NATO quay trở lại cuộc săn tàu ngầm Nga

Tại một góc sân bay quốc tế chính của Iceland, phi cơ các quốc gia thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tăng cường xuất kích săn tàu ngầm của Nga.

Đô đốc James G. Foggo III, chỉ huy lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu nói rằng các tàu ngầm Nga đã tăng cường hiện diện tại vùng biển Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực.

Chú thích ảnh
Đô đốc James G. Foggo trên tàu USS Iwo Jima tập trận tại Iceland. Ảnh: CNN

Kênh CNN (Mỹ) ngày 25/10 dẫn lời Đô đốc James G. Foggo III nói: “Các tàu ngầm Nga gia tăng số lượng và mở rộng phạm vi hoạt động ở những nơi họ chưa từng tới’. Ông Foggo cho biết các tàu ngầm Nga hiện là “cơn đau đầu” đối với các lãnh đạo NATO.

Ông Foggo đánh giá Nga có thể đang có hơn 40 tàu ngầm, trong đó 20 chiếc thuộc Hạm đội phương Bắc, hoạt động được tại vùng Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực. Đô đốc Foggo cũng cho rằng thế hệ tàu ngầm mới của Nga khá nguy hiểm. Ví dụ như tàu ngầm lớp Borei hoạt động khá yên lặng, dùng năng lượng hạt nhân và có thể phóng được tên lửa đạn đạo.

Căn cứ quân sự Mỹ tại Iceland được thành lập vào năm 1951 và đã ngưng hoạt động từ năm 2006 khi NATO chuyển hướng tập trung từ Nam châu Âu sang Địa Trung Hải. Nhưng thời gian qua, khi lo ngại về các tàu ngầm Nga, quân đội Mỹ đã quay trở lại Iceland.

Để thực hiện quãng đường từ căn cứ ở Bắc Cực tới Đại Tây Dương, các tàu ngầm Nga thường buộc phải đi qua Iceland.

Để theo dõi tàu ngầm Nga, các máy bay NATO đã liên tục xuất kích từ căn cứ Mỹ nằm trong sân bay quốc tế Keflavik. Ngoại trưởng Iceland Thór Thórdarson trong tháng 1 đã phát biểu rằng máy bay của NATO trong 153 ngày năm 2017 đã cất cánh từ Keflavik. Mỹ đã chi 34 triệu USD để nâng cấp cơ sở ở Keflavik, tạo điều kiện cho Hải quân quốc gia này triển khai máy bay P-8 Poseidon và chiến đấu cơ chống ngầm thường xuyên hơn.

Chú thích ảnh
NATO lo ngại về sự hiện diện của các tàu ngầm Nga. Ảnh: Reuters

Ngày 25/10, NATO đã khởi động cuộc tập trận Trident Juncture lớn nhất trong nhiều thập niên qua của khối này với 50.000 binh sĩ, 10.000 xe quân sự, 250 chiến đấu cơ và 65 chiến hạm.

Ông Foggo khẳng định cuộc tập trận Trident Juncture sẽ không đe dọa tới Nga và lực lượng của NATO ở địa điểm cách vị trí quân đội Nga tới hơn 700km. NATO thậm chí còn mời các nhà quan sát Nga và Belarus theo dõi cuộc tập trận.

Giáo sư Carl Schuster tại Đại học Hawaii Pacific (Mỹ) nhận xét: “Ở thời điểm các thành viên NATO giảm số lượng và nhiệm vụ hoạt động các hạm đội thì mối đe dọa từ tàu ngầm Nga bắt đầu xuất hiện”. Ông Carl Schuster cho biết NATO gọi đó là “mối đe dọa nghiêm trọng” bởi khối quân sự này mải quan tâm đến những vấn đề an ninh khác và chỉ đến gần đây mới tập trung đến diễn biến này.

Trong khi đó, Đô đốc Vladimir Komoyedov, cựu chỉ huy Hạm đội Biển Đen chia sẻ với hãng tin TASS: “Tôi tin rằng chất lượng hạm đội Nga hiện nay khá cao nhưng số lượng thì chưa đủ”. Nga còn đang trong quá trình hiện đại hóa nhiều tàu ngầm cũ của quốc gia này.

Kênh CNN cho biết căng thẳng giữa Nga và phương Tây đã lên cao chưa từng có kể từ Chiến tranh Lạnh sau các vụ việc lùm xùm liên quan đến cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt lên Moskva vì sáp nhập Crimea.

Hà Linh/ Báo Tin tức
Trung Quốc nói nếu sợ nghe lén, Tổng thống Trump nên bỏ iPhone dùng Huawei
Trung Quốc nói nếu sợ nghe lén, Tổng thống Trump nên bỏ iPhone dùng Huawei

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thẳng thừng gợi ý rằng nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sợ bị nước ngoài nghe lén thì hãy dùng điện thoại Huawei thay vì iPhone.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN