Tổng hợp COVID-19 từ ngày 14-20/6: Số ca nhiễm bệnh tăng cao; khẩn trương tiêm vaccine phòng dịch

Trong tuần qua, từ ngày 14-20/6, Việt Nam ghi nhận thêm hơn 2.790 người mắc COVID-19 mới, 7 người tử vong trên nền bệnh nặng; TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện giãn cách 14 ngày theo Chỉ thị 15 và áp dụng một số điểm theo Chỉ thị 16; TP Hồ Chí Minh tiếp nhận 786.000/1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Nhật Bản; Cảnh báo về lừa đảo, giả mạo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19... là những thông tin nổi bật.

TP Hồ Chí Minh thêm 14 ngày giãn cách xã hội 

Tối 14/6, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản khẩn về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 15 của Chính phủ; thời gian áp dụng 14 ngày, kể từ 0 giờ ngày 15/6.

Chú thích ảnh
Từ 0 giờ 00 ngày 20/6, TP Hồ Chí Minh sẽ tạm dừng hoạt động chợ tự phát để phòng dịch. Ảnh: Hoàng Tuyết

Phải thêm 14 ngày giãn cách là do tại TP Hồ Chí Minh, biến chủng Delta (tên gọi của biến chủng virus Ấn Độ) có tốc độ lây nhanh khiến nhiều chùm ca bệnh mới xuất hiện. Để khoanh vùng, dập dịch và hạn chế nguồn lây của các chùm ca bệnh mới phát sinh, cần tiếp tục giãn cách xã hội.

Ngoài ra, trong ngày 19/6, UBND TP Hồ Chí Minh cũng liên tục ra các thông báo khẩn về áp dụng Chỉ thị 16 tại một số điểm ở quận Tân Bình và huyện Hóc Môn; đồng thời cấm tụ tập 3 người trở lên; tạm ngưng chợ tự phát; tạm dừng xe buýt, xe khách, taxi, xe hợp đồng công nghệ... kể từ ngày 20/6 nhằm phòng chống dịch hiệu quả. 

Nhật Bản hỗ trợ gần 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 

Trong tuần, Việt Nam đã tiếp nhận miễn phí gần 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Nhật Bản theo giấy phép của hãng AstraZeneca Plc. (Anh). Đây là lô vaccine này được nhập từ nhà sản xuất Daiichi Sankyo Biotech (Nhật Bản) với 966.320 liều.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh: 1.000 liều vaccine đầu tiên trong chiến dịch tiêm chủng này đã được tiêm cho 2 doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao thuộc địa bàn Thành phố Thủ Đức (công ty FPT và công Nipro). Ảnh: Hoàng Tuyết

Cũng trong tuần này, TP Hồ Chí Minh triển khai chiến dịch tiêm Vaccine phòng COVID-19. Đây là chương trình khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay tại TP Hồ Chí Minh, cũng là chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam

Theo đó, TP Hồ Chí Minh có 836.000 liều vaccine trong tổng số 966.320 liều vaccine do Nhật Bản hỗ trợ thực hiện trong chiến dịch này. Vaccine được vận chuyển về kho lạnh của trung tâm trong 3 đợt. Cụ thể, đợt 1 đã vận chuyển về kho lạnh của HCDC 300.000 liều, dự kiến đợt 2 là 300.000 liều và đợt 3 là 286.000 liều.

Theo HCDC, lô vaccine trên đạt yêu cầu về một số thử nghiệm kiểm định theo tiêu chuẩn đăng ký của nhà sản xuất và bảo quản dây chuyền lạnh trong quá trình nhập khẩu, được cấp giấy chứng nhận xuất xưởng của Viện kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, từ ngày 20/6, thành phố triển khai chiến dịch tiêm chủng đợt 4 với số người dự kiến tiêm chủng trong 1 ngày khoảng 200.000 người. Chiến dịch tiêm chủng này dự kiến sẽ kết thúc trước ngày 27/6.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã bước vào tuần lễ thứ 3 giãn cách, đợt dịch thứ 4 này phức tạp hơn các đợt dịch trước. Thành phố sẽ tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng, bao gồm điểm tiêm tại Trung tâm Y tế, Trạm Y tế và các điểm tiêm lưu động.

Có 288.000 liều vaccine COVID-19 được phân bổ về các tỉnh, thành đang có dịch

Theo thông tin từ Bộ Y tế, chiều ngày 16/6, Bộ Y tế đã làm việc với Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC), thống nhất phân bổ lô hàng 288.100 liều vaccine mà Công ty đã nhận được từ AstraZeneca ưu tiên cho các tỉnh đang có dịch COVID-19.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận 161/TB-VPCP ngày 15/6/2021, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về việc mua toàn bộ số lượng vaccine phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca sản xuất theo giá phi lợi nhuận, bao gồm cả 288.000 liều do Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam đã nhận từ Công ty AstraZeneca.

Cảnh báo về lừa đảo, giả mạo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Chú thích ảnh
Người dân chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng đủ điều kiện hoạt động. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Theo Bộ Y tế, hiện nay xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng... Một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vaccine của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa. Người dân cũng nhận được lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 thông qua những hình thức quảng bá.

Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 giải mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, không an toàn, Bộ Y tế khuyến cáo:

Các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 cần tiếp xúc đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, hạn chế thông qua các bên trung gian. Trường hợp qua trung gian phải được xác nhận hoặc ủy quyền của nhà sản xuất. Các loại vaccine phòng COVID-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Tất cả các vaccine đều phải được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh.

Người dân chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng đủ điều kiện hoạt động.

Tuyệt đối không tiêm chủng những loại vaccine phòng COVID-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.

Khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.

Xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho 1.000 người tại sân bay Nội Bài

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương, số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng, tại sân bay Nội Bài, Sở Y tế thành phố đã tổ chức thực hiện phân luồng riêng đối với những người đi từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên.

Trong đó, ngày 16/6, lực lượng chức năng đã lấy 97 mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên. Các mẫu này đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị lấy mẫu liên tục trong vòng một tuần đến 10 ngày tại sân bay với số lượng khoảng 1.000 mẫu.

Thông qua việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc nhanh SARS-CoV-2 ngẫu nhiên sẽ giúp thành phố định hướng công tác phòng dịch đối với những người, nhóm người đi từ các địa phương có nguy cơ về Hà Nội. Bên cạnh đó, thành phố chủ động phát hiện sớm trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và kịp thời có phương án xử lý tích cực, hiệu quả. Ngoài xét nghiệm tại sân bay, thành phố tổ chức xét nghiệm ở các khu, cụm công nghiệp.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sai phạm trong phòng, chống dịch

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, việc áp dụng giãn cách xã hội tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đang được thực hiện nhưng vẫn còn một số tồn tại hạn chế, nhiều trường hợp vi phạm không thực hiện biện pháp 5K trong phòng, chống dịch COVID-19. Vì vậy, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu địa bàn nào để xảy ra sai phạm về công tác phòng dịch, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Chú thích ảnh
UBND TP Hồ Chí Minh họp chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Hoàng Tuyết

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, thời gian qua Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, bước đầu đã kiểm soát được tình hình. Tại các khu vực chợ đầu mối, chợ truyền thống tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Vì vậy, các đơn vị cần tăng cường quản lý, phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn.

Ngoài ra, UBND Thành phố cũng chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích bảo đảm việc thu gom rác thải tại các khu cách ly tập trung, khu vực dân cư bị phong tỏa do có người nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19, phải được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt dành cho chất thải nguy hại, bảo đảm thực hiện thu gom rác thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng tồn đọng rác thải gây nguy hiểm môi trường.

Tập huấn tại 700 điểm cầu về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban An toàn tiêm chủng Bộ Y tế, đằng sau mỗi mũi tiêm là sức khỏe, tính mạng của mỗi con người. Để đảm bảo công tác tiêm chủng, ngành Y tế phải nỗ lực từng khâu từ giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vaccine để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm; đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có). Do đó, các cán bộ y tế phải thực hiện đúng các hướng dẫn chuyên môn, quan tâm đến công tác xử trí, cấp cứu, đảm bảo tiêm mũi nào, an toàn mũi tiêm ấy. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng ban An toàn tiêm chủng của Bộ Y tế đưa ra bài toán: Để đạt được miễn dịch cộng đồng, phải tiêm trên 75% dân số, 100 triệu dân tại Việt Nam phải thực hiện 70-75 triệu người, tương đương với 150 triệu mũi tiêm an toàn.

Chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước đến nay với số lượng lớn vaccine, phải hoàn thành trong năm 2021, thời gian không nhiều, trên diện rộng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đề nghị các tỉnh phải đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng tại địa phương trên nguyên tắc 4 tại chỗ; phải thành lập Ban an toàn tiêm chủng cấp tỉnh với 7 nhiệm vụ và tổ chức đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ kịp thời các điểm tiêm chủng. 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, trong thời gian qua đã ghi nhận một số phản ứng bất lợi, phản vệ độ 3, độ 4 tại một số địa phương và so với thế giới tỷ lệ tai biến tiêm chủng của Việt Nam ở mức thấp, nhưng không được phép chủ quan.

“Ai cũng có thể tiêm được nhưng xử trí cấp cứu chỉ có bác sỹ xử trí được”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh. Hiện hệ thống khám chữa bệnh có 1.400 bệnh viện công, hơn 300 bệnh viện ngoài công lập, 30 phòng khám ngoài công lập, 11.000 trạm y tế, bên cạnh đó hệ thống y tế ngành, Y tế Công an, Y tế Quân đội cũng phải tham gia vào chiến dịch tiêm chủng này. 

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đề nghị các cán bộ y tế phải khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe trước những người được tiêm, tại khu dân cư, công nghiệp, nhà máy… để mỗi mũi tiêm thực hiện đều đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất rủi ro.

Trên 2.790 ca mắc COVID-19 mới trong tuần

Ghi nhận đầu tuần từ ngày 14/6, Việt Nam có 272 ca mắc COVID-19 mới. Đến ngày 20/6, số ca mắc tăng trên 2.790 ca. Riêng trong ngày 20/6, Việt Nam ghi nhận 311 ca mắc COVID-19 mới. 

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: TTXVN

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 20/6, Việt Nam có tổng cộng 11.513 ca ghi nhận trong nước và 1.698 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 9.943 ca, trong đó có 2.445 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 21 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh, Thái Bình, Vĩnh Phúc) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.

Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 2.489.314 xét nghiệm cho 5.566.429 lượt người.

Ngày 20/6, có thêm 175 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Số ca âm tính với SARS-CoV-2 hiện là 53 ca. Số ca điều trị khỏi là 5.229 ca. 

7 trường hợp tử vong trong 1 tuần

Chú thích ảnh
Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: BYT

Đến nay, Việt Nam có số ca tử vong liên quan đến COVID-19 là 66 ca. Tuy nhiên, trong tuần từ ngày 14 -20/6 ghi nhận 7 ca, đều tử vong trên nền bệnh nặng. Riêng trong ngày 20/6, có 2 ca tử vong, là ca tử vong thứ 65 và 66 của Việt Nam. Cụ thể:

Ca tử vong thứ 65: BN4391, nam, 53 tuổi, ở địa chỉ Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Tiền sử: U lympho không Hodgkin từ tháng 9/2020, đã điều trị hóa chất 9 đợt, cao huyết áp.

Bệnh nhân được chẩn đoán mắc COVID-19 khi đang đang điều trị tại Khoa Nội tạo huyết, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều và được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân tử vong lúc 5 giờ 25 phút ngày 19/6. Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi ARDS, COVID-19 trên bệnh nhân mắc U lympho không Hodgkin kháng trị, tăng huyết áp, suy thận.

Ca tử vong thứ 66: BN6043, nam, 80 tuổi, ở địa chỉ Ninh Xá, TP Bắc Ninh. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm, suy thận độ II và hen phế quản điều trị thường xuyên.

Tuy nhiên, do tuổi cao, sức yếu, mắc nhiều bệnh lý nền nặng, bệnh nhân không đáp ứng điều trị, suy đa tạng ngày một nặng. Bệnh nhân tử vong hồi 18 giờ 42 phút ngày 19/6. Chẩn đoán tử vong: Suy đa tạng - viêm phổi ARDS do SARS-CoV-2 trên bệnh nhân suy thận, tăng huyết áp, suy tim, hen phế quản.

Khoảng 8.000 công nhân TP Hồ Chí Minh đã được tiêm vaccine phòng COVID-19

Chiều 20/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trong ngày đầu tiên diễn ra chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đã có khoảng 8.000 người của 8 công ty làm việc tại Quận 7 được tiêm vaccine.

Chú thích ảnh
Trong ngày đầu tiên diễn ra chiến dịch đã có 8 công ty làm việc tại Quận 7 đã được tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Đan Phương

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, Thành phố đã huy động gần 70 đội tiêm chủng thuộc 21 bệnh viện, Trung tâm Y tế để hỗ trợ, mỗi đội tiêm gồm 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng. Mặt khác, có 10 xe cấp cứu chờ sẵn khi cần.

Các điểm tiêm được tổ chức đầy đủ các quy trình từ khai báo y tế, đo nhiệt độ, huyết áp, nhập thông tin, khám sàng lọc, tiêm chủng và khu vực theo dõi sau tiêm 30 phút. Mọi công tác tổ chức được thực hiện theo đúng kế hoạch, đảm bảo chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 diễn ra an toàn và hiệu quả.

Vietnam Airlines vận chuyển an toàn 500.000 liều vaccine về Hà Nội

Chiều 20/6, Vietnam Airlines đã vận chuyển 500.000 liều vaccine COVID-19 an toàn từ Bắc Kinh về Hà Nội trên chuyến bay số hiệu VN1 hạ cánh lúc 15 giờ 10 phút. Đây là số vaccine do Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch. 

Chú thích ảnh
Máy bay vận chuyển thiết bị y tế. 

Bên cạnh vaccine, chuyến bay còn chở theo hơn 2 tấn vật tư tiêm chủng. Vietnam Airlines đã bố trí riêng một chiếc Boeing 787– một trong những tàu bay lớn, hiện đại nhất của hãng để chở lô vaccine và vật tư tiêm chủng này. Mặc dù chuyến bay chỉ chở hàng, không có hành khách, nhưng toàn bộ phi hành đoàn sang Trung Quốc đều được trang bị bảo hộ y tế toàn thân trong suốt hành trình. Sau khi về Việt Nam, tổ bay được kiểm tra sức khỏe, cách ly theo quy định và tàu bay được phun khử khuẩn.

Lô vaccine sẽ là nguồn lực quý giá góp phần giúp Việt Nam đẩy lùi đại dịch. Vietnam Airlines đã bố trí đội ngũ dày dặn kinh nghiệm xử lý hàng hóa y tế để tiếp nhận lô hàng này ở sân bay. Tương tự các lô vắc xin trước đây, toàn bộ vắc xin được lưu trữ trong thùng container lạnh chuyên dụng, được nhân viên hàng hóa giám sát nhiệt độ thường xuyên.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 19/6: Thêm 308 ca mắc mới; một số điểm tạị TP Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16
Tổng hợp COVID-19 ngày 19/6: Thêm 308 ca mắc mới; một số điểm tạị TP Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16

Việt Nam thêm 308 ca mắc COVID-19 mới và 2 bệnh nhân bị tử vong trên nền bệnh nặng; riêng TP Hồ Chí Minh phát hiện 95 ca; từ 0 giờ ngày 20/6 TP Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16 tại một số điểm tại quận Tân Bình và huyện Hóc Môn; khoảng 500 công nhân được ưu tiên chích vaccine phòng COVID-19 trong ngày đầu tiên của Chiến dịch chích vaccine của TP Hồ Chí Minh... là những thông tin nổi bật nhất trong ngày 19/6.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN