Dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường, VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự 1.320 điểm

Nối tiếp xu hướng tích cực gần đây, phiên giao dịch 3/8 duy trì đà tăng ngay từ những phút mở cửa và VN-Index mau chóng bứt phá hơn 11 điểm.

Sáng ngày 3/8, thị trường mở cửa thận trong với các chỉ số chỉ hiện sắc xanh nhẹ, sau khi thị trường chịu áp lực bán mạnh vào cuối phiên chiều qua. Độ rộng nghiêng về bên mua tại rổ VN30 với 16 mã tăng và chỉ 8 mã giảm, trong đó VIC bất ngờ là mã dẫn đầu rổ với sắc xanh hơn 3%, sau khi mã gần như “dậm chân tại chỗ” trong những phiên trước. Theo sau mã này là BVH, TCB, VNM.

Chú thích ảnh
Sắc xanh tiếp tục duy trì trong sáng ngày 3/8 và vượt qua ngưỡng thử thách 1.320 điểm. Ảnh chụp màn hình

Nhóm ngân hàng có phần suy yếu so với hôm qua và có sự phân hóa khi CTG, BID, KLB vẫn giảm điểm, trong khi phần lớn các cổ phiếu khác đều tăng. Song, một điểm nhấn đáng chú ý tại nhóm trong những ngày qua chính là NVB khi tiếp tục hiện sắc tím, đây là phiên thứ 2 tím liên tiếp. OCB và TCB là 2 mã còn lại xanh hơn 1%. Các cổ phiếu ngành chứng khoán, thép cũng hồi phục khá tốt với nhiều mã tăng điểm.

Nhóm dầu khí ảm đạm với đa phần các mã hiện sắc đỏ, song đa phần đều chỉ giảm dưới 1% như BSR, PVD,PVC. Diễn biến nhóm dệt may vô cùng tích cực với MSH, TNG, VGT và GIL đều bứt phá hơn 2%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu phân bón DCM, DPM, BFC, LAS, DDV…vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền trong bối cảnh giá phân bón tăng "phi mã". Các cổ phiếu bất động sản, xây dựng CEO, CTD, DXG, HBC, HDG, KDH, KBC…cũng thu hút dòng tiền và tăng khá tốt.

Tại thời điểm 10 giờ 15 phút, chỉ số VN-Index tăng 11,83 điểm lên 1.326,05 điểm; HNX-Index tăng lên 316,61 điểm và UPCom-Index tăng 87,36 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 7.000 tỷ đồng.

Theo nhận định của CTCK Asean (Aseansc), chỉ số VN-Index trong phiên 2/8 ghi nhận phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp trong bối cảnh thị trường có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm cổ phiếu. Theo đó, phiên giao dịch 3/8, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 1.315 - 1.320 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.325 - 1.330 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 1.305 - 1.310 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.295 - 1.300 điểm.

Tương tự, CTCK MBS đánh giá thị trường trong nước nối dài nhịp tăng và dòng tiền cũng có sự lan tỏa mạnh mẽ, bất chấp áp lực chốt lời khi VN-Index vượt mốc 1.320 điểm. Song song đó, thanh khoản tiếp tục ở mức cao, dòng tiền lớn vẫn đang vào thị trường. Nguyên nhân có thể về việc đẩy mạnh tiêm vaccine trong cộng đồng khiến động thái giải ngân từ phía nhà đầu tư trong và ngoài nước mạnh hơn.

Chú thích ảnh
Ảnh chụp màn hình

Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 1.300 điểm một cách thuyết phục và áp lực chốt lời ở cuối phiên nhanh chóng bị hấp thụ, đó là các tín hiệu cho thấy thị trường khỏe. Do vậy, về xu hướng rõ ràng thị trường đang trong xu hướng tăng dài hạn. Trong ngắn hạn, đường về mốc 1.330 điểm đang trở nên rộng mở.

CTCK VCBS khuyến nghị, nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ danh mục đầu tư trung - dài hạn nhưng có thể cân nhắc chốt lời danh mục ngắn hạn trong trường hợp giá cổ phiếu chạm mục tiêu chốt lời hoặc thị trường bất ngờ xuất hiện diễn biến đảo chiều giảm điểm trong những phiên tới.

Còn CTCK Yuanta cho rằng, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên chỉ số VN-Index có thể sẽ chưa thể vượt hoàn toàn vùng kháng cự 1.315 - 1.320 điểm trong những phiên giao dịch tới, vì vậy các NĐT ngắn hạn cần tránh mua đuổi ở các nhịp tăng mạnh của thị trường trong phiên. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng mạnh cho thấy cơ hội giải ngân mới tiếp tục gia tăng.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ và gia tăng dần tỷ trọng cổ phiếu, nhưng các nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ tỷ trọng dưới 50%.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE), tháng 7 vừa qua chỉ số VN-Index đã thiết lập đỉnh mới ở mức 1420,27 điểm vào ngày 02/07/2021, cao nhất trong 21 năm hoạt động.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 07/2021, chỉ số VN-Index đạt mức 1310,05 điểm, giảm 6,99% so với tháng 06/2021 và tăng 18,68% so với đầu năm 2021; VN-Allshare đạt 1343,9 điểm, giảm 5,62% so với tháng trước và tăng 30,17% so với đầu năm 2021; VN30 đạt 1447,23 điểm, giảm 5,35% so với tháng trước và tăng 35,16% so với đầu năm 2021.

Các chỉ số ngành ghi nhận sự tăng trưởng cao trong tháng này bao gồm: công nghệ thông tin (VNIT) tăng 7,23%, ngành hàng tiêu dùng (VNCOND) tăng 3,37%. Bên cạnh đó, các ngành ghi nhận sự sụt giảm gồm ngành năng lượng (VNENE) giảm 10,1%; ngành bất động sản (VNREAL) giảm 8,39% và ngành chăm sóc sức khỏe (VNHEAL) giảm 7,74%.  

Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 7 giảm với giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 20.214 tỷ đồng và 603,1 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm lần lượt 14,63% về giá trị và giảm 17,97% về khối lượng bình quân so với tháng trước, tuy nhiên tăng 345,96% về giá trị và 122,21% về khối lượng bình quân so với cùng kỳ năm 2020. 

Tổng giá trị và khối lượng giao dịch cổ phiếu trong tháng 7 lần lượt đạt trên 444.728 tỷ đồng và 13,27 tỷ cổ phiếu, tương ứng giảm lần lượt 14,63% về giá trị và giảm 17,97% về khối lượng so với tháng trước, tăng 326,57% về giá trị và 112,54% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2020.

Về giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 7/2021, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 76.671 tỷ đồng, chiếm 8,62% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua ròng trong tháng với giá trị hơn 4.802 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 30.451 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Quy mô thị trường trên HoSE tính đến hết ngày 30/07/2021, có 469 mã chứng khoán giao dịch, trong đó gồm: 385 mã cổ phiếu, 02 mã chứng chỉ quỹ đóng, 07 mã chứng chỉ quỹ ETF, 49 mã chứng quyền có bảo đảm và 26 mã trái phiếu niêm yết. Tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết đạt gần 105,8 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 4,92 triệu tỷ đồng, giảm 6,79% so với tháng trước, đạt khoảng 78,28% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành).

Các doanh nghiệp có vốn hóa thị trường trên tỷ USD 

Tính đến hết ngày 30/07/2021, trên sàn HOSE đã có 37 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó có 3 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD, bao gồm: Tập đoàn Vingroup (VIC), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công ty cổ phần Vinhomes (VHM).

Trong tháng 07, tổng khối lượng giao dịch chứng quyền có bảo đảm (CW) đạt 163,34 triệu CW với giá trị giao dịch đạt trên 772 tỷ đồng. Kể từ ngày đầu tiên chính thức giao dịch, đã có 359 mã CW trên 26 cổ phiếu cơ sở của 10 tổ chức phát hành được niêm yết và giao dịch.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 30/07/2021, đã có tổng cộng 11 mã cổ phiếu và 64 mã CW niêm yết mới; tổng cộng 15 mã cổ phiếu thực hiện chuyển giao dịch từ HoSE sang HNX (theo CV số 713/UBCK-PTTT về việc chuyển giao dịch cổ phiếu từ Sở GDCK TP.HCM sang Sở GDCK Hà Nội).
Tin, ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Chứng khoán Mỹ phiên 2/8 phần lớn giảm điểm
Chứng khoán Mỹ phiên 2/8 phần lớn giảm điểm

Chứng khoán Mỹ đánh mất phần lớn đà tăng trước đó và khép phiên 2/8 với những diễn biến trái chiều, trước số liệu yếu hơn dự đoán của hoạt động chế tạo và sự gia tăng trong số ca mắc COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN