Chiến dịch Điện Biên Phủ trong mắt người trẻ đam mê lịch sử

Được chiến thắng Điện Biên Phủ truyền cảm hứng yêu nước, nhiều người trẻ đã có những cách thức riêng để tôn vinh lịch sử, nối dài những câu chuyện hào hùng, anh dũng của dân tộc.
Chiến dịch Điện Biên Phủ trong mắt người trẻ đam mê lịch sử ảnh 1Chiều ngày 7/5/1954, bộ đội Việt Nam chính thức giành chiến thắng, vẫy cờ trên nóc hầm Tướng De Castries. (Ảnh tư liệu)

Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (7/5/1954) là lần đầu tiên một dân tộc thuộc địa như Việt Nam có thể đánh bại quân đội nhà nghề của nước đế quốc thực dân phương Tây.

76 năm đã trôi qua, chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ấy là nhiều bài học có ý nghĩa lịch sử và thời đại để những người Việt trẻ tự hào về chiến công hiển hách, về tinh thần quật khởi của cha anh, từ đó ngày ngày rèn luyện, phấn đấu xây dựng đất nước.

Yêu lịch sử, yêu chiến thắng Điện Biên Phủ

Khi được hỏi đâu là trận chiến ấn tượng nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại, em Nguyễn Thu An, 17 tuổi, quản trị viên (admin) dự án lịch sử "Le Retour Nostalgique" (Tạm dịch: "Sự trở lại đầy hoài cổ") cho hay đó là chiến dịch Điện Biên Phủ, một sự kiện em tự tìm hiểu từ năm lớp tám.

Nguyễn Thu An là học sinh lớp chuyên Lịch sử, khóa 2019-2022 của trường trung học phổ thông Hà Nội-Amsterdam. Dự án "Le Retour Nostalgique" ra đời năm 2019, là sản phẩm của anh chị khóa trên, chuyên đăng tải những bài viết, chia sẻ, bình luận về lịch sử. Sau một năm gia nhập nhóm, An trở thành người quản trị.

Chiến dịch Điện Biên Phủ trong mắt người trẻ đam mê lịch sử ảnh 2Nguyễn Thu An và ảnh đại diện của ấn phẩm Minutia, dự án lịch sử ''Le Retour Nostalgique.'' (Ảnh: NVCC)

Thế hệ của An vốn trẻ nhưng lại có nhiều lựa chọn và sự chủ động trong việc tìm kiếm và tiếp thu kiến thức. Những nguồn tư liệu dồi dào từ nhiều góc độ đã khiến quá khứ và căn nguyên của dân tộc mình trở nên sống động, thực tế hơn. Bên cạnh những bạn còn thờ ơ, càng ngày càng có nhiều người trẻ nhận ra lịch sử Việt Nam thực chất là hào hùng và rất đáng tự hào, hơn là đi liền với định kiến "nhàm chán" hoặc "dễ gây buồn ngủ."

“Khi xem phim tài liệu, chính câu câu nói ‘chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu’ đã khiến em quyết tâm tìm hiểu thật sâu về chiến dịch này,” An kể lại.

Là “dân chuyên sử” của ngôi trường chuyên nổi tiếng tại Hà Nội, An bảo, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong số những sự kiện lịch sử khiến em cảm thấy thích thú và tự hào nhất. “Đối với em, đây còn gần như một chiến thắng ‘đúp’ của Việt Nam trước cả hai đế quốc – quân đội Pháp và sự hậu thuẫn, viện trợ cực lực của Mỹ.”

[Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ: Những dấu ấn đặc biệt]

Cô học sinh trường Amsterdam ấn tượng với Điện Biên Phủ vì nó là một mốc đặc biệt trong dòng chảy lịch sử Việt Nam thế kỷ 20, làm thất bại hoàn toàn kế hoạch của tướng Henri Navarre, buộc Pháp phải ký hiệp định Geneva rút quân khỏi Đông Dương, khích lệ tinh thần đấu tranh của các nước châu Phi.

“Em đã rất xúc động khi được biết người Algeria đã hô vang ‘Dien Bien Phu’ để lấy tinh thần, quyết định vùng lên chống Pháp. Sau này khi Việt Nam bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, trận chiến 12 ngày đêm tại Hà Nội được đặt là ‘Điện Biên Phủ trên không,’ đủ thấy sức ảnh hưởng của chiến thắng năm 1954 ấy lớn như thế nào,” An chia sẻ.

Mỗi năm, “Le Retour Nostalgique” của An và các bạn đều cho ra mắt một ấn phẩm mang tên “Minutia,” tập hợp những bài viết hay nhất đăng tải trên trang Facebook của dự án để lan tỏa tình yêu lịch sử tới cộng đồng trẻ tuổi.

Quản trị một trang Facebook về lịch sử cho người trẻ, cô học sinh lớp 11 cũng bảo rằng có không ít lần gặp khó vì vừa phải giữ ngôn ngữ hấp dẫn để giữ chân độc giả, vừa phải có những kiến thức chính xác và thuyết phục. Điều đó khiến các quản trị viên luôn phải tìm tòi học hỏi trong sách vở, các bảo tàng... vừa để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của cá nhân, vừa để tiếp tục sản sinh ra những bài viết có giá trị.

Tự tìm hiểu lịch sử bằng điền dã

Khi được sự tự hào, tình yêu lịch sử thôi thúc đi xa hơn những trang sách và thước phim tài liệu, Võ Quốc Tuấn đã có hàng chục chuyến điền dã tại Điện Biên Phủ trong hơn 10 năm nay, kể từ khi anh 30 tuổi. Ở mỗi chuyến điền dã, anh thu được nhiều tư liệu về những dấu vết chiến tranh xưa làm dày thêm khối đề tài, tư liệu để những người yêu lịch sử cùng bàn luận và nghiên cứu.

Chiến dịch Điện Biên Phủ trong mắt người trẻ đam mê lịch sử ảnh 3Võ Quốc Tuấn trong chuyến điền dã tới di tích trận địa Hồng Cúm năm 2021. (Ảnh: NVCC)

Dù tốt nghiệp ngành Toán-tin (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), ra trường lại làm nhiều công việc không liên quan tới lịch sử, văn hóa nhưng Võ Quốc Tuấn có đam mê khám phá trận đánh Điện Biên Phủ.

“Từ nhỏ tôi đã đọc rất nhiều về lịch sử, nhưng tôi nhận ra nếu chỉ đọc chung chung thì không đi đến đâu cả. Vì vậy, tôi quyết biến đam mê thành kết quả cụ thể. Sau khi rà soát các vấn đề, yếu tố, tôi chọn Điện Biên Phủ để nghiên cứu sâu,” Võ Quốc Tuấn chia sẻ.

Năm 25 tuổi, chàng thanh niên Võ Quốc Tuấn bắt đầu dành nhiều thời gian nghiên cứu chiến dịch này. Khi sự đam mê lớn dần, anh ấp ủ những chuyến đi thực địa tới Điện Biên để được “chạm vào” lịch sử, trực tiếp “hít thở” không khí của trận địa năm xưa. Năm 30 tuổi, khi có đủ điều kiện về cả thời gian lẫn kinh tế, anh thực hiện chuyến thực địa đầu tiên.

Để chuẩn bị cho mỗi chuyến thực địa, Tuấn đã phải lên kế hoạch trước cả tháng bởi Điện Biên vốn rộng, địa hình đi lại có nhiều khó khăn, hiểm trở. Đơn cử như việc đi tìm trận địa pháo Đại đội 805, Đại đoàn 304. Kể từ năm 2017, anh từng ba lần leo núi Pú Hồng Mèo để tìm trận địa này, nhưng đều thất bại dù chỉ lệch khoảng 50 mét so với đích đến.

Mãi đến năm 2021, sau nhiều lần kết hợp với người dân địa phương, anh đã đến đúng nơi, thỏa mãn ước mong được “chạm” vào những gì đã đọc trong hàng chục năm tìm hiểu về một trận chiến huyền thoại.

Chiến dịch Điện Biên Phủ trong mắt người trẻ đam mê lịch sử ảnh 4Nơi anh Võ Quốc Tuấn cho rằng là hố pháo trong trận địa của đại đội 805. (Ảnh: NVCC)

Trong 10 năm qua, Võ Quốc Tuấn đã thu thập được nhiều tư liệu về vị trí trận địa của anh hùng Đặng Đức Song, dấu vết sân bay Hồng Cúm, đài quan sát Pú Tà Cọ, đoạn còn lại của đường kéo pháo bằng tay trên núi Pú Pha Song, dấu vết công trình và chiến hào cũ trên đồi A1, vật liệu chiến tranh trên đồi C2, hào cũ trên các đồi Him Lam, đồi Cháy...

Chính những tư liệu này đã hỗ trợ nhiều nhóm nghiên cứu lịch sử độc lập và đưa ra những kết luận mới, nối dài niềm tự hào trong lòng mỗi người dân Việt Nam về một trận chiến lẫy lừng, 67 năm vẫn còn nguyên niềm tự hào, xúc động mỗi khi nhắc đến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục