Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Làm rõ hành vi điều chỉnh mức đầu tư trong hợp đồng EPC số 01#

Chiều 12/4, phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (viết tắt là TISCO) tiếp tục với phần xét hỏi.

Hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm vấn các bị cáo tập trung xoay quanh hành vi liên quan đến điều chỉnh mức đầu tư trong thực hiện hợp đồng EPC số 01# của Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Chú thích ảnh
Bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên) khai báo trước tòa. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tại phiên tòa, bị cáo Trần Trọng Mừng (nguyên Tổng Giám đốc TISCO) thừa nhận, hợp đồng EPC là hợp đồng trọn gói, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả dự án. Tuy nhiên, bị cáo Trần Trọng Mừng cho rằng, cáo trạng xác định bị cáo có vai trò chính, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hành vi phạm tội là chưa chính xác.

Khai tại tòa, bị cáo Trần Trọng Mừng cho biết, khi nhà thầu MCC vi phạm hợp đồng, TISCO đã nhắc nhở, đốc thúc, đồng thời đã báo cáo VNS về tình trạng chậm trễ của MCC. Bị cáo Mừng cũng khai đã luôn nhận được sự chỉ đạo từ VNS và Bộ Công Thương để tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn.

Về lý do chọn VINAINCON để thực hiện phần C của hợp đồng EPC, bị cáo Trần Trọng Mừng cho biết căn cứ vào sự giới thiệu của Bộ Công Thương, về sự tự giới thiệu của VINAINCON. Tuy nhiên, bị cáo Mừng thừa nhận không kiểm tra lại năng lực của VINAINCON, đồng thời cho biết bản thân chỉ giới thiệu VINAINCON còn quyết định chấp nhận hay không thuộc về trách nhiệm của nhà thầu chính là MCC.

Trong phần trả lời của mình, bị cáo Trần Văn Khâm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc TISCO) đồng ý với tội danh bị Viện kiểm sát truy tố và thừa nhận những trình tự hành vi phạm tội nêu trong cáo trạng.

Cũng như bị cáo Trần Trọng Mừng, bị cáo Khâm biết về nguyên tắc EPC là hợp đồng trọn gói không điều chỉnh giá trong suốt quá trình thực hiện. Bị cáo Khâm cho rằng TISCO không có chuyên môn tính thêm mức đầu tư của phần C trong hợp đồng nên TISCO đã “nhờ” VINAINCON tính và bảng tính đó đã được gửi cho VNS, trong đó dự kiến tăng thêm 15,57 triệu USD.

Về hành vi ký phụ lục điều chỉnh lần thứ tư của hợp đồng EPC số 01# với MCC, bị cáo Khâm cho rằng đó là quá trình dài, đã qua rất nhiều thời gian đàm phán. Bị cáo cũng căn cứ văn bản số 1075 ngày 17/8/2009 của VNS gửi TISCO với 4 nội dung: thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tới MCC và các bên liên quan; khẩn trương hoàn thiện nội dung phụ lục EPC đảm bảo các yếu tố pháp lý và đồng thuận của nhà tài trợ vốn; đôn đốc, phối hợp với nhà thầu chính MCC và nhà thầu phụ VINAINCON nhanh chóng hoàn thiện nội dung hợp đồng nhà thầu phụ C trên nguyên tắc MCC chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ hợp đồng theo phương thức EPC; khẩn trương trình Hội đồng quản trị VNS phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và kế hoạch đấu thầu điều chỉnh của dự án làm căn cứ thực hiện hợp đồng.

Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Giải thích về việc ký các văn bản đồng ý tách phần C ra khỏi hợp đồng EPC, bị cáo Khâm cho rằng khi bị cáo đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc TISCO thì những khó khăn của hợp đồng đã cơ bản được giải quyết, giữa các bên đã có sự thống nhất trong các lần đàm phán trước đó. Bị cáo Khâm cũng thừa nhận do đã có văn bản giới thiệu và biên bản của tổ chuyên gia nên đã không kiểm tra năng lực của VINAINCON.

Thừa nhận hành vi sai phạm, song bị cáo Trần Văn Khâm cho rằng đây là quá trình từ trước đó dẫn đến các phát sinh sau này và sở dĩ VINAINCON không đủ năng lực, không đủ nhân công vì thời gian đó VINAINCON còn đảm nhận thêm 1 công trình ở miền Trung.

Trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, các bị cáo Ngô Sỹ Hán (nguyên Phó Tổng giám đốc TISCO kiêm Trưởng Ban quản lý dự án), Đặng Văn Tập (nguyên Phó Giám đốc thường trực Ban Quản lý dự án) và một số bị cáo khác đều thừa nhận tội danh và nội dung cáo trạng truy tố đối với các bị cáo. Các bị cáo đều biết hợp đồng EPC là hợp đồng trọn gói, không được thay đổi giá. Tuy nhiên, các bị cáo cũng mong muốn Hội đồng xét xử xem xét đến hoàn cảnh thực hiện hành vi phạm tội, những khó khăn thực hiện hợp đồng vào thời điểm đó trong khi bản thân các bị cáo đều cố gắng, nỗ lực để sớm hoàn thiện dự án…

Ngày 13/4, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

Kim Anh - Nguyễn Cúc (TTXVN)
Xét xử vụ án tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên
Xét xử vụ án tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên

Ngày 12/4, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN