Mưa lớn kèm dông lốc gây nhiều thiệt hại tại Kiên Giang

Dông lốc, gió giật mạnh tại Kiên Giang đã làm đổ sập hoàn toàn 34 nhà, tốc mái 74 căn nhà của người dân; 4 người bị thương nặng, nhiều diện tích lúa, rau, hoa quả bị thiệt hại.
Mưa lớn kèm dông lốc gây nhiều thiệt hại tại Kiên Giang ảnh 1Nhiều nhà bị sập và tốc mái trên địa bàn huyện Giồng Riềng. (Ảnh: TTXVN phát)

Từ ngày 21-27/7, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ mạnh nên tại hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã xảy ra mưa lớn và kèm theo dông lốc, gió gật mạnh, gây thiệt hại về tài sản của nhân dân.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, dông lốc, gió giật mạnh xuất hiện đã làm đổ sập hoàn toàn 34 nhà, tốc mái 74 căn nhà của người dân ở các huyện Giồng Riềng, An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận, Hòn Đất, Tân Hiệp, Kiên Lương, Kiên Hải và 2 thành phố Rạch Giá, Phú Quốc.

Tại xã Đông Yên (huyện An Biên), dông lốc gây chập điện làm cháy một nhà dân. Trên địa bàn huyện Giồng Riềng, dông lốc làm 15 người bị thương, trong đó có 4 người bị thương nặng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu, điều trị.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện này còn có hơn 4,2ha vườn cây ăn quả bị thiệt hại từ 50-80%, khoảng 1,3 ha hoa màu thiệt hại 100%, nhiều diện tích lúa Hè Thu sắp thu hoạch đổ sập, rụng bông.

[Mưa dông làm nhiều nhà sập, tốc mái tại Cần Thơ và Hậu Giang]

Sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ giúp người dân dựng lại nơi ở tạm thời, dọn dẹp cây cối gãy, đổ và hỗ trợ tiền, thăm hỏi, động viên người dân sớm ổn định cuộc sống.

Ngành chức năng rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại, trình cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

Từ đầu năm đến nay, tại Kiên Giang, dông lốc, gió giật mạnh đã làm sập 98 nhà, tốc mái 152 căn nhà, bị thương 16 người, tử vong 2 người và thiệt hại nhiều tài sản khác của người dân.

Trước tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn diễn biến phức tạp và khó lường, nhất là vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão, Kiên Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai phù hợp với thực thế địa phương.

Cụ thể là triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ an toàn sản xuất lúa Hè Thu giai đoạn thu hoạch, lúa Thu Đông đang xuống giống và nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” kết hợp theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo thời tiết để chủ động ứng phó.

Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục