Đức kêu gọi tiêm chủng cho nhóm 12-17 tuổi, nhắc lại cho nhóm nguy cơ

Đức có đủ lượng vaccine từ cả hai nhà sản xuất BioNtech/Pfizer và Moderna để có thể tiêm ngay cho tất cả khoảng 4,5 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi ở Đức.
Đức kêu gọi tiêm chủng cho nhóm 12-17 tuổi, nhắc lại cho nhóm nguy cơ ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội nghị trực tuyến giữa Bộ trưởng Y tế liên bang và các bang ở Đức ngày 2/8 đã thông qua nghị quyết kêu gọi tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đồng thời thực hiện tiêm nhắc lại (mũi thứ 3) cho nhóm người có nguy cơ rủi ro đối với dịch bệnh chết người này.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) từ lâu đã ra khuyến nghị tiêm vaccine công nghệ mRNA (vaccine của BioNtech/Pfizer và Moderna) cho trẻ từ 12 tuổi, và quyết định của chính quyền trung ương và các bang ở Đức được đưa ra trong bối cảnh năm học mới sắp bắt đầu trở lại.

Các bang của Đức mong muốn có càng nhiều trẻ em được tiêm chủng càng tốt nhằm hạn chế các ca lây nhiễm mới với biển thể Delta.

Theo nghị quyết được thông qua, hiện Đức có đủ lượng vaccine từ cả hai nhà sản xuất BioNtech/Pfizer và Moderna để có thể tiêm ngay cho tất cả khoảng 4,5 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi ở Đức.

Tính đến ngày 2/8, khoảng 20,5% số trẻ ở nhóm tuổi này đã được tiêm ít nhất một mũi và gần 10% được tiêm đủ liều. Các trung tâm tiêm chủng được cho là sẽ đóng cửa vào tháng Chín. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng đang ngày một giảm nên các trung tâm có thể nhanh chóng tiêm chủng cho nhóm tuổi trên.

Khuyến nghị tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi ở Đức chưa được Ủy ban Tiêm chủng thường trực Đức (STIKO) thông qua, bởi theo người đứng đầu cơ quan này, hiện chưa có đủ dữ liệu để có thể đưa ra khuyến nghị chung đối với việc tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.

STIKO cho tới nay mới chỉ đưa ra khuyến nghị tiêm chủng cho trẻ vị thành niên bị bệnh nền như tiểu đường hoặc béo phì hoặc những trường hợp ngoại lệ khác do lo ngại việc mắc COVID-19 có thể khiến bệnh chuyển nặng hơn.

Tuy nhiên, STIKO cũng cho rằng trẻ em vẫn có thể tiêm phòng sau khi được tư vấn y tế và người giám hộ chấp nhận rủi ro có thể có.

[Đức thông báo thời điểm tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 tuổi]

Ngoài vấn đề trên, Bộ trưởng Y tế liên bang và các bang của Đức cũng ra khuyến nghị tiêm chủng nhắc lại cho nhóm dễ bị tổn thương từ tháng Chín. Theo đó, các đội tiêm chủng cũng như bác sỹ gia đình sẽ tiến hành tiêm cho nhóm người dễ bị tổn thương ở các trại dưỡng lão hoặc các cơ sở hỗ trợ hòa nhập (các cơ sở xã hội, người khuyết tật).

Nhóm này chủ yếu là những người cao tuổi, những người cần được chăm sóc và những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc ức chế miễn dịch.

Đức kêu gọi tiêm chủng cho nhóm 12-17 tuổi, nhắc lại cho nhóm nguy cơ ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Vaccine của BioNtech/Pfizer hoặc Moderna nên được tiêm nhắc lại cho những người này ít nhất sáu tháng sau loạt tiêm chủng đầu tiên. Các trường hợp chưa được tiêm vaccine mRNA cũng có thể được tiêm vaccine công nghệ này từ tháng Chín, không phân biệt độ tuổi hay độ nhạy cảm.

Theo Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn, mục đích của việc tiêm nhắc lại là để bảo vệ các nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương vào mùa Thu và mùa Đông, bởi nhóm này có nguy cơ rất lớn về giảm độ miễn dịch.

Mặc dù không còn tình trạng khan hiếm vaccine ở Đức, song tỷ lệ tiêm chủng gần đây đã chậm lại đáng kể. Đặc biệt, số mũi tiêm chủng thứ nhất hiện đang giảm dần từng ngày. Nếu số lượt tiêm chủng giai đoạn tháng Sáu có lúc lên tới 1,4 triệu mũi/ngày thì đến ngày 1/8 chỉ còn trên 110.000 mũi/ngày.

Tính đến ngày 2/8, Đức đã tiêm chủng cho 51,34 triệu người (61,7%), trong đó có 43,45 triệu người (52,3%) đã hoàn thành việc tiêm vaccine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục