quá trình chuyển đổi năng lượng, Đức sẽ tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên từ Nga trong một thời gian nữa.

[Đức, Mỹ đạt được đồng thuận về dự án Dòng chảy phương Bắc 2]

Năm 2019, hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên mà Đức nhập khẩu (tương đương 51%) đến từ Nga. Các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chính khác cho Đức là Na Uy (27%) và Hà Lan (21%). Trong EU, Đức là nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất của Nga, với quy mô 55,6 tỷ mét khối vào năm 2019.

Việc xây dựng dự án này gây tranh cãi trên khắp thế giới. Từ một dự án kinh tế đã tạo ra cuộc xung đột về chính trị giữa Mỹ và Nga cũng như giữa một số nước EU và Đức.

Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn coi Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án kinh tế thuần túy, tách rời lợi ích địa chính trị. Quan điểm này từ lâu đã vấp phải nhiều sự phản đối của một số đối tác trong EU. Ba Lan và các nước vùng Baltic lo ngại rằng EU sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Nga. Ukraine lo ngại mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt sang châu Âu, ước tính lên đến khoảng 2 tỷ euro mỗi năm. Trong khi đó, Đan Mạch bày tỏ quan ngại đến vấn đề khí hậu và môi trường.

Sức ảnh hưởng của dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Mỹ có ảnh hưởng lớn tới Dòng chảy phương Bắc 2 và đã ban hành các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến dự án này, làm cho việc xây dựng bị đóng băng gần một năm. Các công ty liên quan đến dự án này cũng bị đe dọa trừng phạt.

Tuy nhiên, ngày 21/7, Mỹ và Đức thông báo đã đạt được thỏa thuận giải quyết xung đột kéo dài về dự án này.

Trong tuyên bố chung, Đức và Mỹ nhấn mạnh sự ủng hộ đối với an ninh năng lượng của Ukraine và các nước Trung, Đông Âu. Chính phủ Đức cam kết thực hiện các biện pháp mạnh mẽ trong trường hợp Nga sử dụng năng lượng như một loại vũ khí chính trị.

Cũng theo sự nhất trí giữa Đức và Mỹ, hai nước sẽ hỗ trợ gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine (theo kế hoạch hết hiệu lực vào năm 2024), kéo dài thêm 10 năm nữa. Ukraine sẽ nhận được khoảng 3 tỷ USD mỗi năm từ việc vận chuyển khí đốt sang Đức.

Một điểm chính khác của thỏa thuận Mỹ-Đức là mở rộng quan hệ đối tác năng lượng với Ukraine, với mục tiêu giúp Ukraine không còn phụ thuộc vào khí đốt và điện của Nga trong dài hạn.

Thỏa thuận này không thay đổi quan điểm của Chính phủ Mỹ rằng đường ống dẫn khí trên biển Baltic là hoàn toàn sai lầm. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã luôn phản đối Dòng chảy phương Bắc 2.

Sau khi đạt thỏa thuận với Đức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng dự án này có hại cho an ninh năng lượng của châu Âu và Ukraine. Tuy nhiên, việc phá hỏng mối quan hệ với một đồng minh quan trọng như Đức chỉ vì một đường ống dẫn khí mà trong bất kỳ điều kiện nào cũng sẽ vẫn được hoàn thành, là hoàn toàn không có lợi cho Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Đức Norbert Röttgen đã hoan nghênh những nỗ lực của Tổng thống Joe Biden trong việc cải thiện mối quan hệ Đức-Mỹ. Tuy nhiên, ông Norbert Röttgen cũng tiếp tục coi dự án này là sai lầm và cho rằng đây là vũ khí chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đường ống sẽ hoàn thành và Ukraine sẽ hoàn toàn "nằm trong tay" Nga. Do đó, thỏa thuận Mỹ-Đức đã nêu rõ cần hỗ trợ hiệu quả cho Ukraine.

Trong khi đó, đối với Nga, thu nhập từ xuất khẩu nguyên liệu thô chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách của nước này. Tuy nhiên, từ quan điểm kinh tế của Moskva, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ít quan trọng hơn nhiều so với việc xuất khẩu dầu thô, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của nước này.

Mặc dù vậy, nếu không có Dòng chảy phương Bắc 2, động lực quan trọng cho sự phát triển của các mỏ khí mới ở Nga sẽ không còn khi các tuyến đường vận chuyển thay thế sẽ đắt hơn đáng kể, làm tăng chi phí và tất nhiên lợi nhuận sẽ giảm mạnh.

Việc chấm dứt dự án này không có nghĩa là Nga sẽ xuất khẩu khí đốt ít hơn, chỉ là việc vận chuyển trên đất liền sẽ xa hơn và phải thông qua các quốc gia trung chuyển như Ukraine hoặc Ba Lan - những quốc gia ít chịu ảnh hưởng từ Moskva. Theo quan điểm của Nga, đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 trước hết là một dự án có ý nghĩa chính trị, thể hiện sự kết nối trực tiếp với Đức.

Trong khi đó, từ góc độ chính sách khí hậu, các chuyên gia cho rằng dự án này không nên được xây dựng. Với lượng phát thải lên tới 100 triệu tấn CO2 mỗi năm, Dòng chảy phương Bắc 2 đi ngược lại các mục tiêu khí hậu.

Theo các phát hiện khoa học mới, việc sản xuất khí đốt tự nhiên gây tổn hại cho khí hậu nhiều hơn so với những gì đã được thống kê.

Ông Niklas Höhne, lãnh đạo Viện Khí hậu Mới ở Köln (Đức), cho biết: "Nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu về chống biến đổi khí hậu, chúng ta không cần đường ống này; nếu được hoàn thành, đường ống này sẽ phải ngừng hoạt động trong vòng từ 5 đến 10 năm"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục