Gia tăng nhu cầu dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch

Khảo sát năm 2020 cho thấy COVID-19 có thể dẫn đến các biến chứng thần kinh và tâm thần, chẳng hạn như mê sảng, kích động và đột quỵ do đó làm gia tăng nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Gia tăng nhu cầu dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: europa)

Khảo sát năm 2020 của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, đại dịch COVID-19 đang làm gia tăng nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Mất mát, cô lập, mất thu nhập và nỗi sợ hãi đang làm gia tăng các vấn đề về tâm thần hoặc làm trầm trọng thêm những tình trạng hiện có. Nhiều người có thể phải đối mặt với việc sử dụng rượu và ma túy ngày càng nhiều, mất ngủ và lo lắng.

Trong khi đó, bản thân COVID-19 có thể dẫn đến các biến chứng thần kinh và tâm thần, chẳng hạn như mê sảng, kích động và đột quỵ. Những người có sẵn các rối loạn về tâm thần, thần kinh hoặc sử dụng chất kích thích cũng dễ bị nhiễm SARS-CoV-2 hơn - họ có thể có nguy cơ cao bị các kết cục nghiêm trọng và thậm chí tử vong.

Nhân Ngày Sức khỏe thế giới 7/4/2021, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi hành động để xóa bỏ bất bình đẳng về sức khỏe. Đây là một phần của chiến dịch toàn cầu kéo dài một năm nhằm tập hợp mọi người lại với nhau để xây dựng một thế giới công bằng hơn, khỏe mạnh hơn.

Chiến dịch nêu bật nguyên tắc  của WHO rằng “việc được hưởng tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể đạt được là một trong những quyền cơ bản của mỗi con người mà không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, niềm tin chính trị, điều kiện kinh tế hoặc xã hội.”

Nguy cơ sức khỏe tâm thần trở thành đại dịch tiếp theo sau COVID-19

Một trong những ưu tiên của năm 2021 mà WHO đề ra là ngăn ngừa và điều trị bệnh không lây nhiễm và các tình trạng sức khỏe tâm thần. WHO nhấn mạnh: “ Chúng ta cũng đã thấy tác động tàn phá của đại dịch và hậu quả là các lệnh đóng cửa, mất an ninh kinh tế, nỗi sợ hãi và sự chênh vênh của sức khỏe tâm thần của mọi người trên toàn thế giới. Vào năm 2021, chúng tôi sẽ hỗ trợ các nỗ lực mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cộng đồng và cho những người sống ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột hoặc thiên tai.”

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần phổ biến năm 2014 là 14,2%, trong đó có 2,45% là rối loạn trầm cảm. Tỷ lệ tự tử năm 2015 là 5,87 trên 100.000 dân.

Trong năm 2020 và hiện nay, Việt Nam và các quốc gia trên thế giới vẫn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Đại dịch COVID-19 đã làm giảm những lợi ích về sức khỏe, đẩy nhiều người vào cảnh nghèo đói và mất an ninh lương thực, đồng thời làm gia tăng sự bất bình đẳng về giới, xã hội và sức khỏe.

Trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần trong dịch COVID-19.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong khuyến nghị phòng chống sang chấn tâm lý trong dịch COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không kỳ thị và hãy đồng cảm với những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19, cả người dân trong nước cũng như người dân của bất kỳ quốc gia nào.

“Những người bị nhiễm bệnh không làm gì sai. Không gọi những người bị nhiễm bệnh là “nạn nhân”, “những gia đình COVID-19”. Họ là “những người mắc COVID-19,” “những người đang được điều trị bệnh COVID-19,” “những người mắc COVID-19 đang hồi phục” và sau khi hồi phục, cuộc sống của họ sẽ tiếp tục, với công việc, gia đình và người thân,” Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người dân tránh xem, đọc hoặc nghe những tin tức khiến bạn cảm thấy lo lắng hoặc đau buồn; hãy chỉ tìm kiếm thông tin để có hành động thiết thực cho bạn và bảo vệ chính mình và người thân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê khuyến cáo người dân hãy tự bảo vệ mình và hỗ trợ người khác. Hỗ trợ người khác khi họ cần giúp đỡ, có thể mang lại lợi ích cho cả người giúp và người nhận trợ giúp.

Đồng thời tìm cơ hội để lan tỏa những câu chuyện và hình ảnh tích cực của những người địa phương từng trải nghiệm mắc COVID-19 và đã phục hồi hoặc những người từng hỗ trợ người thân trong quá trình phục hồi và sẵn sàng chia sẻ trải nghiệm của họ.

Đặc biệt cần tôn vinh những người chăm sóc và các nhân viên y tế đang hỗ trợ cho những người mắc COVID-19 trong cộng đồng. “Hãy ghi nhận vai trò của họ trong việc cứu chữa, phòng lây nhiễm và giữ cho người thân của bạn được an toàn.”

Tính đến 18h ngày 6/4, Việt Nam đã có tổng cộng 2.648 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.603 ca mắc do lây nhiễm trong nước, 910 ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay. Việt Nam đã chữa khỏi 2.422 bệnh nhân; ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến dịch COVID-19.

Tuy nhiên, cả nước hiện vẫn còn trên 36.700 người tiếp xúc gần với các bệnh nhân mắc COVID-19 hoặc nhập cảnh từ vùng dịch, đang được cách ly theo dõi sức khỏe; trong đó 515 người được cách ly tại bệnh viện, trên 20.360 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác, 15.820 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục