Phi công anh hùng cụt một tay vẫn lái tiêm kích

Ivan Leonov khao khát trở lại buồng lái máy bay chiến đấu, đến nỗi ông đã tự chế tạo một cánh tay giả cho riêng mình để có thể tiếp tục bay.

Chú thích ảnh
Chỉ với một cánh tay, Leonov đã tham gia tới 52 sứ mạng trên máy bay chiến đấu. Ảnh: RBTH

Với một phi công máy bay chiến đấu trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, việc mất một chi cũng đồng nghĩa với chấm dứt sự nghiệp, vĩnh viễn chôn chân dưới đất và phải vĩnh biệt bầu trời. Tuy nhiên không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận một định mệnh nghiệt ngã như vậy.

Cho đến nay trên thế giới chỉ có khoảng 10 trường hợp phi công được quay trở lại nhiệm vụ sau khi mất một chân. Tuy nhiên, tỷ lệ những phi công mất một tay còn trở lại được khoang lái là 1 /1 triệu. Trong số hiếm hoi đó có phi công Đức Viktor Petermann và phi công chiến đấu Liên Xô Ivan Antonovich Leonov.

Ngày 5/7/1943 đã trở thành một ngày định  mệnh trong cuộc đời của Leonov, chiến sỹ phi công thuộc Sư đoàn không vận số 192. Khi bắt đầu trận chiến Kursk quy mô lớn, Leonov đang trên đường trở về căn cứ sau một chuyến bay trinh sát, bay trong đội hình, thì bị kẻ thù tấn công.

Không có lợi thế về quân số, trận chiến đó không kéo dài được lâu. Chiếc La-5 của Leonov thủng lỗ chỗ. “Tôi cảm thấy cánh tay trái của mình bị bỏng, rồi nó tê dại. Tôi không thể cử động được cánh tay, không thể làm gì. Tôi bất tỉnh một lúc”, Leonov nhớ lại.

Nhưng bằng cách nào đó, Leonov cũng đã bật được ghế phóng và thoát khỏi chiếc máy bay đang bốc cháy. Anh được các đồng đội Xô viết cứu và lập tức đưa tới bệnh viện. Việc cứu sống cánh tay của Leonov lúc này là bất khả thi, các bác sĩ buộc phải cắt cụt cánh tay anh tới sát vai.

Chú thích ảnh
Máy bay chiến đấu Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ảnh: RBTH

Chỉ còn một lựa chọn trước khi Leonov từ bỏ vị trí của mình trong lực lượng vũ trang Xô viết. Khả quan nhất, một người trong tình cảnh như vậy cũng chỉ mong được thu xếp một chân bàn giấy tại trụ sở.

Tuy nhiên, Ivan Antnoivich Leonov đã không chịu đầu hàng. Được xuất viện vào tháng 3/1944, anh bắt đầu gõ cửa các cấp chỉ huy để xin được bay trở lại. Leonov cứ kiên trì đi gặp gỡ như vậy, dù xuất hiện trong một ngoại hình đáng thương - không chỉ cụt hoàn toàn một cánh tay mà chân của anh cũng bị thương trong trận đánh.

Người duy nhất tiếp Leonov là Trung tướng Quân đoàn dù số 1 Mikhail Gromov. Ông đã bật đèn xanh cho việc quay trở lại bầu trời nếu Leonov nghĩ ra cách để anh có thể tiếp tục vận hành máy bay. Và, thật kinh ngạc, chàng phi công cụt tay đã làm được điều đó.

Tướng Gromov nhớ lại: “Tôi đã hỏi anh ấy làm cách nào để vận hành các cần đẩy điều khiển mà không có tay. Leonov đã đưa ra một giải thích chi tiết, liên quan đến một thiết bị đặc biệt - một cánh tay giả lắp vào vai trái của anh ấy. Chỉ cần một cử động nhẹ là đủ để gạt cần đẩy khi cần thiết. Và như vậy, Leonov đã giải quyết được vấn đề phức tạp khi vận hành máy bay bằng một tay”.

Chỉ mất vài tuần để Ivan Leonov trở lại buồng lái của một chiếc máy bay chiến đấu. Nhưng đáng buồn một chút là anh không bao giờ có thể quay lại với những cuộc không chiến được nữa sau khi được bố trí gia nhập Phi đội Liên lạc số 33.

Leonov đã lái chiếc máy bay đa năng U-2 (Po-2), chuyển các thông tin liên lạc bí mật của sở chỉ huy, thư từ và các ấn phẩm khác nhau tới tiền tuyến. Anh cũng vận chuyển những người bị thương, thực hiện các chuyến bay về hậu phương, vượt qua cả các vị trí quân địch. Và ở một trong những chuyến bay như vậy vào cuối năm 1944, Leonov đã một lần nữa bị thương ở chân vì trúng đạn súng máy từ mặt đất.

Chú thích ảnh
Cựu phi công Ivan Leonov được tặng 3 Huân chương Sao Đỏ và danh hiệu Anh hùng Nga. Ảnh: Reddit

Sau những vết thương lần này, Ivan Leonov cuối cùng đành phải từ giã bầu trời. Anh kết thúc cuộc chiến với một công việc ở tổng hành dinh và ăn mừng chiến thắng phát xít tại Koenigsberg, nay thuộc Kalilingrad, Nga.

Trong suốt quá trình trở lại bầu trời với một cánh tay giả, Ivan Antonovich đã thực hiện 52 sứ mạng trên máy bay chiến đấu, trước khi chuyển sang nhiệm vụ mặt đất.

Sau chiến tranh, viên sĩ quan 25 tuổi xuất ngũ, tốt nghiệp Học viện Sư phạm Minsk, rồi trải qua nhiều vị trí, từ dạy học cho đến làm giám đốc trại trẻ mồ cô, hiệu trưởng trường dạy lái xe…

Viên phi công anh dũng được tặng thưởng 3 Huân chương Sao Đỏ vì những cống hiến của mình. Ngày 16/2/1995 theo sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga, Ivan Antonovich Leonov còn được phong tặng danh hiệu Anh hùng nước Nga. Ông được Sách Kỷ lục Guinness thế giới ghi nhận là Phi công chiến đấu thời chiến đầu tiên lái máy bay với một tay.

Leonov qua đời năm 2018, ở tuổi 95.

Thu Hằng/Báo Tin tức
7 cống hiến đi vào lịch sử của người Mỹ gốc Á
7 cống hiến đi vào lịch sử của người Mỹ gốc Á

Từ liệu pháp chữa HIV cho trẻ em, phát minh ra YouTube đến thẻ nhớ USB, các nhà phát minh người Mỹ gốc Á đã có những cống hiến lớn lao cho đời sống con người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN