Trung tướng Phạm Tuân truyền lửa đam mê vũ trụ cho giới trẻ

Trung tướng Phạm Tuân và các nhà khoa học đã có buổi chia sẻ hết sức ý nghĩa về chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ cũng như những bước tiến trong việc chinh phục không gian của Việt Nam...
Trung tướng Phạm Tuân truyền lửa đam mê vũ trụ cho giới trẻ ảnh 1Trung tướng Phạm Tuân tại buổi giao lưu. (Ảnh: BTC)

Trong buổi giao lưu với chủ đề “Khát vọng chinh phục không gian” được tổ chức ngày 12/4, Trung tướng Phạm Tuân, Phi công Vũ trụ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Liên Xô, Anh hùng Lao động, Chủ tịch Danh dự Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam (VASA) đã kể những câu chuyện của mình, truyền lửa cho giới trẻ niềm đam mê chinh phục vũ trụ…

Sự kiện do VASA và Đài truyền hình Việt Nam cùng một số trường đại học tổ chức nhân Kỷ niệm 60 năm ngày Vũ trụ Thế giới (12/4/1961-12/4/2021), đánh dấu sự kiện nhà du hành Xô viết Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ.

41 năm trước, vào ngày 23/7/1980, Phạm Tuân cùng với nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vasilyevich Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37 và trở về Trái Đất ngày 31/7 trên tàu Soyuz 36. Họ thực hiện nhiệm vụ trên trạm không gian Salyut 6 cùng với hai nhà du hành vũ trụ Liên Xô khác.

Nhớ lại những ngày ấy, Trung tướng Phạm Tuân bảo rằng nó vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Với nhiều người, bay vào vũ trụ là ước mơ nhưng không phải ai cũng làm được. Khi bay vào vũ trụ, ông đã mang theo lá cờ Tổ quốc, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập…

[Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức cuộc thi về máy bay không người lái]

Trong khi đó, phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng chia sẻ về niềm đam mê ngành vũ trụ của mình. 

Ông Tuấn cũng lược kể về hành trình của “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020.” Từ đó, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được xây dựng và Việt Nam dần chinh phục công nghệ vũ trụ bằng việc chế tạo những vệ tinh nhỏ.

Cũng theo ông Tuấn, một trong những vệ tinh đó là Nano Dragon đã được thiết kế, chế tạo bởi các nhà khoa học trẻ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Vệ tinh này được JAXA chọn cùng với 14 vệ tinh khác phóng lên quỹ đạo trong năm nay. 

Bày tỏ ước mơ là Việt Nam có một trung tâm vũ trụ trên Mặt Trăng, ông Tuấn tiết lộ Việt Nam đã được NASA mời tham gia dự án đưa các thiết bị khoa học và con người trở lại Mặt Trăng vào 2024.

[MicroDragon, vệ tinh do người Việt chế tạo lên quỹ đạo vào tháng 12]

Cũng tại sự kiện, Chủ tịch VASA – Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Ngọc Lãng đã chia sẻ một thông tin được nhiều sinh viên quan tâm. Đó là việc đơn vị này sẽ kết hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi: "Thiết kế, chế tạo và trình diễn phương tiện bay không người lái Việt Nam lần thứ 1."

Ông Lãng tin tưởng với số lượng gần 600 học viện, trường đại học và cao đẳng, cuộc thi ROBOBAY Việt Nam lần thứ 1 sẽ là ngày hội khoa học và công nghệ của thế hệ trẻ và tiến tới mở rộng giải thi đấu trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục