Mỹ Latinh và những góc khuất của vaccine ngừa COVID-19

Tất cả các hợp đồng mua vaccine ngừa SARS-CoV-2 mà các nước trong khu vực đã ký đều là văn bản mật và hầu như không nước nào công bố giá nhập khẩu vaccine.
Mỹ Latinh và những góc khuất của vaccine ngừa COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Rio De Janeiro, Brazil ngày 6/3/2021. (Nguồn: THX/TTXVN)

Một năm sau khi xác nhận những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Mỹ Latinh, 13 quốc gia đã thay đổi nhiều điều luật của mình để có thể nhập vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2.

Cuộc điều tra do Mạng lưới Nhà báo Mỹ Latinh vì Minh bạch và Chống tham nhũng (Red Palta) và quỹ Hướng dẫn lập pháp (Directorio Legislativo) cho thấy trong khoảng thời gian từ 9/2020-2/2021, các quốc gia tại khu vực đã thông qua 23 quy định mới, bao gồm cả luật, sắc lệnh và nghị định, theo hướng mang lại bảo đảm quyền lợi kinh tế và sự bảo mật cho các doanh nghiệp sản xuất vaccine.

Áp lực từ các hãng dược phẩm và sự tuyệt vọng của các chính phủ muốn mua hàng triệu liều vaccine đã thúc đẩy những thay đổi về luật lệ tại hầu hết các nước trong khu vực.

Một số những thay đổi này, bao gồm cả tính bảo mật của các hợp đồng, được thực hiện theo yêu cầu trực tiếp của các hãng dược.

Tất cả các hợp đồng mua vaccine ngừa SARS-CoV-2 mà các nước trong khu vực đã ký đều là văn bản mật và hầu như không nước nào công bố giá nhập khẩu vaccine.

Tấm khiên pháp lý

Brazil, Argentina, Colombia và Peru, cùng một số quốc gia khác, đã đối mặt với những đòi hỏi về miễn trừ trách nhiệm của các hãng dược phẩm.

Tổng cộng đã có 8 nước Mỹ Latinh phải thay đổi điều luật để đứng ra gánh trách nhiệm nếu có những đơn kiện các nhà sản xuất vaccine do phản ứng phụ tiêu cực có thể xuất hiện trong quá trình tiêm chủng diện rộng.

Ví dụ, Colombia đã công khai khả năng ký kết một “hợp đồng bảo hiểm mang tính tổng thể để chi trả những khoản phạt hoặc đền bù có thể có” - một trong những yêu cầu mà Pfizer đưa ra khi đàm phán bán vaccine.

Panama cũng phải tiến hành bước đi tương tự và hãng dược phẩm của Mỹ trên cũng được nêu đích danh trong quy định mới về bảo mật hợp đồng.

Theo thông tin mà tổ chức Knowledge Ecology International, Cộng hòa Dominica đã ký kết “thỏa thuận về điều kiện liên quan” với Pfizer, trong đó Chính phủ đảo quốc Caribe này chấp nhận yêu cầu được miễn trừ trách nhiệm mà nhà sản xuất vaccine đưa ra.

Trong vài tháng qua, một số chính phủ đã lên tiếng chỉ trích Pfizer về những đòi hỏi không thể chấp nhận được để bán vaccine.

Tại Peru, các quan chức chính phủ tiết lộ với báo điện tử Ojo Público (Mắt công chúng) rằng trong quá trình đàm phán, Pfizer từng đề nghị đưa vào những điều khoản miễn trừ trách nhiệm của hãng trước những phản ứng phụ tiêu cực có thể có của vaccine và việc chậm trễ trong giao hàng theo đợt.

Bên cạnh đó là nhiều điều khoản “bảo vệ” khác để đề phòng những đơn kiện tiềm tàng trong tương lai.

Ngay giữa các cuộc đàm phán, Lima đã ra sắc lệnh tối cao trong đó cam kết sẵn sàng chấp thuận phán quyết của các cơ quan trọng tài quốc tế trong trường hợp phát sinh tranh cãi pháp lý từ việc nhập khẩu vaccine. Các cuộc đàm phán thường kéo dài vài tháng.

Cuối cùng, vào tháng 2/2021, hai bên đã ký kết hợp đồng mua 20 triệu liều vaccine, 5 tháng sau khi thỏa thuận về các điều kiện liên quan được ký kết giữa Bộ Y tế Peru và Pfizer. Hợp đồng đầu tiên có trị giá 118,8 triệu USD cho 9,9 triệu liều vaccine.

Dù với sắc thái khác nhau, tất cả các hãng dược đều đòi hỏi các nước phải điều chỉnh quy định để cung cấp bảo đảm pháp lý cho họ, một điều kiện mà nhiều chính phủ cuối cùng đã phải chấp nhận.

Felicitas Torrecilla, điều phối viên về điều tra của quỹ Directorio Legislativo, giải thích: “Có thể thấy 13 Chính phủ đã phải chấp nhận nhượng bộ đáng kể để có thể ký hợp đồng mua vaccine, từ áp chế tới giới hạn quyền tiếp cận của công chúng với thông tin quan trọng về những điều khoản thỏa thuận và giá cả mà mỗi nước phải trả. Đây là những vấn đề không chỉ mang tính then chốt để hiểu tiến trình tiếp cận vaccine của mỗi nước ra sao, mà cả những thách thức tổng thể liên quan tới sự cân bằng về y tế trong một thế giới bất bình đẳng.”

Những hợp đồng được giấu kín

Báo cáo điều tra cũng chỉ ra rằng nhiều quốc gia buộc phải thay đổi quy định về việc công khai thông tin của tiến trình nhập khẩu và nguyên tắc đấu thầu, để các hãng dược phẩm được ký hợp đồng mua bán theo hình thức công-tư trực tiếp.

Tổng cộng có 16 nước đã nhập khẩu vaccine theo cách ký hợp đồng trực tiếp, nghĩa là không qua tiến trình đấu thầu như thường lệ.

Delia Ferreira Rubio, Chủ tịch Tổ chức Minh bạch Quốc tế, nhận định: “Không gì có thể biện hộ cho sự bí mật của những hợp đồng nhập khẩu vaccine. Để có thể kiểm soát hoạt động của chính phủ, điều thiết yếu là phải đảm bảo quyền tiếp cận các thông tin cơ bản về nội dung hợp đồng như giá cả, cách thức giao nhận, những tiêu chí trong việc phân phối và sử dụng vaccine. Tính bí mật mở ra cơ hội cho các quan chức lạm dụng quyền lực cho lợi ích bản thân và người thân, bạn bè và đồng minh chính trị. Cách hành xử này là một trường hợp tham nhũng rõ ràng và vi phạm nghĩa vụ của các quan chức nhà nước và điều luật về đạo đức công.”

Peru là một trong những nước đầu tiên thay đổi các quy định của mình theo hướng này.

Tháng 9/2020, trong khuôn khổ các cuộc đàm phán với Pfizer, Sinopharm và một số hãng dược khác, Chính phủ Peru đã ban hành Sắc lệnh khẩn cấp loại bỏ hoạt động nhập khẩu vaccine ra khỏi phạm vi hiệu lực của Luật về hợp đồng của nhà nước. Những lợi thế này cũng được mở rộng sang cả tiến trình phân phối vaccine và mua sắm những vật tư bổ trợ cho kế hoạch tiêm chủng.

Một trường hợp khác tương tự là Mexico. Nước này còn điều chỉnh quy định cho phép linh hoạt hóa phương thức thanh toán cho các nhà sản xuất vaccine, theo đó “cho phép tiến hành các khoản thanh toán và ứng trước cần thiết để cải thiện khả năng ký được hợp đồng mua vaccine và trong thời gian sớm nhất có thể.”

Tại Uruguay, chính phủ nước này cũng tiến hành các điều chỉnh pháp lý theo hướng tương tự. Các sắc lệnh của bộ trưởng liên quan tới việc nhập khẩu vaccine đều được liệt vào dạng bảo mật, nghĩa là không cho công chúng tiếp cận.

Dựa trên những quy định và luật lệ sẵn có hoặc mới được đưa ra về tính bảo mật, không nhiều nước Mỹ Latinh công bố các văn bản liên quan đến việc nhập khẩu vaccine cũng như quá trình thương lượng với các hãng dược phẩm.

Riêng tại Chile, Tổ chức Minh bạch Quốc tế được tiếp cận một bản sao có bôi đen nhiều chi tiết của hợp đồng giữa Santiago với COVAX - một sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm tăng tốc phát triển và phân phối vaccine cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Ở khía cạnh tích cực, một số nước, như Mexico và Costa Rica, có quy định thời hạn cho việc bảo mật thông tin về đàm phán và hợp đồng nhập khẩu vaccine. Chính phủ Mexico dựa vào Luật Minh bạch để xác định thời hạn bảo mật là 5 năm, trong khi Costa Rica là 1 năm.

Nhiều quốc gia trong khu vực thông tin đầy đủ về giá của mỗi liều vaccine nhập khẩu. Một số ngoại lệ như Honduras, nước công bố rằng giá trị của toàn bộ lượng vaccine nhập khẩu thông qua COVAX.

Bộ trưởng Y tế Chile thông báo rằng quốc gia Nam Mỹ này phải trả 12 USD cho mỗi liều vaccine ngừa SARS-CoV-2 của Pfizer và 11,4 USD cho mỗi liều của Sinovac.

Trong khi đó, tại Mexico, Thứ trưởng Y tế phụ trách Phòng chống dịch bệnh và Thúc đẩy Y tế cho biết nước này đã trả 9,95 USD cho mỗi liều vaccine Sputnik-V và 4 USD cho mỗi liều vaccine của AstraZeneca.

Chính phủ Mexico tuyên bố các hợp đồng với Pfizer, AstraZeneca/Oxford, CanSino và Gavi Alliance là thông tin mật. Tuy nhiên, ngày 28/2 vừa qua, Viện quốc gia về Minh bạch, Tiếp cận thông tin và Bảo vệ dữ liệu cá nhân (INAI) ra thông cáo cho biết sau một loạt cuộc họp với các quan chức của Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế, họ đã có được phiên bản công khai tối thiểu của hợp đồng với Gavi Alliance, mang tên “Thỏa thuận Cam kết hay Thỏa thuận Mua có chọn lọc,” thế nhưng cho tới nay, cơ quan này cũng chưa công bố chi tiết của văn bản trên.

Tại Peru, dù giá trị cuối cùng của các hợp đồng này là bí mật, tờ Ojo Público cho biết việc nhập khẩu 300.000 liều vaccine từ hãng dược Sinopharm của Trung Quốc có giá FOB là 6 triệu USD, tương đương với 20 USD/liều.

Sau khi báo chí loan tải thông tin này, các quan chức đã rút số liệu trên khỏi các hồ sơ nhập khẩu tại hải quan cho các lô vaccine sau đó.

Quyền lợi miễn trừ thuế

Ngoài những yêu cầu về bảo mật và chống khiếu nại mà các nước phải nhượng bộ các hãng dược phẩm, còn có một điều khoản khác: Miễn thuế nhập khẩu vaccine tại ít nhất 4 quốc gia.

Ngày 1/7/2020, Mexico đã điều chỉnh Luật tổng thể về thuế xuất-nhập khẩu, với thang thuế suất mới cho nhập khẩu vaccine là 5% tính theo mỗi kilogram và miễn thuế xuất khẩu.

Vào tháng 2/2021, “đất nước Azteca” lại sửa đổi biểu thuế này một lần nữa và miễn hoàn toàn thuế cho cả xuất lẫn nhập khẩu vaccine.

Argentina cũng đưa điều khoản về miễn thuế nhập khẩu vaccine vào luật sửa đổi ngày 29/10/2020 của mình, nhằm chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng trong nước.

Điều 6 của đạo luật mới được sửa đổi nói rõ rằng các đơn vị nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19 không phải trả bất kỳ khoản thuế nhập khẩu hay bất kỳ loại thuế hay khoản phí nào khác.

Bolivia ban hành Luật về Tình trạng khẩn cấp y tế, trong đó miễn “các loại thuế hải quan” cho việc nhập khẩu dược phẩm và vật tư phục vụ công tác phòng chống đại dịch COVID-19, bao gồm cả vaccine. Các mặt hàng này được đưa vào Bolivia theo mô hình “hàng khẩn cấp.”

Mặc dù chưa có thỏa thuận mua vaccine với hãng dược nào, Guatemala đã ban hành một sắc lệnh miễn thuế trong 2 năm cho toàn bộ các hoạt động nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19, cũng như các lô hàng viện trợ liên quan tới việc vận chuyển và bảo quản vaccine.

Tiến trình phân phối vaccine trong khu vực

Phân tích của Red Palta xác định, từ tháng 3/2021, 17 nước trong khu vực Mỹ Latinh đã được đảm bảo nguồn cung vaccine, qua các thỏa thuận trực tiếp với các hãng dược hoặc qua sáng kiến hợp tác vaccine toàn cầu COVAX.

Đã có 13 quốc gia Mỹ Latinh tham gia cơ chế này dưới hình thức tự chi trả, nói cách khác là để được tham gia vào danh sách họ phải thanh toán trước.

Mỹ Latinh và những góc khuất của vaccine ngừa COVID-19 ảnh 2Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Lima, Peru, ngày 19/2/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong trường hợp của Venezuela, dù có ý định tham dự cơ chế này, quốc gia nhiều dầu mỏ này không đạt tiêu chí về hạn ngạch. Vì thế Venezuela không xuất hiện trong danh sách phân bổ vaccine trong giai đoạn từ tháng 2-5/2021 của COVAX.

4 nước gồm Bolivia, El Salvador, Honduras và Nicaragua sẽ được nhận vaccine theo hình thức miễn phí vì được coi là các nước có thu nhập trung bình thấp.

Hiện tại quỹ COVAX có 2 loại vaccine trong danh sách sử dụng khẩn cấp là vaccine của Pfizer và của AstraZeneca/Oxford.

Tổng cộng, có 10 hãng dược phẩm đã đạt thỏa thuận cung cấp vaccine cho các nước trong khu vực này theo các hợp đồng trực tiếp.

AstraZeneca là hãng có nhiều hợp đồng nhất, với 14 Chính phủ là Argentina, Chile, Peru, Ecuador, Uruguay, Mexico, Colombia, El Salvador, Costa Rica, Honduras, Panama, Paraguay, Bolivia và Brazil.

Pfizer/BioNTech đã triển khai thương lượng với 11 nước, trong khi hãng dược Gamaleya của Nga, nhà sản xuất Sputnik-V, đã có thỏa thuận với 6 nước.

Các doanh nghiệp dược của Trung Quốc như Sinovac, Sinopharm và CanSino cũng có mức độ chấp thuận tương đối tại Mỹ Latinh khi đã ký hợp đồng với lần lượt 6, 3 và 1 nước trong khu vực.

Tập đoàn đa quốc gia Johnson & Johnson của Mỹ, hãng sản xuất vaccine 1 liều ngừa COVID-19, có thỏa thuận với Colombia và Chile.

Tương tự, Covishield, loại vaccine do Viện Serum của Ấn Độ phát triển cùng AstraZeneca/Oxford, cũng đã có mặt tại Argentina và Cộng hòa Dominica. Moderna (Mỹ) và Bharat Biotech (Ấn Độ), mỗi hãng sẽ cung cấp vaccine cho một quốc gia ở Mỹ Latinh.

Tới thời điểm này, Nicaragua và Guatemala vẫn chưa kết thúc đàm phán trực tiếp nhập khẩu vaccine, và sẽ phụ thuộc vào những đợt gửi hàng của COVAX hay hàng viện trợ.

Tuy nhiên, Chính phủ Guatemala hồi tháng 2/2021 thông báo điều chỉnh quy định và cho phép hoạt động nhập khẩu vaccine trở thành ngoại lệ đối với hệ thống tiêu chí quốc gia về đấu thầu và ký hợp đồng.

Nước này vẫn bảo lưu tính minh bạch khi công khai những chi tiết của các hoạt động nhập khẩu này.

Tóm lại, việc nhập khẩu vaccine là điều thiết yếu cho công tác phòng chống đại dịch COVID-19 và qua đó tái kích hoạt nền kinh tế tại các nước Mỹ Latinh.

Dù vậy, những diễn biến hiện tại có thể góp phần làm nghiêm trọng thêm những “căn bệnh” khác vốn đã trầm kha tại khu vực này như tham nhũng, bất bình đẳng và sự yếu thế trước các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục