Nhật hỗ trợ hệ thống ngăn ngừa nhiễm HIV mới tại Việt Nam

Mục tiêu của Dự án sẽ hỗ trợ ngăn chặn các ca nhiễm mới và nguy cơ lây lan HIV tại Việt Nam, từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2024.
Nhật hỗ trợ hệ thống ngăn ngừa nhiễm HIV mới tại Việt Nam ảnh 1Hình ảnh buổi lễ ký kết hợp tác. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 1/11, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương đã ký kết Biên bản dự án hợp tác kỹ thuật “Thiết lập hệ thống phản hồi thông tin từ phòng thí nghiệm tới người bệnh vì một chương trình kháng virus (ARV) bền vững và ngăn ngừa nhiễm HIV mới tại Việt Nam.”

Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2024.

[Dịch HIV/AIDS vẫn chưa ổn định, có nhiều nguy cơ trở lại]

Nội dung dự án gồm Kiểm chứng hiệu quả công tác điều trị bệnh nhân HIV bền vững trong hệ thống y tế ở Việt Nam, và kiểm nghiệm hiệu quả dự phòng trước phơi nhiễm nhằm ngăn ngừa trường hợp nhiễm HIV mới, góp phần giảm số lượng người nhiễm HIV mới.

Theo ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 250.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng và mỗi năm có gần 14.000 trường hợp nhiễm mới HIV, đứng thứ tư trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Mục tiêu của Dự án sẽ hỗ trợ ngăn chặn các ca nhiễm mới và nguy cơ lây lan HIV tại Việt Nam.

Dự án hỗ trợ bằng cách xây dựng hệ thống kết nối giữa Bệnh viện Trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh để theo dõi tình hình điều trị HIV, từ đó phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm HIV mới, chẩn đoán sớm thất bại điều trị và đột biến kháng thuốc. Thiết lập hệ thống giám sát dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) qua đó đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam.

Hiện nay, kinh phí chi cho thuốc điều trị và một số xét nghiệm phục vụ theo dõi điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS ở Việt Nam tại các bệnh viện trung ương đang được cung cấp miễn phí thông qua các nguồn tài trợ quốc tế. Tuy nhiên, khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, nguồn viện trợ từ các dự án quốc tế đã, đang và tiếp tục bị cắt giảm. Việc điều trị sẽ do bảo hiểm y tế chi trả và được tiến hành tại các trung tâm y tế địa phương trong khi nhiều trung tâm y tế địa phương chưa được tiếp xúc nhiều với điều trị HIV.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân phải tự chi trả một phần kinh phí điều trị. Điều này có thể ảnh hưởng tới tuân thủ điều trị của người bệnh dẫn đến virus bùng phát và kháng thuốc, nguy cơ lây lan virus HIV kháng thuốc trong cộng đồng cao, thất bại mục tiêu 90-90-90 và khó thể đẩy lùi được đại dịch HIV/AIDS.

Về mặt dự phòng, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2018-2020. Kế hoạch sẽ được triển khai tại Hà Nội và một số tỉnh thành trên cả nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục