Trung Quốc: Kiểm soát có làm giảm quy mô các tập đoàn công nghệ?

Các quy định siết chặt và Chính phủ Trung Quốc đang khiến dư luận đặt ra câu hỏi rằng liệu các "đầu tàu công nghệ" Trung Quốc có bị thu hẹp quy mô?
Trung Quốc: Kiểm soát có làm giảm quy mô các tập đoàn công nghệ? ảnh 1Trụ sở Công ty Tencent ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 7/8/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo AFP, những “người khổng lồ” công nghệ (Big Tech) của Trung Quốc đang vật lộn với rất nhiều khó khăn như hàng tỷ USD giá trị cổ phiếu bị mất ở thị trường nước ngoài, các quy định bị siết chặt và Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ ngày càng cứng rắn hơn.

Tất cả những yếu tố này đặt ra câu hỏi rằng liệu các "đầu tàu kinh tế" Trung Quốc này sẽ bị thu hẹp quy mô?

Những động thái này của Bắc Kinh không khiến nhiều người bất ngờ, bởi đã xuất hiện nhiều lo ngại cả từ phía chính phủ và người tiêu dùng tại Trung Quốc về nguy cơ hoạt động tín dụng trực tuyến trở nên hỗn loạn và nằm ngoài tầm kiểm soát.

Bên cạnh đó là những cáo buộc các nền tảng mạng xã hội chèn ép người bán hàng và lạm dụng dữ liệu của người tiêu dùng. Những mối lo lắng tương tự cũng được ghi nhận tại nhiều nước khác.

Các Big Tech khác trên thế giới như Facebook hay Google đang phải đối mặt với sự giám sát về mặt pháp lý ngày càng gắt gao tại cả thị trường trong và ngoài nước.

Các công ty lớn về thương mại điện tử như Alibaba và JD.com, cùng với “đế chế” Tencent sở hữu mạng xã hội WeChat và các trò chơi điện tử nổi tiếng đều nằm trong số những doanh nghiệp hiện có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.

Những công ty này hưởng lợi nhờ lối sống “số hóa” ngày càng tăng tại Trung Quốc và lệnh cấm của Bắc Kinh ngăn cản các đối thủ lớn từ Mỹ tiếp cận thị trường.

[Trung Quốc giành thế thượng phong trước Mỹ trong cuộc chiến công nghệ]

Nền tảng thanh toán di động Alipay của Ant Group - công ty công nghệ tài chính của Alibaba - có mặt ở khắp Trung Quốc. Ứng dụng này cho phép người dùng thanh toán mọi thứ, từ ăn uống đến dịch vụ gọi xe, từ mua thực phẩm đến vé máy bay.

Ant Group còn “lấn sân” sang các dịch vụ như cung cấp khoản vay, quản lý tài sản, thậm chí cả bảo hiểm. Mảng công nghệ tài chính của Tencent cũng ngày càng phát triển.

Công ty tư vấn Eurasia Group nhận định, những tập đoàn trên đã trở thành những “thế lực” quá lớn trong nền kinh tế và có khả năng vượt qua những ranh giới pháp lý mà không quan tâm đến rủi ro hệ thống.

Những tham vọng của những “người khổng lồ” này đã xung khắc với chiến dịch kéo dài nhiều năm của Bắc Kinh nhằm “thanh lọc” hệ thống tài chính hỗn loạn với núi nợ đầy rủi ro đang tích tụ.

Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nợ của Trung Quốc đã tăng lên mức 335% GDP tính đến cuối năm 2020. Trước đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bày tỏ lo ngại về nợ của nước này khi đó còn ở mức thấp hơn.

Thời điểm đáng chú ý nhất là vào tháng 10/2020, người đồng sáng lập Alibaba, Jack Ma công khai chỉ trích các cơ quan quản lý của Trung Quốc sau khi họ đưa ra nhiều cảnh báo liên quan đến Ant Group.

Sau đó, thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) kép tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc) và Thượng Hải trị giá kỷ lục 35 tỷ USD của Ant Group bị đình chỉ đột ngột. Các chính sách kiểm soát bắt đầu được thắt chặt.

Trung Quốc dự kiến sẽ yêu cầu Ant Group và Tencent điều hành các hoạt động cho vay của họ theo mô hình giống như các ngân hàng. Điều này sẽ dẫn đến sự giám sát chặt chẽ hơn đi kèm với trách nhiệm tài chính - những điều mà phần lớn các công ty công nghệ tài chính (fintech) né tránh.

Sau đó, tờ The Wall Street Journal dẫn nguồn tin cho hay Chính phủ Trung Quốc ngày càng lo ngại về sức ảnh hưởng của Alibaba đối với dư luận, nên đã yêu cầu tập đoàn này rút khỏi lĩnh vực truyền thông đang kiểm soát.

Việc thông tin này được phát đi không những một lần nữa thổi bùng lên chủ đề Trung Quốc đẩy nhanh chống độc quyền và muốn kiểm soát sự bành trướng của các đại tập đoàn cũng như những ảnh hưởng của họ.

Những diễn biến này đã làm giảm hàng tỷ USD giá trị cổ phiếu của các công ty công nghệ Trung Quốc. Quy mô của doanh nghiệp là vấn đề vô cùng quan trọng. Tại Mỹ, mua sắm trực tuyến chỉ chiếm hơn 20% thị phần bán lẻ, nhưng con số này tại Trung Quốc được dự báo sẽ vượt 50% trong năm nay.

Các nền tảng lớn của Trung Quốc có hàng trăm triệu người dùng, điều này làm tăng thêm lo ngại về vấn đề độc quyền cũng như quyền riêng tư và bảo mật của dữ liệu. Ke Yan, chuyên gia phân tích hàng đầu của DZT Research, nhận định: "Tôi không nghĩ rằng (việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách) là do ông Jack Ma kích hoạt. Việc này đã được lên kế hoạch từ lâu."

Bên cạnh đó, bất bình về ảnh hưởng ngày càng tăng của các công ty công nghệ không phải chỉ xuất hiện ở Trung Quốc. Jeffrey Towson, trưởng bộ phận nghiên cứu của Asia Tech Strategy, cho hay: “Mọi người dường như nghĩ rằng Big Tech đã trở nên quá mạnh mẽ."

Mặt khác, nền kinh tế của Trung Quốc đã thay đổi rất nhanh trong những thập kỷ gần đây. Các nhà quản lý thường khó bắt kịp với yêu cầu điều chỉnh chính sách, và cuối cùng phải đưa ra các biện pháp kìm hãm, mà các nhà phân tích cho rằng thường là cần thiết dù đã muộn, nhằm nỗ lực giải quyết các vấn đề và rủi ro nảy sinh.

Nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã nói rằng các biện pháp cứng rắn này đáng lẽ phải đến sớm hơn. Người tiêu dùng ngày càng bày tỏ quan ngại về quyền riêng tư khi việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và các công nghệ tiên tiến khác đang lan rộng ở Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã kêu gọi thắt chặt giám sát để ngăn chặn tình trạng độc quyền trực tuyến và hỗn loạn tài chính. Eurasia Group nhận xét, xu hướng này có thể "phá vỡ những bức tường do Alibaba và Tencent xây dựng" và tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các công ty nhỏ hơn và mang đến sự lựa chọn tốt hơn cho người tiêu dùng.

Từ một góc nhìn khác, công ty đầu tư CLSA cho biết trong một báo cáo nghiên cứu rằng quy mô IPO của Ant Group dự kiến sẽ giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, các động thái của Chính phủ Trung Quốc "không có khả năng thay đổi đáng kể cục diện cạnh tranh và tiềm năng tăng trưởng" trong một lĩnh vực then chốt với nền kinh tế như công nghệ tài chính. CLSA cũng cho rằng "rủi ro pháp lý được phóng đại quá mức."

Chuyên gia Ke Yan của DZT Research cũng lạc quan khi cho rằng có thể phải mất thêm thời gian để tình hình ổn định trở lại và vẫn còn tiềm năng tăng trưởng rất lớn đằng sau những Big Tech này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục