Tin nổi bật ngày 3/5

Ngày 3/5, các thông tin “nóng”, được dư luận đặc biệt quan tâm là: Thủ tướng gửi Công điện về chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả phòng dịch COVID-19; Các địa phương tạm dừng các hoạt động không thiết yếu; truy tố 2 đối tượng tiếp tay, thuê nhà cho nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép…

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19

Trước những diễn ngày càng phức tạp của đại dịch COVID-19, xuất hiện tình huống xấu và khó lường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện chỉ đạo tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN

Công điện nêu rõ: Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định hiện hành về phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần phân cấp, phân quyền tối đa đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các địa phương chủ động , sáng tạo, linh hoạt phòng, chống dịch có hiệu quả nhất, đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ phê bình, nhắc nhở, yêu cầu:

Các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh nghiêm tình trạng không tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia, nhất là việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc nơi công cộng.

Các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai các khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm điều kiện vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch và năng lực xét nghiệm tại địa phương.

Các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Hà Nam, Yên Bái bám sát quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, căn cứ hậu quả xảy ra để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, xử lý theo quy định, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự, theo tinh thần khách quan, công bằng, nghiêm minh.

Công điện của Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế rà soát toàn bộ số vắc-xin còn lại, thúc đẩy tiến độ tiêm hết số vắc-xin này nhanh nhất và công bố trên thông tin đại chúng để cho nhân dân biết và giám sát.

Chiều 3/5, Việt Nam có thêm 10 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng

Từ 6 giờ sáng đến 18 giờ ngày 3/5, Việt Nam có thêm 19 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 10 ca cộng đồng.

Chú thích ảnh
Đảm bảo an toàn phòng dịch tại sân bay. Ảnh: TTXVN

Như vậy, đến 18 giờ ngày 3/5, Việt Nam có tổng cộng 1.605 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 35 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 39.870 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 553 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 22.046 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 17.271 người.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), ngày 3/5 có thêm 11 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm: BN2731-BN2757-BN2391-BN2785-BN2627-BN2632-BN1856-BN2794-BN2764-BN2762-BN2527.

Hiện số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 74 ca.

Nhiều địa phương tạm dừng các dịch vụ không cần thiết

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, ngày 3/5, một số tỉnh, thành phố, đã ra quyết định tạm dừng các dịch vụ không cần thiết.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm đề nghị các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm quyết định của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội. Ảnh tư liệu: Doãn Tấn/TTXVN

 Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế đã quyết định tạm dừng các hoạt động dịch vụ quán bar, karaoke, vũ trường, game, massage từ 12 giờ ngày 3/5. Đồng thời, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng yêu cầu mọi người dân khi quay trở lại tỉnh sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định.

Tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu tạm dừng một số hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19: Quán bar, karaoke, vũ trường, game tạm dừng hoạt động từ ngày 3/5 cho đến khi có văn bản mới để phòng, chống dịch COVID - 19.

Từ 00 giờ 00 ngày 4/5/2021, Quảng Ngãi quyết định tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu như: karaoke, vũ trường, masage, quán bar, game... Một số lễ, hội, sự kiện có tập trung đông người chưa thật sự cần thiết cũng phải tạm dừng cho đến khi có thông báo mới. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân đi ra ngoài tỉnh và trở về địa phương phải thực hiện ngay việc khai báo y tế bắt buộc theo quy định. Các trường hợp trở về từ vùng có dịch phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế theo đúng quy định và hướng dẫn của ngành Y tế.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã có căn bản số 2703/UBND-VX3 về việc “tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay” nhằm kịp thời thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Theo đó, từ 19 giờ 00 ngày 3/5/2021, tạm dừng một số dịch vụ không thật sự cần thiết như: Quán bar, karaoke, vũ trường, trò chơi điện tử có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người không cần thiết (các lễ hội, khu phố đi bộ, chợ đêm) cho đến khi có thông báo mới. Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch phải chủ trì, phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn UBND các huyện, thành phố không tổ chức các hoạt động tập trung đông người không cần thiết (các lễ hội, khu phố đi bộ, chợ đêm,...); cần đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; đặc biệt phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và tại nơi công cộng.

Tại Hà Nội, từ 17 giờ ngày 3/5, tạm dừng hoạt động quán ăn, uống đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè. Hà Nội cũng cho tất cả học sinh nghỉ học, chuyển sang học onlien từ 4/5. Còn từ 18 giờ ngày 3/5 TP Hồ Chí Minh tạm dừng một số hoạt động như xông hơi, massage, sân khấu kịch, sân khấu ca nhạc, rạp chiếu phim, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử...

Vĩnh Phúc dừng tất cả hoạt động tập trung đông người, cho học sinh nghỉ học đến hết 8/5; Thành phố Yên Bái thực hiện giãn cách xã hội nơi công cộng; Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Long An, Yên Bái đã quyết định dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, cho học sinh nghỉ học và tổ chức các lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử phạt các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch COVID-19...

Khởi tố, tạm giam đối tượng đứng tên thuê nhà cho người nhập cảnh trái phép

Ngày 3/5, nguồn tin từ Công an thành phố Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội vừa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Trần Thị Phương Thảo, Ou Guo Pei (người Trung Quốc) và Đinh Thị Huệ về hành vi Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép.

Việt Kiểm sát nhân dân cùng cấp cũng đã phê chuẩn các quyết định trên của Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội.

Chú thích ảnh
Cơ quan điều tra lấy lời khai của Trần Thị Phương Thảo. Ảnh: dantri.com.vn

Trước đó, ngày 20/4, qua nắm bắt nguồn tin và công tác nắm địa bàn, Tổ công tác của Công an quận Thanh Xuân phối hợp với lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an thành phố Hà Nội) bất ngờ kiểm tra số nhà 464 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) phát hiện 5 người Trung Quốc có nhiều dấu hiệu nghi vấn nhập cảnh và ở lại Việt Nam trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, 5 người Trung Quốc không xuất trình được hộ chiếu, thị thực nhập cảnh.

Quá trình xác minh, Tổ công tác xác định, căn nhà này do Trần Thị Phương Thảo (sinh năm 1999 trú tại xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) thuê của bà Nguyễn Thị T từ tháng 12/2020 để ở và phục vụ kinh doanh mỹ phẩm tại tầng 1. Tổ công tác đã yêu cầu Trần Thị Phương Thảo và 5 người Trung Quốc về trụ sở Công an phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) để làm rõ sự việc. Ngay sau đó, Cơ quan An ninh điều tra (Công an thành phố Hà Nội) đã kịp thời có mặt tiếp nhận vụ việc để giải quyết theo thẩm quyền.

Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận năm 2020, Trần Thị Phương Thảo quen biết Ou Guo Pei và đối tượng tên “Vương” đều là người Trung Quốc thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo. Do Trần Thị Phương Thảo đang học tiếng Trung tại một trường đại học trên địa bàn thành phố nên giao tiếp được với những người này. Qua trao đổi, Ou Guo Pei và “Vương” đã đề nghị Trần Thị Phương Thảo đứng ra thuê một số căn hộ để cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam ở và làm việc.

Trần Thị Phương Thảo đồng ý và rủ thêm Đinh Thị Huệ (sinh năm 1999 trú tại xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) là bạn học tìm thuê một số căn hộ chung cư để cho số đối tượng người Trung Quốc này thuê lại, nhằm kiếm tiền chênh lệch từ việc cho thuê nhà. Cụ thể, ngoài căn nhà Trần Thị Phương Thảo thuê tầng 1 làm cửa hàng bán mỹ phẩm, nữ sinh này còn thuê thêm 2 căn hộ chung cư khác cũng trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung cho các đối tượng người Trung Quốc.

Đối tượng Đinh Thị Huệ cũng thuê 2 căn hộ chung cư khác trên địa bàn quận Thanh Xuân và trong 2 căn hộ này, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an phát hiện 12 người Trung Quốc đang cư trú trái phép. Còn tại số nhà 464 Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội)Trần Thị Phương Thảo bố trí cho đối tượng “Vương” cùng 5 người Trung Quốc do “Vương” đưa đến ở tại tầng 3, tầng 4. Khi bị tổ công tác Công an quận Thanh Xuân kiểm tra vào trưa 20/4 thì “Vương” đã bỏ trốn khỏi địa chỉ này.

Đối với những căn hộ chung cư còn lại do Huệ thuê, được các đối tượng bố trí cho 11 người Trung Quốc ở do đối tượng Ou Guo Pei đưa đến. Hiện 16/17 người Trung Quốc được đưa cách ly tại Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội theo quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Theo Trung tá Nguyễn Thị Dung, Phó trưởng Phòng An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội, mặc dù Trần Thị Phương Thảo, Ou Guo Pei và Đinh Thị Huệ biết rõ việc đưa đón, bố trí nơi ở cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trái phép là vi phạm pháp luật, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Nhưng vì lòng tham, các đối tượng vẫn cố tình không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, mà vẫn thực hiện hành vi trên để hưởng lợi.

Theo tài liệu của cơ quan công an, trong vụ việc này, Trần Thị Phương Thảo được hưởng lợi số tiền khoảng 140 triệu đồng và Đinh Thị Huệ hưởng lợi 4 triệu đồng. Hành vi của các đối tượng có nguy cơ làm lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, cần phải được ngăn chặn triệt để, kịp thời. Hiện vụ việc đang được Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ.

Trước đó, trong đêm 2/5 và rạng sáng 3/5, lực lượng chức năng quận Nam Từ Liêm bắt quả tang 46 người (quốc tịch Trung Quốc) thuê 9 phòng tại chung cư Florence có địa chỉ tại 28 Trần Hữu Dực (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội). Nhóm người này được xác định đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Ngay sau đó, lực lượng y tế đã có mặt ở chung cư Florence để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 đúng theo quy định. Hiện lực lượng chức năng quận Nam Từ Liêm đang tích cực phối hợp với cơ quan công an lấy lời khai của các đối tượng, làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

 

PV/Báo Tin tức
Philippines và Malaysia tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca mắc COVID-19
Philippines và Malaysia tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca mắc COVID-19

Trong ngày 3/5, Philippines và Malaysia ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới COVID-19 trong khi Indonesia thông báo đã phát hiện một số ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại thủ đô Jakarta. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN