Phục hồi cuối tuần song Phố Wall vẫn giảm điểm mạnh nhất trong 3 tháng

Cả ba chỉ số chủ chốt của thị trường Mỹ vẫn ghi nhận mức giảm trong cả tuần qua, đánh dấu tuần đi xuống thứ tư liên tiếp, với Dow Jones hạ 1,1% , S&P 500 lùi 1,4% và Nasdaq Composite mất 2,3%.
Phục hồi cuối tuần song Phố Wall vẫn giảm điểm mạnh nhất trong 3 tháng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: CNBC)

Sau khi liên tiếp đi xuống vào đầu tuần, thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi trong hai phiên giao dịch cuối tuần này, do giới đầu tư đã gạt qua một bên những lo ngại về lạm phát để tranh thủ mua vào các cổ phiếu giá hời.

Mặc dù có phiên giao dịch thứ Sáu tăng mạnh mẽ nhưng phố Wall vẫn có tuần giảm điểm mạnh nhất trong gần ba tháng qua.

Đầu tuần, Phố Wall đỏ sàn trong ba phiên giao dịch liên tiếp (ngày 10-12/5), giữa bối cảnh giá hàng hóa gia tăng và sự thiếu hụt lao động làm dấy lên lo ngại rằng việc tăng giá trong ngắn hạn có thể dẫn đến lạm phát trong dài hạn, bất chấp sự trấn an từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Dữ liệu kinh tế được công bố ngày 11/5 từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, số vị trí việc làm cần tuyển dụng tại các công ty Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 3/2021, thêm bằng chứng về tình trạng thiếu lao động được nêu ra trong báo cáo việc làm gây thất vọng vào cuối tuần trước.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại áp lực lạm phát gia tăng có thể khiến Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự đoán, giảm nguồn cung vốn giá rẻ đã từng cung cấp lực đẩy cho các thị trường tài chính đi lên.

[Chỉ số Nasdaq giảm mạnh sau bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ]

Phó Chủ tịch Fed, Richard Clarida, thừa nhận ông "ngạc nhiên" với đà tăng của giá hàng hóa tại Mỹ, đồng thời cho biết ngân hàng trung ương sẵn sàng hành động nếu cần để kiềm chế giá.

Tuy nhiên, những lo ngại về lạm phát dường như đang yếu đi, với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có xu hướng giảm, qua đó thúc đẩy thị trường cổ phiếu phục hồi trong hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần này.

Đà tăng của Phố Wall vào cuối tuần này cũng hòa theo xu hướng chung của thị trường chứng khoán toàn cầu, khi các nhà đầu tư lo ngại rằng giá cả tăng có thể khiến Fed tăng lãi suất sớm hơn dự kiến và giảm lượng tiền mặt vốn thúc đẩy thị trường tài chính.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/5, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 360,68 điểm (tương đương 1,1%) lên 34.382,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1,5% lên 4,173.85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 2,3% lên 13.429,98 điểm.

Tuy nhiên, cả ba chỉ số chủ chốt này vẫn ghi nhận mức giảm trong cả tuần qua, đánh dấu tuần đi xuống thứ tư liên tiếp của thị trường này, với Dow Jones hạ 1,1% , S&P 500 lùi 1,4% và Nasdaq Composite mất 2,3% - mức giảm chưa từng thấy kể từ ngày 26/2.

Báo cáo ngày 14/5 của Bộ Thương mại Mỹ cho hay, doanh số bán lẻ trong tháng 4/2021 không đổi so với tháng trước đó. Nếu loại trừ mặt hàng ô tô và nhiên liệu dễ biến động, doanh số bán lẻ trong tháng 4/201 của Mỹ giảm 0,8% so với tháng Ba.

Trong khi đó, khảo sát mới nhất về lòng tin người tiêu dùng từ Đại học Michigan cũng thấp hơn dự kiến, với chỉ số này chỉ đạt 82,8, so với dự báo là 90.

Tim Ghriskey, chiến lược gia đầu tư tại Inverness Counsel cảnh báo rằng, rủi ro lạm phát là "có thật" và thị trường tài chính có thể sẽ bị biến động trong một thời gian.

Những cổ phiếu có liên quan nhiều nhất đến sự phục hồi kinh tế tiếp tục tăng vào phiên cuối tuần, sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nói rằng nhìn chung, những người được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ không cần đeo khẩu trang ở trong nhà hoặc ngoài trời.

Cổ phiếu United Airlines và American Airlines đều tăng hơn 5%. Cổ phiếu Carnival và Norwegian Cruise Line cũng đều tăng hơn 8%, còn cổ phiếu Royal Caribbean cộng hơn 7%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục