Thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp thực tiễn

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến với các mức độ khác nhau, mỗi địa phương cần đề ra các biện pháp chống dịch quyết liệt nhưng cũng phải phù hợp với thực tiễn.
Thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp thực tiễn ảnh 1Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến với các mức độ khác nhau, mỗi địa phương cần đề ra các biện pháp chống dịch quyết liệt nhưng cũng phải phù hợp với thực tiễn.

Yêu cầu Tổ công tác thành lập ngay 3 nhóm hỗ trợ tại tỉnh Đồng Tháp

Chiều 2/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tác đã làm việc với tỉnh Đồng Tháp về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, trước diễn biến của dịch COVID-19 trên địa bàn Đồng Tháp, Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh do bà Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế làm Tổ trưởng, đồng thời tỉnh cũng đã nhận được sự chi viện của các lực lượng bệnh viện tuyến Trung ương, các đoàn công tác tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh…

Với lực lượng hiện có, Thứ trưởng yêu cầu Tổ công tác Bộ y tế giữ vai trò giám sát và thành lập ngay 3 nhóm gồm: hỗ trợ phòng, chống dịch trong cộng đồng, doanh nghiệp; điều trị và xét nghiệm; ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông phòng, chống dịch. Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng phải thành lập lực lượng với 3 nhóm tương ứng để phối hợp thực hiện.

Mặt khác, Thứ trưởng yêu cầu từng thành viên trong Tổ công tác phải thực hiện nghiêm quy định về công tác, chế độ báo cáo... , nhất là khi báo cáo về Trung ương phải có sự thống nhất giữa Tổ công tác và địa phương.

Tổ công tác xây dựng lịch công tác hằng tuần trên cơ sở đề xuất của từng nhóm; các tổ, nhóm công tác để có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với các sở, ngành, lãnh đạo địa phương.

Đối với tỉnh Đồng Tháp, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, từng Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải được phân công phụ trách địa bàn và có chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trong đánh giá mức độ nguy cơ tại cấp xã, huyện để đưa ra giải pháp phù hợp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị.

Trong công tác xét nghiệm, truy vết, Đồng Tháp xây dựng kế hoạch theo từng địa phương, đối tượng cụ thể để chọn phương án xét nghiệm tối ưu; phải có sự phân tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 phù hợp với tình hình diễn biến dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine; xây dựng kế hoạch truyền thông để người dân nắm được tình hình phòng, chống dịch để nhận được sự đồng thuận cao. Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin quản lý dữ liệu khai báo y tế, tình hình ca bệnh, dịch tễ, xét nghiệm…, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu.

Bên cạnh đó, Đồng Tháp cần thực hiện sơ kết sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, từ đó nhận diện những kết quả, hạn chế, nguyên nhân chủ quan, khách quan và đưa ra các giải pháp định hướng mang tính quyết liệt trong 14 ngày áp dụng Chỉ thị 16 lần hai.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong thông tin, Đồng Tháp đang tổng lực để phòng, chống dịch, trong đó công tác chỉ đạo phòng, chống dịch, tỉnh đã phân công từng Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa bàn, thống nhất đầu mối chỉ đạo phòng, chống dịch. Việc phối hợp với Tổ công tác sẽ được chấn chỉnh, nâng cấp đầu mối để giải quyết ngay vấn đề khi được hướng dẫn.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện đánh giá tổng thể tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Hiện nay, Đồng Tháp đang từng bước chia nhỏ địa bàn để đánh giá hiện trạng ấp/khóm, khu phố, để giữ chặt “vùng xanh,” vùng an toàn.

Tỉnh cũng phân tuyến, tăng tốc xét nghiệm để tầm soát địa bàn; đồng thời cũng phân tầng điều trị các ca mắc COVID-19 theo hướng cải thiện việc theo dõi sức khỏe cho các bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để hạn chế chuyển biến nặng và diễn biến bất thường. “Quan điểm của tỉnh là cố gắng giữ chặt tầng dưới, hạn chế chuyển viện, đó là giải pháp giảm tỷ lệ tử vong,” Bí thư Tỉnh ủy nói.

Ngoài ra, Đồng Tháp đã triển khai cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tính đến ngày 1/8, tỉnh đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 được 147.544 liều; đang cải thiện quy trình tiêm như rút ngắn một số thủ tục trong quá trình tiêm, hình thành đội tiêm lưu động và tập trung tại các khu vực nóng.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, tính đến 17 giờ ngày 2/8, Đồng Tháp ghi nhận 3.297 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; trong đó có 665 trường hợp xuất viện, 60 trường hợp tử vong.

Đồng Nai bố trí địa điểm trong khu công nghiệp làm nơi cách ly tạm thời

Ngày 2/8, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết đã có văn bản yêu cầu các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai rà soát, bố trí địa điểm làm nơi cách ly tạm thời tại khu công nghiệp cho công nhân các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” (công nhân tạm trú, ăn ở, làm việc ngay trong công ty) mắc COVID-19 và những người nguy cơ cao.

Ông Lê Văn Danh, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, địa điểm làm nơi cách ly có thể là các công trình, nhà xưởng, khu đất chưa sử dụng tại các khu công nghiệp. Nơi cách ly phải đảm bảo điều kiện vệ sinh, có một số công trình thiết yếu phục vụ sinh hoạt của người lao động. Những trường hợp mắc COVID-19 qua test nhanh và người có nguy cơ cao sẽ được bố trí ở những nơi riêng biệt, theo dõi sức khỏe để điều trị kịp thời.

Theo ông Lê Văn Danh, trên địa bàn Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tại các khu công nghiệp còn một số công trình, nhà xưởng, nhà kho chưa sử dụng. Việc bố trí các địa điểm cách ly trong khu công nghiệp là cần thiết, giúp doanh nghiệp lập tức đưa người mắc COVID-19 qua test nhanh và những người nguy cơ cao đi cách ly tạm thời. Điều này góp phần ổn định tâm lý người lao động, giảm tải cho các khu cách ly tập trung.

Hiện Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai đã bố trí được một số địa điểm trong khu công nghiệp, vài ngày tới sẽ bàn giao cho các huyện, thành phố làm khu cách ly tạm thời. Chính quyền các địa phương sẽ bố trí lực lượng quản lý, vận hành khu cách ly.

Bên cạnh việc bố trí địa điểm làm nơi cách ly tạm thời trong khu công nghiệp, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai đã thành lập 3 đoàn kiểm tra việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” và phòng chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp.

Các đoàn sẽ trực tiếp làm việc, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các hồ sơ liên quan đến phương án “3 tại chỗ”, rà soát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại doanh nghiệp, kiểm tra mật độ người lao động, chế độ ăn, ở, phúc lợi tại nơi người lao động tạm trú.

Đến nay, tại Đồng Nai có khoảng 1.130 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, số lao động tạm trú hơn 130.000 người. Tuy nhiên, hiện một số doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” đã xuất hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2, điều này khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì trong công ty không còn diện tích trống để cách ly, thiếu nhân viên y tế chăm sóc người bệnh. Do các ca F0, F1 tại một số doanh nghiệp không ngừng tăng nên người lao động yêu cầu chủ doanh nghiệp cho ra về. Trong khi đó, chủ doanh nghiệp chưa thể sớm đưa các F0, F1 ra khỏi công ty.

Do dịch COVID-19 lây lan, hiện Đồng Nai đã quyết định tạm ngưng hoạt động một số doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ”, đồng thời tổ chức xét nghiệm cho công nhân, nếu có kết quả âm tính thì cho công nhân rời nhà máy, về nơi ở./.

Quảng Ngãi: Thay đổi biện pháp chống dịch đặc thù

Ngày 2/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký quyết định số 1135/QĐ-Ủy ban Nhân dân thay đổi biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch COVID-19 trên địa bàn xã Phổ Châu và phường Phổ Thạnh thuộc thị xã Đức Phổ.

Thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp thực tiễn ảnh 2Phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại khu vực dân cư có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại Quảng Ngãi. (Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN)

Kể từ 0 giờ ngày 4/8, toàn bộ xã Phổ Châu và các tổ dân phố: Thạnh Đức 1, Long Thạnh 1, Long Thạnh 2, Tân Diêm, Đồng Vân của phường Phổ Thạnh sẽ áp dụng biện pháp hành chính tương ứng với mức “nguy cơ cao” trong phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15. Trước đó, các địa phương này áp dụng mức "nguy cơ rất cao” theo tinh thần Chỉ thị 16.

Các địa phương gồm Thạch By 1, Thạch By 2, La Vân, Thạnh Đức 2 của phường Phổ Thạnh tiếp tục áp dụng biện pháp hành chính tương ứng với mức “nguy cơ rất cao” trong phòng, chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16. Tỉnh yêu cầu phong tỏa, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện phòng, chống dịch, đặc biệt nâng cao ý thức, sự chấp hành Chỉ thị số 16 của nhân dân.

Theo báo cáo của ngành Y tế, tình hình dịch tại xã Phổ Châu và một số khu vực ở phường Phổ Thạnh đã được kiểm soát tốt, nhiều ngày không có ca bệnh mới trong cộng đồng.

Tính từ ngày 26/6 đến nay, Quảng Ngãi đã có 281 ca bệnh, 135 trường hợp được chữa khỏi.

Thời gian qua, xuất hiện một số trường hợp nghi lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh, đồng thời do lượng người về từ vùng dịch quá nhiều nên các khu cách ly đều quá tải, nguy cơ lây nhiễm chéo là rất cao nếu không được kiểm soát tốt.

Trước tình trạng trên, tại các khu cách ly, ngành Y tế Quảng Ngãi tập trung phân luồng chặt chẽ để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo, đồng thời quản lý tốt theo đúng quy định. Sở Y tế đề nghị, các chốt kiểm soát tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào địa phương nhất là từ Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam...

Tây Ninh: Doanh nghiệp “3 tại chỗ” phải xét nghiệm cho công nhân 3 ngày một lần

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu doanh nghiệp có phương án sản xuất “3 tại chỗ” tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế phải xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 100% người lao động; phiếu xét nghiệm chỉ còn giá trị trong vòng 72 giờ (3 ngày phải xét nghiệm lại 1 lần).

Ban Quản lý Khu kinh tế Tây Ninh đề nghị các Công ty Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế cùng chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ trong quá trình doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm kiểm tra sức khỏe định kỳ cho công nhân.

Việc xét nghiệm phải phân luồng, không để tập trung đông người. Khi phát hiện có ca dương tính, doanh nghiệp phải lập tức thông báo, cùng chính quyền địa phương, ngành Y tế xử lý, không để dịch bệnh lây lan.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp cùng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng sẽ kiểm tra đột xuất việc thực hiện xét nghiệm định kỳ cho người lao động. Doanh nghiệp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Tính đến ngày 2/8, tỉnh Tây Ninh có 164 doanh nghiệp với 28.000 lao động đang thực hiện phương án “3 tại chỗ.”

Theo Ban Quản lý khu kinh tế Tây Ninh, tình hình dịc COVID-19 trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp.

Tính đến 16 giờ ngày 1/8, các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế trong tỉnh phát hiện 543 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh ra quyết định phong tỏa 5 doanh nghiệp có nhiều ca F0  là Công ty da Đức Tín (Khu Chế xuất Linh Trung III) có 221 ca; Công ty Gain Lucky, Công ty Pouli, Công ty Billion, Công ty Baikai (Khu công nghiệp Phước Đông) có tổng số 79 ca.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh có văn bản số 2564/Ủy ban Nhân dân-KGVX về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đối với các doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ.”

Theo đó, các doanh nghiệp “3 tại chỗ” có nhu cầu dừng hoạt động, trước khi cho công nhân về địa phương phải tổ chức xét nghiệm mẫu gộp PCR hoạt test nhanh cho 100% số công nhân hiện có, nếu kết quả đều âm tính thì cho về địa phương (có xe đưa về) cách ly tại nhà; trường hợp có ca dương tính phải truy vết F1 đưa đi cách ly y tế, chuyển F0 điều trị theo quy định.

Đối với doanh nghiệp tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ” phải thỏa thuận, cam kết giữa doanh nghiệp và người lao động; bố trí khu ở cho người lao động tách biệt với khu sản xuất; đảm bảo đủ điều kiện tối đa về ăn, ở, sinh hoạt, vệ sinh môi trường (nhà vệ sinh, nhà tắm…); doanh nghiệp phối hợp với ngành y tế thường xuyên test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR cho tất cả công nhân. Nếu 100% cho kết quả âm tính thì doanh nghiệp mới được tiếp tục hoạt động.

Bạc Liêu: Kiểm soát chặt, hạn chế người dân ra đường

Ngày 2/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh đã ký công văn số 3181/Ủy ban Nhân dân-KGVX về việc tăng cường quản lý siết chặt nhằm hạn chế người dân ra đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19.

Thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp thực tiễn ảnh 3Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ của một người dân. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, qua 14 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg cho thấy, việc tuân thủ giãn cách xã hội của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân cơ bản tốt. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng người dân ra đường đông, việc kiểm tra, kiểm soát của một số địa phương vẫn chưa tốt.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng này trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg thêm 14 ngày tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát đối với người ra đường, nhất là người ra đường trong giờ hành chính; đối với các trường hợp người ra đường không xuất trình được giấy tờ chứng minh hoặc không giải trình được lý do chính đáng, phải xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, thành lập thêm nhiều Tổ tuần tra lưu động để nâng cao chất lượng kiểm tra, kiểm soát này.

Người đứng đầu các cấp chính quyền chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó có việc để cho người dân ra đường đông trên địa bàn mình quản lý.

Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ thành lập các Tổ Kiểm tra đột xuất việc thực hiện các nội dung nêu trên, nếu phát hiện các trường hợp chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm sẽ xử lý nghiêm khắc đối với người đứng đầu.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh  quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình phải thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.

Trước đó, ngày 1/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã ký quyết định kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày, kể từ 00 giờ ngày 2/8.

Tỉnh cũng chú trọng chăm lo động viên tinh thần, đảm bảo phương tiện phòng hộ, hỗ trợ vật chất đối với lực lượng y tế và các lực lượng trực tiếp chống dịch.

Cùng với đó, tỉnh thực hiện các phương án đảm bảo sản xuất đời sống, an sinh xã hội, trật tự xã hội theo các kịch bản dịch bệnh; sẵn sàng cho tình huống dịch diễn biến xấu.

Tuyên Quang tăng cường giám sát, quản lý chặt người vào tỉnh

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, quản lý chặt người vào tỉnh. Người dân hạn chế di chuyển, tiếp xúc và không có việc thực sự cần thiết thì không ra khỏi tỉnh.

Cụ thể, trường hợp công dân đến và trở về tỉnh từ vùng có dịch (các địa phương đang áp dụng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội) phải có xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ, thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định. Công dân từ vùng dịch đi qua tỉnh Tuyên Quang phải có xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ và được chính quyền nơi đến tổ chức đón.

Trường hợp nếu phát hiện có công dân từ vùng dịch cố tình đi qua tỉnh phải cách ly tập trung và giao chính quyền sở tại (nơi phát hiện có công dân đi qua) có trách nhiệm liên hệ, thông báo với địa phương nơi công dân đến và đề nghị tổ chức đón, thực hiện bàn giao đầy đủ, chặt chẽ, đúng quy định.

Trường hợp công dân từ các vùng không có dịch đến hoặc trở về tỉnh Tuyên Quang yêu cầu phải có xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ hoặc có giấy chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và kết quả test nhanh âm tính trong vòng 24 giờ…

Người đứng đầu các ngành, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc tiêm vaccine.

Trước đó, để chủ động phòng chống dịch, Tuyên Quang đã tạm dừng mọi hoạt động vận tải hành khách đến 30 tỉnh, thành phố có dịch từ ngày 23/7/2021.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục