Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Tin tức trong ngành

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Chắt lọc thông tin và tuyệt đối tuân thủ 5K


(30/07/2021 13:01:37)

Khi có sự kiện xảy ra, phóng viên phải thường xuyên tiếp cận các nguồn tin để có được những thông tin chuẩn xác nhất. Chính vì thế, khi dịch COVID-19 bùng phát, phóng viên phụ trách mảng y tế và thời sự luôn phải túc trực tại những điểm nóng, các khu cách ly, khu vực bị phong tỏa hay những bệnh viện thu dung điều trị để chuyển tải những thông tin nóng hổi nhất đến công chúng.

Chạy đua với dịch

Gần cuối tháng 4/2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố trong nước và các nước láng giềng đã đặt TP. Hồ Chí Minh vào tình trạng “báo động đỏ”. Phóng viên chúng tôi cũng phải bật chế độ sẵn sàng “chạy” bất kể giờ giấc để kịp thời đưa những thông tin nhanh, chính xác nhất về công tác phòng, chống dịch bệnh tại thành phố.

Sau nhiều tháng không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng, đến ngày 18/5, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại một chung cư ở TP. Thủ Đức. Kể từ thời điểm ấy, chúng tôi không được phép rời khỏi điện thoại và máy tính. Thông tin phải được cập nhật liên tục và nhanh chóng, bởi chỉ cần “chậm một nhịp”, những thông tin đó sẽ không còn phù hợp và giá trị.
 

Phóng viên báo Tin tức-TTXVN Đan Phương tác nghiệp ở nhà máy sản xuất vaccine COVID-19 trong khu công nghệ cao, TP. Thủ Đức, tháng 6/2021

Tôi còn nhớ, gần 10 giờ sáng hôm đó, khi vừa kết thúc cuộc phỏng vấn, tôi mở điện thoại và nhận được hàng loạt tin nhắn của các đồng nghiệp về việc chuẩn bị phong tỏa một chung cư ở TP. Thủ Đức. Đi theo hướng dẫn của Google Map, 30 phút sau, tôi có mặt tại khu vực bị phong tỏa. Sau khi ghi nhận thông tin và hình ảnh ban đầu, chúng tôi thực hiện bản tin ngay tại khu vực bị phong tỏa rồi gửi về tòa soạn để kịp thời thông tin nhanh nhất đến độc giả. Sau đó, tôi tiếp tục ở lại hiện trường để ghi nhận công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cũng như đời sống cho hàng ngàn dân cư ở khu vực bị phong tỏa và truy vết dịch tễ của các trường hợp nghi mắc COVID-19.

Những ngày sau đó, TP. Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng với nhiều khu vực bị phong tỏa và đỉnh điểm là đêm 26/5, lần đầu tiên TP. Hồ Chí Minh ghi nhận liên tiếp 3 trường hợp mắc COVID-19 được phát hiện qua khám sàng lọc tại một bệnh viện. Đây là những ca chỉ điểm đầu tiên của chuỗi lây nhiễm liên quan đến điểm nhóm “Hội thánh truyền giáo Phục Hưng” (quận Gò Vấp) và cũng là chuỗi lây phức tạp nhất tại thành phố với hàng trăm ca mắc. Đêm hôm đó, tôi và các đồng nghiệp đã phải thức đến 1-2 giờ sáng để chờ thông tin chính thức từ ngành y tế và tiếp tục cập nhật thông tin, “chạy” đến hiện trường lúc 6 giờ sáng.

Sáng 27/5, tôi có mặt tại hiện trường phong tỏa là nơi sinh hoạt của điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng và đi theo nhân viên y tế quận Gò Vấp để ghi nhận thông tin truy vết ca bệnh. Vì không có địa chỉ cụ thể của các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh nên tôi phải chạy theo xe của nhân viên y tế và cố gắng làm sao để không bị lạc mất.

Thời điểm này, lượng thông tin liên tục đổ về với nhiều điểm phong tỏa từ các hộ gia đình, công ty, siêu thị cho đến bệnh viện cần phải xác minh, cùng những thông tin chỉ đạo mới nhất của thành phố. Đến khi tạm xong công việc, tôi về đến nhà cũng đã 10 giờ tối với một cái bụng trống rỗng. Dù khá mệt sau một ngày chạy gần 100 cây số, bị dính mưa và đói, nhưng việc quan trọng đầu tiên khi về đến nhà là phải nhanh chóng rửa tay và thay quần áo rồi mới bắt đầu bữa tối muộn.
 
Tỉnh táo, kịp thời phản bác thông tin giả

So với những đợt dịch trước, đợt dịch lần thứ 4 tại TP. Hồ Chí Minh phức tạp hơn rất nhiều, với số ca mắc và tử vong dẫn đầu cả nước, trên 50.000 trường hợp mắc COVID-19 (tính đến ngày 24/7). Thành phố thực hiện Chỉ thị 16 và có những quận huyện phải phong tỏa nhiều phường. Trong điều kiện phải hạn chế tiếp xúc, phương thức tác nghiệp của phóng viên cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế.

Chúng tôi đã tận dụng tiện ích của Internet để tác nghiệp, tận dụng mạng xã hội, liên hệ từ xa để nắm thông tin… Bên cạnh việc có mặt tại hiện trường ghi nhận thông tin, tôi còn tham gia các buổi họp trực tuyến tại Trung tâm báo chí TP. Hồ Chí Minh. Đây là hình thức thông tin đặc biệt trong thời điểm các đợt dịch COVID-19 liên tiếp bùng phát.

Thông tin dịch COVID-19 được đánh giá là khá nhạy cảm, vì vậy, bên cạnh việc đảm bảo thông tin nhanh và chính xác, chúng tôi cần chắt lọc, truyền tải nội dung sao cho phù hợp, tránh làm người dân hoang mang, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
 
Phóng viên Đan Phương (bên phải) cập nhật thông tin ngay tại khu phong tỏa chung cư Sunview, TP. Thủ Đức, tháng 5/2021

Là phóng viên báo Tin tức - kênh thông tin của Chính phủ do Thông tấn xã Việt Nam phát hành - chúng tôi luôn xác định đưa tin sao cho phù hợp, không gây hoang mang dư luận, giúp mọi người nhận thức đúng về dịch bệnh, không chủ quan và sẵn sàng cùng với Chính phủ chung tay phòng, chống dịch bệnh.

Với sự phát triển của mạng xã hội, chúng tôi thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn tin mách bảo nhưng nếu không tỉnh táo cũng dễ bị “sập bẫy” tin giả. Thời điểm này, thông tin giả về dịch bệnh lan truyền và gây tác hại không kém virus SARS-CoV-2. Vì thế, chúng tôi không chỉ thận trọng trong tiếp cận nguồn tin, kiểm chứng và sử dụng đa dạng các nguồn tin mà còn phải nhanh chóng tìm ra chân tướng để kịp thời phản bác lại thông tin xuyên tạc đang phát tán trên mạng xã hội, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch và an ninh trật tự.

Tình hình dịch bệnh tại thành phố vẫn đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng Delta với tốc độ siêu lây nhiễm, khiến bất kỳ ai cũng có thể trở thành F0, F1, nhất là phóng viên thường xuyên tác nghiệp tại các khu vực cách ly, phong tỏa. Dù có đôi chút lo lắng nhưng tôi và nhiều đồng nghiệp khác chưa khi nào ngần ngại khi đến những điểm nóng của dịch bệnh để tác nghiệp. Điều chúng tôi thấy áy náy nhất chính là làm “phiền” đến đội ngũ nhân viên y tế, khiến họ phải bớt chút thời gian nghỉ ngơi quý báu để trả lời những cuộc phỏng vấn.

Khi tác nghiệp ở những điểm nóng dịch bệnh, dù đang say sưa tác nghiệp, chúng tôi cũng không quên tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của nhân viên y tế, bởi chỉ một sơ suất của mình cũng sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của đơn vị mình đến liên hệ công tác. Thiết bị tác nghiệp của phóng viên y tế lúc này không chỉ có máy tính, điện thoại, máy ảnh mà còn cần cả khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn và đồ bảo hộ để lúc nào cũng có thể sẵn sàng đi đến tâm dịch./.

Đan Phương - Phóng viên báo Tin tức tại TP. Hồ Chí Minh
Nội san thông tấn số 7/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Bệnh viện dã chiến - Y bác sỹ vừa điều trị vừa phục vụ người nhiễm COVID-19 (30/07/2021 12:52:50)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Hai tuần giữa tâm dịch  (30/07/2021 12:46:10)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: ITAXA - Đảm bảo sản xuất để dòng tin không “đứt gãy” (30/07/2021 12:43:29)

Những trải nghiệm đầy kịch tính (30/07/2021 11:49:51)

Bạo loạn chưa qua COVID đã đến (30/07/2021 11:31:14)

Nhà xuất bản Thông tấn: Dấu ấn hai mươi năm (30/07/2021 11:23:05)

Giải vô địch bóng đá châu Âu 2020: Kỳ EURO đặc biệt nhất! (30/07/2021 11:20:18)

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 (29/07/2021 16:50:26)

Hoàn thiện hơn 1.000 hồ sơ đổi thẻ và kết nạp hội viên mới (29/07/2021 16:48:19)

Giới thiệu bộ ảnh vinh danh các liệt sỹ Thông tấn (29/07/2021 16:47:21)