Malaysia: Số bệnh nhân COVID-19 phải chăm sóc đặc biệt cao kỷ lục

Thực trạng này khiến mọi người vô cùng lo ngại, cho thấy vấn đề thiếu giường chăm sóc đặc biệt đã tới mức nguy cấp và không phải tất cả các bệnh nhân nặng đều có thể được nằm giường chăm sóc đặc biệt.
Malaysia: Số bệnh nhân COVID-19 phải chăm sóc đặc biệt cao kỷ lục ảnh 1Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 31/5/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 13/6, số bệnh nhân COVID-19 phải chăm sóc đặc biệt ở Malaysia đã lập kỷ lục mới với 917 người, trong đó có 452 người phải dùng máy thở.

Theo số liệu của Bộ Y tế Malaysia, số bệnh nhân COVID-19 phải chăm sóc đặc biệt trong ngày 13/6 tăng thêm 3 trường hợp so với hôm trước. Đáng chú ý, đây là ngày tăng thứ 38 liên tiếp về số bệnh nhân COVID-19 phải chăm sóc đặc biệt.

Trước đó đúng một tuần, khi số bệnh nhân COVID-19 phải chăm sóc đặc biệt cán mốc 890 người, Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cho biết tỷ lệ sử dụng giường chăm sóc đặc biệt ở nước này đã lên tới 104%.

Thực trạng này khiến mọi người vô cùng lo ngại, cho thấy vấn đề thiếu giường chăm sóc đặc biệt đã tới mức nguy cấp và không phải tất cả những bệnh nhân nặng đều có thể được sắp xếp nằm giường chăm sóc đặc biệt.

[Malaysia nghiên cứu phát triển 2 loại vaccine ngừa COVID-19]

Ngày 13/6, Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết nếu số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày giảm xuống mức 4.000 ca, chính phủ nước này sẽ đánh giá lại việc thực hiện lệnh phong tỏa toàn diện.

Theo ông Ismail, lệnh phong tỏa toàn diện thực thi từ ngày 1/6 vừa qua đã đem lại thành quả. Số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày bắt đầu cho thấy xu thế giảm xuống, hy vọng xu hướng tích cực này có thể tiếp tục tới khi Malaysia hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh.

Nếu số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày giảm xuống mức 4.000 ca, Bộ Y tế sẽ tiến hành đánh giá rủi ro và kiến nghị Hội đồng An ninh Quốc gia để có hành động thích hợp.

Tuy nhiên, ông Ismail cho biết việc đánh giá lại không có nghĩa sẽ kết thúc lệnh phong tỏa toàn diện mà là xem xét nới lỏng Trình tự Vận hành tiêu chuẩn (SOP). Ông Ismail cũng kêu gọi người dân tuân thủ SOP vì muốn ngăn chặn dịch bệnh lây lan cần phải có sự hợp tác của mọi tầng lớp nhân dân.

Để kiểm soát dịch bệnh, Malaysia đã thực hiện lệnh phong tỏa toàn diện từ ngày 1-14/6, sau đó kéo dài tới ngày 28/6. Trong những ngày đầu thực hiện lệnh phong tỏa toàn diện số ca nhiễm COVID-19 mới ở Malaysia khoảng 7-8.000 ca/ngày, nhưng sau đó đã giảm xuống 6.000 và 2 ngày qua ở mức trên 5.000 ca/ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục