Mỹ khuyến cáo tạm ngừng tiêm vaccine của hãng Johnson&Johnson

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm và các trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Mỹ đang tiến hành đánh giá "những dấu hiệu đáng lưu ý tiềm tàng" trong 6 ca tiêm phòng có xuất hiện huyết khối.
Mỹ khuyến cáo tạm ngừng tiêm vaccine của hãng Johnson&Johnson ảnh 1Vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/4, các cơ quan y tế liên bang Mỹ khuyến cáo "tạm ngừng" sử dụng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của hãng Johnson & Johnson vì lý do "thận trọng," trong bối cảnh Mỹ đang điều tra mối liên hệ có thể có giữa việc tiêm vaccine này với tình trạng hình thành huyết khối của người được tiêm phòng.

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) và các trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) đang tiến hành đánh giá "những dấu hiệu đáng lưu ý tiềm tàng" trong 6 ca tiêm phòng có xuất hiện huyết khối.

FDA cho biết "trong khi chờ tiến trình này hoàn tất, chúng tôi khuyến cáo tạm ngừng" tiêm vaccine của Johnson & Johnson.

Cùng ngày, tại Bulgaria, Bộ trưởng Y tế Kostadin Angelov cũng thông báo việc triển khai tiêm vaccine của hãng AstraZeneca tại nước này có thể bị ngừng lại vì người dân không quan tâm.

[Dịch COVID-19: Johnson & Johnson bắt đầu bàn giao vaccine cho EU]

Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn lời Bộ trưởng Angelov cho biết trong 24 giờ qua, cả nước chỉ có 154 liều vaccine AstraZeneca được tiêm.

Ở Bulgaria, không có giới hạn độ tuổi và lịch trình đặc biệt đối với việc tiêm chủng bằng loại vaccine trên. Mọi người đều có thể được tiêm vaccine AstraZeneca tại các bệnh viện lớn ở Bulgaria.

Ông Angelov nêu rõ: “Về mặt y tế, vaccine này đã được thử nghiệm an toàn và hiệu quả, nhưng có những lý do khiến nó không được chú ý.”  Ông cũng cho biết thêm rằng Bồ Đào Nha, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đang đề xuất một cách tiếp cận chung đối với vaccine AstraZeneca.

Mỹ khuyến cáo tạm ngừng tiêm vaccine của hãng Johnson&Johnson ảnh 2Vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại Ấn Độ, Bộ Y tế ngày 13/4 đã phê chuẩn cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik V của Nga. Cơ quan kiểm soát dược phẩm Ấn Độ, trực thuộc Bộ trên, cho biết công ty dược trong nước Dr.Reddy's Laboratories Ltd. sẽ phụ trách nhập khẩu vaccine này.

Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga, đối tác với công ty trên trong quá trình thử nghiệm lâm sàng và phân phối vaccine Sputnik V tại Ấn Độ, cho biết Ấn Độ đã trở thành nước thứ 60 cấp phép sử dụng vaccine này của Nga.

Trước vaccine Sputnik V, Ấn Độ đã cấp phép khẩn cấp cho 2 loại vaccine ngừa COVID-19 là Covaxin của công ty Ấn Độ Bharat Biotech International, và vaccine Covishield của AstraZeneca/Đại học Oxford được Viện Serum của Ấn Độ sản xuất.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận về sự cần thiết phải thúc đẩy việc sản xuất vaccine ngừa dịch COVID-19 trên toàn cầu, khẳng định Sputnik V cần phải được chuyển tới nhiều quốc gia nhất có thể.

Tại cuộc điện đàm ngày 13/4, ông Duterte đã gửi lời cảm ơn tới người đồng cấp Nga về việc Viện Nghiên cứu Gamaleya, đơn vị nghiên cứu và phát triển thành công Spunik V, dành 20 triệu liều Spunik V cho quốc gia Đông Nam Á này.

Dự kiến Philippines sẽ nhận được 20.000 liều Spunik V đầu tiên trong tuần này và số còn lại sẽ được chuyển tới trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục