Dịch COVID-19: Linh hoạt hơn phương án duy trì sản xuất '3 tại chỗ'

Sau khi thực hiện "3 tại chỗ," nhiều doanh nghiệp đã phát sinh các vấn đề về điều kiện an toàn, vệ sinh và tâm lý bất ổn trong người lao động.
Dịch COVID-19: Linh hoạt hơn phương án duy trì sản xuất '3 tại chỗ' ảnh 1(Ảnh minh họa: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và duy trì hoạt động sản xuất trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đang áp dụng một trong hai phương thức là “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm.” Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, rất khó để áp dụng lâu dài.

Đó là ý kiến của nhiều doanh nghiệp tại chương trình tọa đàm trực tuyến “Hiến kế giải pháp duy trì ổn định sản xuất, lưu thông an toàn phòng, chống dịch” do Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 31/7.

Thách thức “tâm lý”

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, các doanh nghiệp đã trải qua hơn 2 tuần thực hiện phương thức “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 điểm đến” theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố.

Chưa bao giờ doanh nghiệp lại phải đối mặt với những áp lực khó khăn lớn như hiện nay, vừa phải ứng phó với việc đứt gãy chuỗi cung ứng, bất cập trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa vừa phải đảm bảo đời sống, sinh hoạt hàng ngày cho người lao động.

[Chỉ nên thực hiện "3 tại chỗ" ở nơi dịch bệnh vẫn kiểm soát được]

Theo ông Chu Tiến Dũng, để thực hiện “3 tại chỗ” hay “1 cung đường-2 điểm đến” là sự nỗ lực rất lớn của cả doanh nghiệp và người lao động nhằm thích nghi với điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp và thực hiện song song hai mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho người dân và duy trì sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh rất nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

Ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí-Điện Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết với việc dịch COVID-19 lây lan rất nhanh trong cộng đồng và các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông công nhân, việc áp dụng phương thức sản xuất-cách ly theo phương châm “3 tại chỗ" là giải pháp câng thiết để thiết lập các “vùng xanh” duy trì hoạt động sản xuất, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa.

Tuy nhiên, theo ông Đoàn Võ Khang Duy, đây chỉ là giải pháp tình thế và có thể duy trì tối đa khoảng 1 tháng vì suy cho cùng, các công ty, nhà máy chỉ được thiết kế để phục vụ hoạt động sản xuất, không có chức năng nhà ở hay sinh hoạt cho người lao động.

Để đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ,” nhiều doanh nghiệp phải cơi nới, tận dụng tối đa các diện tích để người lao động có thể ở lại vừa sản xuất, vừa cách ly tại chỗ, nhưng qua hơn 2 tuần đã phát sinh các vấn đề về điều kiện an toàn, vệ sinh và tâm lý bất ổn trong người lao động.

Mặt khác, chi phí duy trì “3 tại chỗ” hiện nay quá cao, doanh nghiệp vừa phải trang bị cơ sở vật chất sinh hoạt, vừa phải lo ăn uống ngày 3 bữa và xét nghiệm COVID-19 định kỳ cho người lao động. Đây là gánh nặng không nhỏ đối với nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiệu quả kinh doanh bị hạn chế.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean, thông tin ngành dệt may là một trong những ngành đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn và sử dụng lực lượng lao động đông đảo. Do đó, trong mọi hoàn cảnh, các doanh nghiệp luôn cố gắng để duy trì hoạt động sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng doanh nghiệp ngành dêt may đáp ứng được tiêu chí “3 tại chỗ” hay “1 cung đường-2 điểm đến” rất ít. Ngay cả các doanh nghiệp đáp ứng được và đang sản xuất cũng chỉ bố trí sản xuất cho 35-50% số lao động để đảm bảo giãn cách và thực hiện 5K. Điều này khiến công suất sản xuất giảm đáng kể, khó đáp ứng đúng tiến độ giao hàng cho các hợp đồng đã ký.

Một vấn đề khiến cả người lao động và doanh nghiệp lo lắng là thông tin dịch bệnh đang rất nhiễu, cộng với việc nhiều địa phương bắt đầu thực hiện đưa người lao dộng trở về quê tránh dịch.

Một số người lao động đang sản xuất trong nhà máy, nhưng có tâm lý muốn về quê vì sợ dịch kéo dài, trong khi doanh nghiệp đứng trước tình trạng thiếu hụt lao động trong và sau khi dịch được kiểm soát.

Cần phương án linh hoạt hơn

Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên các doanh nghiệp kiến nghị cần có những phương án linh hoạt hơn trong việc thực hiện mục tiêu duy trì sản xuất.

Ông Đoàn Võ Duy Khang cho rằng không thể áp dụng “3 tại chỗ” trong bối cảnh công tác kiểm soát dịch COVID-19 kéo dài quá lâu. Điều này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, tâm lý của người lao động.

Cần mở rộng các biện pháp phòng chống dịch bằng cơ chế ưu tiên vaccine, phủ rộng phương pháp test nhanh sàng lọc, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý lao động thay vì cách ly cơ học như hiện nay.

Dịch COVID-19: Linh hoạt hơn phương án duy trì sản xuất '3 tại chỗ' ảnh 2Một góc nghỉ ngơi sau giờ làm tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Foster (Việt Nam) chuyên sản xuất linh kiện điện tử có vốn đầu tư nước ngoài đóng nhà máy tại đường số 5, khu công nghiệp Việt Nam-Singapore II (phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) thực hiện 3 tại chỗ cho 700 người lao động. (Ảnh: TTXVN phát)

“Doanh nghiệp dù có thực hiện '3 tại chỗ' vẫn có những bộ phận phải thường xuyên tương tác, tiếp xúc bên ngoài nên cần ưu tiên tiêm vaccine cho lao động tại các doanh nghiệp này. Khi đã tiêm vaccine, ngành y tế có cơ chế đánh giá nguy cơ giữa nhóm đã tiêm và chưa tiêm, tránh việc cách ly toàn bộ đối tượng F1, F2 đã được tiêm vaccine nhằm duy trì nguồn nhân lực cho sản xuất. Suy cho cùng, bản thân mỗi doanh nghiệp ý thức rõ nhất về thiệt hại khi xảy ra dịch bệnh. Vì vậy, cần có cơ chế trao quyền kiểm soát và tự chịu trách nhiệm đối với việc phòng, chống dịch trong doanh nghiệp cho doanh nghiệp,” ông Khang đề xuất.

Ông Phạm Văn Việt nhấn mạnh việc kéo dài sản xuất “3 tại chỗ” phát sinh nhiều vấn đề mà người quản lý chưa từng trải qua, không chỉ lo ăn, ở mà còn phải thường xuyên nắm bắt tâm lý, nhu cầu tinh thần của người lao động. Do đó, doanh nghiệp đề xuất được áp dụng linh hoạt về thời gian giãn ca, thay ca luân phiên giữa các nhóm người lao động trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh trong doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan chức năng xây dựng lại bộ tiêu chí “3 tại chỗ” phù hợp với đặc thù từng ngành nghề nếu phải áp dụng trong thời gian dài.

Ngoài ra, ông Phạm Văn Việt cũng kiến nghị ngành y tế sớm hướng dẫn quy trình xử lý cụ thể hơn trong trường hợp doanh nghiệp “3 tại chỗ,” nhưng xuất hiện ca nhiễm COVID-19 vì hiện nay có một số doanh nghiệp vẫn đang lúng túng khi xảy ra sự cố.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, hiện nay lượng thông tin trên các kênh mạng xã hội rất nhiễu loạn, ảnh hưởng lớn đến tinh thần của người lao động.

Do vậy, Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh thông tin qua các sản phẩm truyền thông chính thống, phục vụ tuyên truyền cho người lao động trong các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ,” giúp người lao động yên tâm sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục