'Thiếu vaccine COVID-19 cho các nền kinh tế mới nổi và thu nhập thấp'

Quan chức IMF cho rằng các nền kinh tế thu nhập thấp và mới nổi cần có đủ vaccine COVID-19 bởi nếu không, đại dịch sẽ kéo dài và sau đó sẽ xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Vaccine ngừa COVID-19 được phân phối theo cơ chế COVAX tại Tbilisi, Gruzia, ngày 13/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Vaccine ngừa COVID-19 được phân phối theo cơ chế COVAX tại Tbilisi, Gruzia, ngày 13/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng các nền kinh tế mới nổi và thu nhập thấp cần được tiếp cận nhiều hơn với vaccine ngừa COVID-19, cảnh báo nếu chương trình tiêm chủng không được triển khai rộng rãi, đại dịch sẽ không có hồi kết và tất cả các nền kinh tế đều chịu tổn thất.

Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu của IMF, Petya Koeva Brooks, cho rằng các dự báo về kinh tế toàn cầu là không chắc chắn, chủ yếu do diễn biến của dịch và tiến triển của chương trình tiêm chủng.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất được công bố tuần trước, IMF nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021, tăng 0,5 điểm phần trăm so với mức dự báo hồi tháng Một, khi chương trình tiêm chủng ở một số nước được thúc đẩy và các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ, thực hiện các biện pháp hỗ trợ bổ sung.

Bà Brooks nói, trong kịch bản cơ sở đó, IMF dự báo các nền kinh tế phát triển cũng như các thị trường mới nổi sẽ tiếp cận vaccine một cách rộng rãi vào nửa cuối năm nay, nhưng các nước khác sẽ phải chờ đến năm 2022, thậm chí là sau đó.

Trong kịch bản xấu, khi việc triển khai vaccine diễn ra chậm và việc kiểm soát dịch khó khăn hơn, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,5%.

ơWB cam kết tài trợ 2 tỷ USD cung cấp vaccine cho nước đang phát triển]

Bà Brooks cho rằng lượng vaccine thừa ở các nền kinh tế phát triển nên được chuyển cho các nước thu nhập thấp và các nhà hoạch định chính sách cũng cần đảm bảo rằng cơ chế COVAX, một sáng kiến quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới và các đối tác thúc đẩy nhằm hướng tới sự tiếp cận công bằng đối với vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu, sẽ được tài trợ đầy đủ.

Theo bà Brooks, một lý do khác cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng cả các nền kinh tế thu nhập thấp và mới nổi được tiếp cận vaccine là bởi nếu không, đại dịch sẽ kéo dài và sau đó sẽ xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19.

Điều này sẽ ảnh hưởng tới tất cả các nền kinh tế, trong đó có các nền kinh tế phát triển. Do đó, các nền kinh tế phát triển cũng sẽ có lợi khi hỗ trợ nhiều nhất có thể./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục