Thái Nguyên, Hải Dương: Truy vết, cách ly các mắc COVID-19 mới

Thái Nguyên hiện có 20 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 8 ca tái dương tính sau khi khỏi bệnh; Hải Dương mới phát hiện thêm 27 ca dương tính và tiếp tục truy vết, phong tỏa các ổ dịch.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Hải Dương. (Ảnh: TTXVN phát)
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Hải Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 1/8, Trung tâm y tế huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) cho biết, trên địa bàn huyện tiếp tục ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại ổ dịch này lên 8 trường hợp.

Ca mắc mới là cháu bé sinh năm 2019, trú tại xóm La Muôi, xã Tân Khánh, đã được cách ly từ ngày 27/7 tại khu cách ly tập trung sau khi tiếp xúc gần với BN109.195 được phát hiện vào ngày 27/7.

Trường hợp này có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau 4 lần lấy mẫu xét nghiệm.

Hiện, các cơ quan chức năng của huyện Phú Bình đang khẩn trương điều tra, rà soát các trường hợp liên quan để thực hiện cách ly y tế theo quy định.

Như vậy, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã ghi nhận 20 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 8 ca tái dương tính sau công bố khỏi bệnh đang được quản lý tại tỉnh Thái Nguyên gồm: huyện Võ Nhai 5 ca, huyện Đại Từ 1 ca, huyện Định Hóa 1 ca và huyện Phú Bình 1 ca.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương ngày 1/8 ghi nhận thêm 5 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó có 1 trường hợp ở xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành và 4 trường hợp đều ở xã Thái Tân, huyện Nam Sách.

Từ 27/4 đến nay, Hải Dương đã ghi nhận 84 trường hợp mắc COVID-19; trong đó 54 trường hợp đã khỏi bệnh và ra viện, 30 trường hợp đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương.

Hiện, số người đang cách ly trên địa bàn toàn tỉnh là 9.817 người; trong đó 1.702 trường hợp cách ly tập trung, 8.076 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Liên quan đến ổ dịch huyện Nam Sách, các cơ quan chức năng đã điều tra, truy vết, lấy mẫu cho 27.848 lượt người, trong đó có 465 trường hợp F1, 3.381 trường hợp F2, 16.263 trường hợp trong khu phong tỏa và 7.739 trường hợp ngoài cộng đồng.

Kết quả có 23 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, số còn lại cho kết quả âm tính.

Cơ quan chức năng đã thiết lập 4 vùng cách ly y tế đối với các khu dân cư là xã Thái Tân; khu Nhân Hưng, thị trấn Nam Sách; khu Mạc Thị Bưởi, thị trấn Nam Sách; khu chợ Hóp, xã Nam Hồng với tổng số 2.071 hộ, 8.221 nhân khẩu.

Huyện Nam Sách cũng đã dừng hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Đại An Tính, cụm công nghiệp An Đồng để phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với ổ dịch ở xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, lực lượng chức năng đã điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho 43 trường hợp F1, 106 trường hợp F2.

Kết quả có 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, còn lại là âm tính.

Thị xã Kinh Môn cũng quyết định thiết lập vùng cách ly y tế toàn bộ thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận gồm 409 hộ dân với 1377 nhân khẩu do có nhiều trường hợp F1 liên quan đến ca mắc COVID-19 ở huyện Kim Thành.

Huyện Kim Thành cũng đã tiến hành phong tỏa chặt các thôn và toàn xã Kim Xuyên; dừng các hoạt động toàn bộ các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn.

Thành phố Hải Dương cũng đã yêu cầu các đơn vị hoạt động dịch vụ chuyển phát hàng hóa trên địa bàn thành phố đăng ký và giám sát y tế toàn bộ shipper.

Thành phố cũng nghiêm cấm mọi trường hợp giao hàng, chuyển hàng trên các quốc lộ, tỉnh lộ, đường mòn, lối mở, tại các doanh nghiệp, cửa hàng ven quốc lộ thuộc địa bàn thành phố mà không qua các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh.

Kể từ 12 giờ ngày 31/7, người tỉnh ngoài vào Hải Dương và người Hải Dương ra tỉnh ngoài trở về phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp Realtime-PCR có giá trị trong vòng 72 giờ.

Các lái xe taxi, xe ghép (xe 100) phải khai báo việc vận chuyển khách từ ngày 20/7/2021 trở lại đây, lập danh sách báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện và lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ các trường hợp ra vào tỉnh này.

Chính quyền các cấp hướng dẫn, kiểm tra và quản lý các chuyên gia, cán bộ quản lý, lao động từ Hà Nội về làm việc, cư trú trên địa bàn tỉnh; ban hành quy định; quản lý chặt chẽ phòng, chống dịch của các chợ đầu mối nông sản và đưa chợ hoạt động trở lại;...

Đối với các chuyên gia, người lao động từ Hà Nội về Hải Dương làm việc, lãnh đạo tỉnh Hải Dương giao các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ theo phương án 3 tại chỗ là: ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và làm việc tại chỗ” và “một cung đường hai điểm đến;” doanh nghiệp có chuyên gia, người lao động từ Hà Nội về phải có kế hoạch chi tiết đảm bảo phòng, chống dịch gửi Ủy ban Nhân dân cấp huyện xem xét, chấp thuận trước khi đón người về Hải Dương. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm thì yêu cầu dừng hoạt động.

Các doanh nghiệp phải chủ động xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên cho toàn bộ người lao động tham gia cung cấp các dịch vụ cho doanh nghiệp như ăn uống, khách sạn, lưu trú, chuyên gia, vận chuyển vật tư, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc …. và không dưới 20% người lao động có nguy cơ cao. Tần suất xét nghiệm là 5 đến 7 ngày/lần và gửi báo cáo về các cơ quan chức năng. 

[Hà Nội thêm 16 ca mắc mới COVID-19, có 9 ca phát hiện ở cộng đồng]

Chiều 1/8, Thường trực Thành ủy Hải Phòng chỉ đạo về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Ban Thường vụ các quận ủy, huyện ủy, trực tiếp là các đồng chí thường trực và Bí thư chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo thành phố về hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị.

Thường trực Thành ủy Hải Phòng cũng yêu cầu các địa phương tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt biến động dân cư trên địa bàn. Có biện pháp thiết thực, hiệu quả để vận động, kêu gọi, kiểm soát người dân quê Hải Phòng hiện cư ngụ ở các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội không được rời địa bàn, tiếp tục ở lại theo tinh thần giãn cách "ai ở đâu ở đấy".

Thái Nguyên, Hải Dương: Truy vết, cách ly các mắc COVID-19 mới ảnh 1Lực lượng y bác sỹ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các chủ phương tiện và những hành khách tại các điểm chốt ở Hải Phòng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Kịp thời phát hiện người trở về từ vùng dịch, khẩn trương phối hợp với lực lượng y tế, công an kiểm soát và áp dụng các biện pháp y tế, biện pháp hành chính cần thiết, tuyệt đối không để trở thành nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Căn cứ điều kiện và khả năng, huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân của địa phương mình đang ở các tỉnh, thành phố hiện đang có dịch diễn biến phức tạp, có số lượng ca mắc lớn.

Các đơn vị, địa phương có ngay các biện pháp theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ đối với đội ngũ lái xe vận tải đường dài.

Đặc biệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố, yêu cầu các doanh nghiệp bố trí ăn nghỉ tập trung tại các điểm giao nhận hàng hóa cho đội ngũ lái xe. Trường hợp doanh nghiệp không có khả năng, các quận, huyện chủ động bố trí trên nguyên tắc doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả kinh phí.

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lái xe về sinh hoạt tại gia đình, cộng đồng. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp, lái xe vi phạm và xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm trên.

Đồng thời, rà soát, thống kê, phân loại để có kế hoạch tổ chức hỗ trợ, cung cấp lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân.

Thường trực Thành ủy yêu cầu Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương bố trí hợp lý vị trí chốt kiểm soát cửa ngõ tại khu vực Cầu Nghìn (huyện Vĩnh Bảo), khu vực Dụ Nghĩa (huyện An Dương), bổ sung các chốt phụ nếu cần thiết, có sự điều phối nhịp nhàng giữa các chốt chính, chốt phụ và phân luồng, điều phối giao thông hợp lý để giảm thiểu ùn tắc tại các chốt kiểm soát.

Tổ chức tiêm vaccine nhanh, đúng đối tượng, an toàn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xin cho, lựa chọn vaccine, lợi dụng chức trách để tiêm cho người không đúng đối tượng và các tiêu cực khác trong việc tiêm vaccine. Xử lý nghiêm, kịp thời theo pháp luật các trường hợp vi phạm.

Huy động đội ngũ cán bộ y tế không phân biệt công, tư tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Đồng thời, sẵn sàng chi viện cho các địa phương dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có số lượng ca mắc lớn theo sự điều phối của Bộ Y tế.

Phối hợp với Đảng đoàn Hội đồng Nhân dân thành phố cân đối, phân bổ nguồn lực, đảm bảo phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố. Khẩn trương mua sắm vật tư, thiết bị y tế theo phương án 500 giường bệnh điều trị bệnh nhân nặng nhiễm COVID-19. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong mua sắm.

Đối với các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố tăng cường mật độ, tần suất kiểm tra đột xuất, không báo trước, kiểm tra công vụ về công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, đơn vị mình phụ trách (từ quận, huyện đến tận xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố, cơ sở sản xuất, kinh doanh).

Liên quan đến ca bệnh L.V.S (sinh năm 1971, có địa chỉ tại phường Kênh Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng), lực lượng chức năng đã tiến hành truy vết phát hiện 9 trường hợp F1, hiện đã đưa đi cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm đều có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục