Đồng bào Khmer đón Tết Chol Chnam Thmay: Đề cao tinh thần chống dịch

Tại Sóc Trăng, sư sãi, đồng bào Khmer ở các phum sóc đề cao tinh thần chống dịch COVID-19, đón Tết Chol Chnam Thmay với tiêu chí tiết kiệm, hiệu quả, an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Đồng bào Khmer đón Tết Chol Chnam Thmay: Đề cao tinh thần chống dịch ảnh 1Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng quà các vị hòa thượng, thượng tọa trong hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Đồng bào Khmer Nam Bộ sẽ đón Tết Chol Chnam Thmay cổ truyền 2021 từ ngày 14-16/4 tới.

Tại Sóc Trăng, sư sãi, đồng bào Khmer ở các phum sóc đề cao tinh thần chống dịch COVID-19, đón Tết với tiêu chí tiết kiệm, hiệu quả, an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Những ngày này, các gia đình đã bắt đầu sửa soạn, dọn dẹp bàn thờ gia tiên, bàn thờ Phật để đón Tết Chol Chnam Thmay. Các hộ cũng tranh thủ đến chùa để dọn dẹp, sửa sang, sơn phết lại các tháp của gia đình, dòng họ.

Với đồng bào Khmer, các hoạt động vui chơi, nghi lễ tôn giáo trong những ngày Tết hầu hết diễn ra tại chùa. Ngôi chùa chính là nơi gắn kết cộng đồng, nơi "chôn nhau cắt rốn" của người dân tại các phum sóc.

Những ngày Tết Chol Chnam Thmay, các phật tử sẽ tề tựu về điểm chùa để tiến hành nghi lễ truyền thống. Vì vậy, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, đặc biệt là Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh tăng cường phổ biến đến các vị chức sắc tôn giáo, sư sãi, Achar của phum sóc nêu cao tinh thần chống dịch, đón Tết an toàn, hiệu quả.

Theo Thượng tọa Lâm Sương, trụ trì chùa Ompuyear ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, năm nay, chùa tăng cường phổ biến, tuyên truyền đến đồng bào nêu cao tinh thần phòng, chống dịch COVID-19, tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế và chính quyền. Cùng với đó, nhà chùa cũng sẽ tinh giản các hoạt động trong nghi lễ đón năm mới nhằm giảm việc tụ tập đông người.

Thượng tọa Lý Minh Đức, trụ trì chùa Som-Rrong ở phường 5, thành phố Sóc Trăng cho biết trong năm qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer trên địa bàn ngày càng phát triển. Đón Tết Chol Chnam Thmay cổ truyền 2021, nhà chùa tăng cường tuyên truyền, vận động phật tử hạn chế việc tập trung đông người. Nhà chùa cũng chuẩn bị sẵn khẩu trang, dung dịch sát khuẩn để đảm bảo an toàn cho cho phật tử và cộng đồng.

[Phó Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn chúc Tết Chol Chnam Thmay tại Sóc Trăng]

Vụ lúa Đông Xuân năm nay, chung niềm vui với nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đồng bào Khmer phấn khởi khi năng suất lúa tăng, được giá. Nhờ đó, họ có động lực và vốn đầu tư cho các vụ sản xuất tiếp theo, nhất là đón Tết Chol Chnam Thmay càng thêm sung túc, ấm cúng.

Ông Lâm Sách, Trưởng ban Dân tộc tỉnh thông tin, Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, với trên 30% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các nguồn lực đầu tư của Trung ương để triển khai chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn chung tay, nỗ lực nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương. Qua đó, góp phần đưa diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc ngày càng đổi mới.

Trong năm 2020, dưới tác động của dịch COVID-19, đời sống của đồng bào Khmer Sóc Trăng cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm và sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng các cấp, ngành trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần của người Khmer Sóc Trăng đã được nâng lên.

Tính đến cuối năm 2020, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn trên 8.600 hộ, chiếm 2,66%, trong đó hộ đồng bào Khmer giảm còn 4.140 hộ, chiếm 4,13%.

Đón Tết Chol Chnam Thmay cổ truyền 2021, Ban Dân tộc phối hợp với Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh và chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào đề cao tinh thần tự giác đeo khẩu trang khi đến chùa, nơi công cộng, nhất là trong những ngày lễ chính. Các hoạt động nghi lễ có thể tiến hành theo hướng tinh gọn, khuyến khích việc thực hiện theo hình thức tại gia, tránh tụ tập nơi đông người.

Cũng như người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng đã trải qua những thách thức của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, tác động sâu rộng đến đời sống kinh tế. Đồng bào đã cơ cấu lại mùa vụ, sản xuất theo hướng thuận thiên, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục