TP Hồ Chí Minh: Số lượt khám chữa bệnh trái tuyến ngoại tỉnh tăng 20%

Việc gia tăng số lượt khám điều trị bảo hiểm y tế ngoại tỉnh trái tuyến tại TP.HCM là do từ ngày 1/1/2021, chính sách liên thông khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến tỉnh có hiệu lực.
TP Hồ Chí Minh: Số lượt khám chữa bệnh trái tuyến ngoại tỉnh tăng 20% ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sau 3 tháng có hiệu lực, chính sách liên thông khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến tỉnh đã bắt đầu có tác động đến tình hình khám, chữa bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tỷ lệ bệnh nhân ngoại tỉnh trái tuyến tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là thông tin được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp ngày 8/4.

Theo Sở Y tế, trong quý 1/2021, do vẫn còn chịu tác động của dịch COVID-19, số lượt khám bệnh ngoại trú trên địa bàn chỉ tăng khoảng 0,05% (quý 1/2021 toàn thành phố có 9.366.278 lượt khám, còn quý 1/2020 có 9.361.323 lượt khám).

Trong khi đó, số lượt điều trị nội trú giảm 1,71% so với cùng kỳ năm 2020 (482.340 lượt trong quý 1/2021 so với 490.755 lượt của quý 1/2020).

Nếu phân tích riêng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thì số bệnh nhân ngoại tỉnh trái tuyến tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Thực tế này chủ yếu xảy ra tại các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố như Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhân dân 115...

Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, việc gia tăng số lượt khám điều trị bảo hiểm y tế ngoại tỉnh trái tuyến là xu hướng tất yếu bởi từ 1/1/2021, người dân các tỉnh khu vực phía Nam được cơ quan Bảo hiểm y tế thanh toán 100% khi đến thẳng các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố.

[Thông tuyến bảo hiểm y tế: Người dân và bệnh viện cùng hưởng lợi]

Theo ông Tăng Chí Thượng, đây là thách thức không nhỏ cho các bệnh viện Thành phố. Các bệnh viện cần phải có giải pháp đảm bảo cân đối thu chi trong hoạt động như: xây dựng tiêu chí nhập viện rõ ràng, sử dụng thuốc hợp lý, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh phù hợp, chỉ định thời gian nằm viện hợp lý...

Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng cần cải tiến chuỗi cung ứng thuốc, vật tư trong bệnh viện, giám sát sự tuân thủ phác đồ điều trị, chi phí điều trị hợp lý để không bị vượt quá nhiều so với dự toán chi mà Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phân bổ.

"Điều này càng quan trọng hơn khi sắp tới đây cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ áp dụng phương thức thanh toán theo định suất và theo trường hợp bệnh," ông Tăng Chí Thượng cho hay.

Thời gian tới, Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đánh giá tình hình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố hàng quý để theo dõi sự biến động của số lượt đa tuyến đến ngoại tỉnh trái tuyến nhằm kịp thời điều phối hợp lý dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn.

Trước đó, Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán bảo hiểm y tế năm 2021 là 20.102 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục