Chú trọng công tác bảo vệ môi trường tại 'đất trăm nghề' ở Hà Nội

Thường Tín được biết đến là “đất trăm nghề” của Thủ đô khi toàn huyện có 126 làng nghề, trong đó có 48 làng nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 30.000 lao động.
Chú trọng công tác bảo vệ môi trường tại 'đất trăm nghề' ở Hà Nội ảnh 1Các sản phẩm sơn mài Hạ Thái. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Trong những năm gần đây, các làng nghề truyền thống tại huyện Thường Tín, Hà Nội không chỉ đẩy mạnh công tác bảo tồn, giữ gìn nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc mà còn đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ môi trường.

Bảo tồn nghề truyền thống

Thường Tín được biết đến là “đất trăm nghề” của Thủ đô khi toàn huyện có 126 làng nghề, trong đó có 48 làng nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 30.000 lao động, chủ yếu là người địa phương.

Nhiều sản phẩm thủ công truyền thống huyện Thường Tín gắn liền tên vùng miền địa phương đã nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đó là nghề thêu tay xã Quất Động, tranh sơn mài xã Duyên Thái, mây tre đan Ninh Sở...

Trước những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường trong thời kỳ hội nhập, nghệ nhân các làng nghề không ngừng sáng tạo ra nhiều mặt hàng mới và áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Theo bà Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái, để bảo tồn nghề sơn mài truyền thống, làng nghề có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao tay nghề cho thợ, tích cực tham gia các hội thi để phát triển mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm nhằm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

[Hà Nội: Phát triển làng nghề gắn kết với thương mại và du lịch]

Việc giữ gìn nghề truyền thống ở xã Thắng Lợi cũng được đặc biệt coi trọng qua việc giữ lửa nghề thêu qua nhiều thế hệ. Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự, chủ Công ty thêu tay truyền thống Nguyễn Quốc Sự, cho biết: “Nghề thêu truyền thống được gia đình tôi duy trì từ đời này sang đời khác, tồn tại qua nhiều thế hệ. Hiện nay, đa phần thợ là con cháu trong gia đình và hàng xóm, bạn bè xung quanh. Tôi cũng luôn đào tạo thợ, đặc biệt là thế hệ trẻ với mong muốn gìn giữ nghề tổ của các cụ để lại."

Chú trọng bảo vệ môi trường

Song song với bảo tồn, phát triển làng nghề, việc bảo vệ môi trường cũng được huyện Thường Tín đặc biệt quan tâm.

Năm 2017, xã Duyên Thái đã thành lập Cụm công nghiệp làng nghề sơn mài Hạ Thái với hơn 1.000 hộ gia đình làm nghề nhằm tập trung phát triển nghề truyền thống, tránh gây ô nhiễm môi trường.

Bà Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái cho biết: “Các hộ sản xuất trong xã thường xuyên tham gia tổng vệ sinh, nạo vét cống rãnh. Hằng ngày, trong các khu dân cư đều có các tổ thu gom rác thải sinh hoạt và sản xuất. Hiện nay, xã đang họp bàn với các đơn vị tư vấn xây dựng phương án bảo vệ môi trường để có kế hoạch xử lý phế thải công nghiệp một cách triệt để."

Cùng với làng nghề Hạ Thái, làng nghề thêu long bào truyền thống làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến cũng có nhiều thay đổi đáng kể trong công tác bảo vệ môi trường khi nâng cao được ý thức của người dân.

Theo ông Nguyễn Thế Du, Chủ tịch Hội nghề thêu truyền thống làng Đông Cứu, các hộ sản xuất luôn chủ động thu gom vải thừa, tập kết đúng nơi quy định. Trong xã không còn tình trạng các bãi rác tự phát ngổn ngang hai bên đường, gây ô nhiễm và mất mỹ quan.

Những năm gần đây, chính quyền huyện Thường Tín đã có nhiều chủ trương trong việc quản lý đô thị. Đường làng, ngõ xóm tại các làng nghề đã dần được bêtông hóa. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút du khách, từng bước quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại để khẳng định vị thế làng nghề./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục