Ấn Độ-Mỹ hợp tác chặt chẽ để đạt mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu

Theo cam kết, Mỹ phấn đấu đến năm 2030 cắt giảm 50-52% lượng khí thải nhà kính ròng xuống dưới ngưỡng của năm 2005 trong khi Ấn Độ đặt mục tiêu lắp đặt 450 GW năng lượng tái tạo đến năm 2030.
Ấn Độ-Mỹ hợp tác chặt chẽ để đạt mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu ảnh 1Người dân di chuyển trên đường phố dưới trời nắng nóng tại Amritsar, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu,Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết Ấn Độ và Mỹ đang khởi động quan hệ hợp tác theo "Chương trình nghị sự 2030" về hợp tác xanh với các hành động cụ thể, mạnh mẽ trên toàn cầu để đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Trong tuyên bố chung được đăng trên các trang web của Bộ Ngoại giao hai nước, Ấn Độ và Mỹ đã nhất trí sẽ khởi động quan hệ đối tác về khí hậu và năng lượng sạch Ấn-Mỹ năm 2030, cũng như đều đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về hành động khí hậu và năng lượng sạch cho đến năm 2030.

Theo cam kết, Mỹ phấn đấu đến năm 2030 cắt giảm 50-52% lượng khí thải nhà kính ròng xuống dưới ngưỡng của năm 2005. Trong khi đó, như một phần của nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu, Ấn Độ đặt mục tiêu lắp đặt 450 GW năng lượng tái tạo đến năm 2030.

[Mỹ cam kết đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu]

Thông qua quan hệ đối tác này, Ấn Độ và Mỹ cam kết hợp tác chặt chẽ để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu và năng lượng sạch, cũng như tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực này.

Hai nước cũng nhắm đến mục tiêu huy động tài chính và đẩy nhanh tốc độ triển khai năng lượng sạch; giới thiệu và mở rộng quy mô các công nghệ sạch sáng tạo cần thiết để khử carbon trong các lĩnh vực bao gồm công nghiệp, giao thông vận tải, điện lực và các tòa nhà; xây dựng năng lực để xác định mức độ, quản lý và thích ứng với các rủi ro bắt nguồn từ những tác động liên quan đến khí hậu.

Hai nước cũng sẽ triển khai quan hệ đối tác này theo hai nội dung chính gồm đối tác năng lượng sạch chiến lược và đối thoại hành động khí hậu và huy động tài chính, vốn sẽ phát huy và bổ sung một loạt các quy trình hiện có.

Thông qua sự hợp tác nêu trên, Ấn Độ và Mỹ muốn chứng minh cách thức thế giới có thể kết hợp hành động khí hậu mau lẹ với phát triển kinh tế toàn diện và bền vững, tùy theo hoàn cảnh quốc gia và các ưu tiên về phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục