Bốn lý do tạo ra khoảng cách về tăng trưởng giữa Mỹ và EU

Theo nhận định của tờ Les Echos (Pháp), trong thời kỳ đại dịch, cuộc chạy đua về kinh tế giữa Mỹ và EU vẫn tiếp tục. Và châu Âu tiếp tục thua trên diện rộng.
Bốn lý do tạo ra khoảng cách về tăng trưởng giữa Mỹ và EU ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: eeas.europa.eu)

Nếu tốc độ tăng trưởng ở Mỹ nhanh hơn ở châu Âu, thì đó không chỉ là bởi Mỹ đang chi tiêu nhiều hơn mà còn là do nước này dốc hết sức để tăng tốc chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Liên minh châu Âu (EU) đang tụt hậu trên cả hai mặt trận thiết yếu này.

Theo nhận định của tờ Les Echos (Pháp), trong thời kỳ đại dịch, cuộc chạy đua về kinh tế giữa Mỹ và EU vẫn tiếp tục. Và châu Âu tiếp tục thua trên diện rộng.

Vào năm 2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) bị sụt giảm gấp đôi so với Mỹ.

[Mỹ lúng túng trong “sửa chữa” mối quan hệ với đồng minh châu Âu]

Năm 2021, mức tăng trưởng kinh tế của khu vực này có thể đạt 4,6%, thấp hơn so với mức 6,6% của Mỹ, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF, cho biết Mỹ là “cường quốc duy nhất vượt mức GDP mà nước này dự kiến sẽ đạt được vào năm 2022 nếu đại dịch không bùng phát.”

Tất nhiên, GDP của Khu vực đồng euro cũng sẽ tăng "nhưng với tốc độ chậm hơn."

Khoảng cách này đến từ đâu khi mà các chuyên gia ước tính vào thời điểm bắt đầu xảy ra dịch COVID-19, mô hình kinh tế và xã hội châu Âu có khả năng chống chọi tốt hơn Mỹ trước cú sốc y tế lớn như vậy?

Lý do trước tiên đến từ sự lựa chọn cách thức đối phó với COVID-19. Tính đến giữa tháng 4/2021, số người tử vong vì đại dịch COVID-19 ở Mỹ là 560.000 người, và con số này ở EU là 650.000 trường hợp tử vong.

Như vậy tỷ lệ trên một triệu dân là 1.700 người chết ở Mỹ và 1.450 người chết ở EU, với chênh lệch 17%. Song con số này có thể thu hẹp bởi tốc độ tiêm chủng ở Mỹ nhanh hơn nhiều so với ở châu Âu.

Trong khi đó, châu Âu có nguy cơ ghi nhận thêm nhiều nạn nhân thiệt mạng với số ca mắc mới tăng cao trong làn sóng dịch bệnh thứ ba.

Lý do thứ hai rất rõ ràng và tồn tại từ rất lâu trước khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện.

Kể từ những năm 1980, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhanh hơn châu Âu. Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, với đỉnh điểm là vụ phá sản của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers, sản xuất ở Mỹ đã sụt giảm ít hơn so với Eurozone và nhanh chóng tăng tốc trở lại.

Kể từ khi đồng euro ra đời, các quốc gia sử dụng đồng tiền chung có mức tăng trưởng bằng một nửa so với Mỹ (1% so với 2%). Sự chậm chạp này bắt nguồn từ các yếu tố cấu trúc, trước hết từ nhân khẩu học. Số lượng phụ nữ và nam giới trong độ tuổi lao động đã giảm ở châu Âu từ một thập kỷ qua, trong khi con số này tiếp tục tăng ở Mỹ.

Trong giai đoạn 2020-2021, khoảng cách giữa hai khu vực đã vượt quá mức trung bình rất nhiều. Vì vậy, lý do thứ ba đến từ chính sách kinh tế.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mua nhiều tài sản hơn (13,5% GDP) so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (9% GDP).

Theo ông Jesus Castillo, nhà kinh tế học tại ngân hàng Natixis, sự can thiệp của các ngân hàng trung ương, mặc dù có bản chất và phạm vi khác nhau, sẽ có tác động gần như tương đương.

Như vậy, chính sách tài khóa đã tạo ra sự khác biệt. Thâm hụt ngân sách của Mỹ cao gấp đôi so với các nước Khu vực đồng euro vào năm 2020 (15,8% GDP so với 7,6% GDP, theo số liệu của IMF) và sẽ vẫn như vậy vào năm 2021 (15% GDP so với 6,7% GDP).

Washington đã đưa ra các kế hoạch hỗ trợ hoạt động kinh tế vừa có quy mô lớn vừa có tốc độ nhanh chóng nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng bất thường.

Các nhà kinh tế của ngân hàng UBS lưu ý rằng điều quan trọng đối với tăng trưởng GDP (sự thay đổi về giá trị gia tăng) là "sự thay đổi trong kích thích tài khóa."

Bằng cách điều chỉnh các số liệu về sự khác biệt theo chu kỳ, các nhà kinh tế này ước tính rằng trên thực tế, "năm nay Mỹ có mức kích thích ngân sách là 0,5% GDP và khu vực đồng euro là 1%."

Điều này làm thay đổi hoàn toàn tình hình. Các chuyên gia của UBS cho biết đặc điểm nổi bật của năm 2021 không phải là mức kích thích tài khóa đặc biệt của Mỹ, mà là tốc độ tiêm chủng.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhanh chóng và trên diện rộng thúc đẩy sự phục hồi của các hoạt động kinh tế.

Tại Mỹ, giao thông hàng không nội địa hiện nay đã trở lại mức trước khủng hoảng. Đây là lý do thứ tư tạo ra khoảng cách kinh tế giữa EU và Mỹ.

Nhưng có một điểm chung từ năm này qua năm khác, đó là tính hiệu quả ở Mỹ trước sự bất lực ở châu Âu.

Bất chấp cơ chế liên bang phức tạp, các nhà cầm quyền Mỹ đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để tăng chi tiêu vào năm 2020, sau đó tiêm chủng nhanh vào năm 2021.

Các chuyên gia chỉ trích rằng các nhà cầm quyền châu Âu đã hành động quá yếu ớt và chậm chạp trong việc bảo vệ công dân và nền kinh tế của họ.

Châu Âu muốn giữ lời hứa về một liên minh thịnh vượng, song bất chấp nhiều bước tiến, EU dường như vẫn bị phân mảnh đáng kể./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục