Việt Nam-Hàn Quốc tìm phương án quản lý bản quyền trong môi trường số

Ông Kim Chan Dong (Ủy ban bản quyền tác giả Hàn Quốc) cho rằng hiện nay, ở Hàn Quốc và Việt Nam đều gia tăng hiện tượng lan tràn các kênh phân phối, sao chép bất hợp pháp trên mạng kỹ thuật số.
Việt Nam-Hàn Quốc tìm phương án quản lý bản quyền trong môi trường số ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TechSignin)

Ngày 31/10, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn bản quyền Việt Nam-Hàn Quốc 2018 nhằm trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến việc quản lý bản quyền trong môi trường số.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết Diễn đàn lần này là dịp để đánh giá thực trạng vấn đề bản quyền ở Việt Nam, việc thực thi chính sách pháp luật về bản quyền và tiếp thu kinh nghiệm của Hàn Quốc - một đất nước phát triển vượt trội về công nghiệp văn hóa, đã có hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến bản quyền tương đối hoàn thiện.

Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Việt Nam đã có khung pháp lý cơ bản để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, có chiến lược quốc gia phát triển quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời, tham gia vào các hiệp định quốc tế về bảo vệ sở hữu trí tuệ. Việt Nam cũng đã có hoạt động thúc đẩy, nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng trong bảo vệ quyền tác giả, thiếu các biện pháp giải quyết xâm phạm quyền trực tuyến. Quá trình thực thi, bảo đảm quyền còn yếu, các biện pháp phạt vi phạm không đủ mạnh và công tác quản lý kém hiệu quả.

Những khó khăn, tồn tại này cần sớm được khắc phục bằng việc bổ sung, điều chỉnh kịp thời các quan hệ pháp luật mới, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế; tăng cường giám sát cũng như năng lực quản lý để bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan.

Chia sẻ về thực trạng, chính sách pháp luật góp phần phát triển ngành công nghiệp bản quyền, ông Kim Chan Dong (Ủy ban bản quyền tác giả Hàn Quốc) cho rằng hiện nay, ở Hàn Quốc và Việt Nam đều gia tăng hiện tượng lan tràn các kênh phân phối, sao chép bất hợp pháp trên mạng kỹ thuật số. Tốc độ phát triển công nghệ ngày càng tăng nhanh đã làm phát sinh khoảng cách giữa thực tế về bản quyền với các quy định pháp luật liên quan.

['Hiến kế' chặn đứng dòng tiền 'bơm' vào các website vi phạm bản quyền]

Sự phát triển của Internet vạn vật kết nối đã khiến ranh giới của việc sử dụng các nội dung văn hóa bằng phương tiện kỹ thuật số dần trở nên không rõ ràng.

Để ứng phó với vấn đề vi phạm bản quyền trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ năm 2015, Hàn Quốc đã có nghiên cứu cơ bản để xây dựng phương án chính sách về bản quyền trong tương lai; vận hành nhóm nghiên cứu về bản quyền và nghiên cứu ứng phó với sự thay đổi của công nghệ.

Ông Kim Chan Dong đề xuất Hàn Quốc và Việt Nam cần tăng cường hợp tác đào tạo, quảng bá về bảo vệ bản quyền; xây dựng hệ thống hợp tác chặt chẽ giữa hai chính phủ. Đồng thời, hai bên cần tạo dựng môi trường khai thác tác phẩm thông qua hợp tác với Tổ chức quản lý tập trung bản quyền (CMO).

Đề cập sâu hơn về bảo vệ bản quyền nội dung phát sóng, ông Lee Chang Hun, Phó Giám đốc Đài MBC (Hàn Quốc) chia sẻ do sự phát triển của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, số lượt theo dõi không theo thời gian thực của khán giả ngày càng gia tăng mạnh mẽ dẫn đến sự cạnh tranh giữa nội dung hợp pháp và nội dung lậu.

Theo kết quả điều tra về số lượt tìm kiếm tivi kỹ thuật số, Hàn Quốc nằm trong số 5 quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất từ việc xâm phạm bất hợp pháp, ước tính lên tới hơn 1.000 tỷ won. Kết quả nghiên cứu thực tiễn của MBC năm 2016 cho thấy số lượt sử dụng lậu nhiều gấp 3 lần so với số lượt sử dụng hợp pháp.

Để ứng phó với vấn đề này, Hàn Quốc đã thành lập Hiệp hội bản quyền tại nước ngoài để liên kết ứng phó; giám sát tổng hợp các trang web lậu, các tác phẩm phát sóng lậu và chặn nguồn lợi nhuận trên các trang web lậu.

Ông Nguyễn Thanh Vân, Trưởng bộ phận sở hữu trí tuệ-Ban kiểm tra Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cũng cho biết về những thách thức mà VTV đang phải đối mặt liên quan đến vấn đề vi phạm bản quyền như sử dụng chương trình truyền hình mà không xin phép.

Các chương trình truyền hình bị sao chép và phát tràn lan trên Internet, in thành băng đĩa bán trên thị trường. Nhiều chương trình VTV phải mua bản quyền với chi phí lớn nhưng bị các đài khác thu lại để phát sóng mà không trả phí bản quyền... Vì vậy, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật về bảo vệ bản quyền là rất cần thiết.

Các cơ quan chức năng cần công bố vi phạm và tạo dư luận tẩy chay các sản phẩm vi phạm cũng như có các biện pháp xử lý đủ sức răn đe./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục