Những nữ giảng viên đam mê nghiên cứu khoa học

Công việc chính là giảng dạy, đào tạo các sinh viên nhưng niềm đam mê nghiên cứu khoa học luôn cháy bỏng, trong vòng 10 năm gần đây, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Phượng (khoa Kinh tế) và Tiến sĩ Lê Thị Hương (Viện Sư phạm tự nhiên) Trường Đại học Vinh đã chủ trì và tham gia gần 200 đề tài nghiên cứu các cấp.

Với những cống hiến hết mình cho khoa học, những nữ giảng viên này được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư năm 2020.

Trăn trở với sự phát triển kinh tế địa phương

Với cụm công trình khoa học: Phát triển nghề trong lao động nông thôn tại Nghệ An; an sinh xã hội cho người lao động bị thu hồi đất khi đô thị hóa; an sinh xã hội cho người dân bị thu hồi đất xây dựng thủy điện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Minh Phượng, khoa Kinh tế, Trường Đại học Vinh đã dành biết bao tâm huyết, trăn trở, công sức, những giọt mồ hôi và thậm chí cả nước mắt. 

Chú thích ảnh
PGS.TS Minh Phượng, khoa Kinh tế Trường Đại học Vinh. 

Chia sẻ về những đề tài có tính cấp thiết hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Minh Phượng cho biết: "Việt Nam là một đất nước có khoảng 70% dân số sinh sống ở nông thôn. Lao động ở nông thôn cũng chiếm gần 70% lực lượng lao động của cả nước, mức thu nhập thấp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn hướng tới cho mọi người dân được ấm no, hạnh phúc. Vì vậy để tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập cho những người lao động nông thôn luôn là điều làm cho tôi trăn trở”.

Trong quá trình nghiên cứu các đề tài, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Minh Phượng đã có nhiều ý tưởng hay, đề xuất để Nhà nước đưa ra nhiều chính sách tạo việc làm cho người lao động. Trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, mỗi địa phương cũng cần có những chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến mở rộng sản xuất, phát triển kết cấu hạ tầng, tận dụng thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế du lịch, thương mại nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, đa dạng hóa các hình thức sản xuất, kinh doanh, thay đổi những tập quán sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu của nông dân.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Minh Phượng, cần phải kết hợp hài hòa giữa việc hiện đại hóa sản xuất với phát triển theo hướng bền vững, tạo cơ hội để lao động nông thôn vừa phát triển được các ngành nghề truyền thống, vừa tiếp cận được nền sản xuất hiện đại. Ngoài ra, cũng cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng trong sản xuất, đầu tư khoa học - công nghệ, tích cực hỗ trợ nông dân về vốn, kiến thức về thị trường, về hội nhập để nông dân sản xuất ra những mặt hàng theo nhu cầu của thị trường, đáp ứng nhu cầu tại chỗ, thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Đây cũng là một trong những cách tích cực góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong thời gian tới.

Việc nghiên cứu đánh giá, tìm ra các giải pháp “ly nông bất ly hương”… của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Minh Phượng thực hiện đã thu được kết quả tốt, có triển vọng áp dụng vào thực tế. Ngoài giảng dạy, nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Minh Phượng còn luôn biết cách truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học đến sinh viên, đồng nghiệp. Số sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học của bộ môn Kinh tế luôn dẫn đầu trong khoa. Việc sinh viên nhìn thấy hình ảnh các giảng viên đam mê nghiên cứu khoa học, có nhiều trăn trở về những vấn đề môi trường hiện nay khiến các em cũng muốn tìm hiểu, khám phá.

 Hiện tại, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Minh Phượng đang nghiên cứu đề tài cấp Bộ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong các sản phẩm nông nghiệp giúp cho người tiêu dùng biết được xuất xứ nguồn gốc của các sản phẩm nông nghiệp, cùng với đó tham mưu, tư vấn những chính sách phát triển kinh tế, xã hội cho đất nước. "Nghệ An là tỉnh rộng nhất cả nước, với điều kiện giao thông thuận lợi, tài nguyên phong phú, nguồn lao động trẻ năng động, chăm chỉ… tuy nhiên thời tiết lại vô cùng khắc nghiệt. Vì thế Nghệ An cần tạo ra các sản phẩm thế mạnh, chuyên môn hóa, nâng cao lợi thế so sánh với các vùng miền. Đặc biệt, trong ngành du lịch cần có sự liên kết vùng miền để tăng tính liên kết trong chuỗi giá trị", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Minh Phượng trăn trở.

Đánh giá về những nỗ lực của nữ giảng viên đam mê nghiên cứu khoa học, Trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Vinh, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Cúc cho biết, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Minh Phượng có nét rất riêng. Những nghiên cứu được gắn với đặc điểm của tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận. Đây là tiền đề để các giảng viên khác trong Khoa Kinh tế tiếp cận tốt hơn với thực tế, đến gần hơn với địa phương, đưa những kiến thức thực tế lồng ghép vào trong bài giảng để cung cấp cho sinh viên kiến thức mang hơi thở cuộc sống.

“Duyên nợ” với các khu sinh quyển ở xứ Nghệ

Ở tuổi 34, Tiến sĩ Lê Thị Hương, giảng viên chuyên ngành Thực vật học hiện đang công tác tại Viện Sư phạm tự nhiên, Đại học Vinh là một trong hai giảng viên trẻ tuổi nhất vừa được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh Phó Giáo sư.

Chú thích ảnh
PGS.TS Lê Thị Hương, Viện Sư phạm tự nhiên Trường Đại học Vinh. 

Từ năm thứ 2, ngành Sư phạm Sinh học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương bắt đầu học đến môn Thực vật học và chị nhận thấy đây là môn học thú vị bởi thế giới thực vật thật đa dạng, có nhiều giá trị sử dụng. Dần dần trong quá trình làm thí nghiệm, chị thấy thích môn học này và dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu. Tiếp thêm động lực và đồng hành cùng với chị trong quá trình nghiên cứu khoa học cũng như trong cuộc sống là Tiến sĩ Đỗ Ngọc Đài – hiện đang công tác tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

 Đến thời điểm này Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương đã có hơn 100 đề tài, bài báo được công bố, trong đó có 70 bài báo quốc tế và 30 bài báo được đăng trên tạp chí quốc gia. Nhiều công trình nghiên cứu của chị gắn với những cánh rừng ở dải đất miền Trung, đặc biệt là xứ Nghệ.

“Tận dụng khoảng thời gian cuối tuần, tôi lại lên các huyện miền núi để làm việc. Tôi chọn Nghệ An bởi ở đây có một khu dự trữ sinh quyển miền Tây với rừng quốc gia Pù Mát, hai khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt và Pù Huồng. Hơn nữa, vị trí địa lý của Nghệ An cũng rất đặc biệt với một bên giáp Thanh Hóa, một bên giáp Lào và giáp biển Đông nên tính đa dạng thực vật rất cao. Riêng ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt do mới chính thức thành lập từ năm 2013 nên việc nghiên cứu về hệ thực vật chưa nhiều và từ năm 2017 tôi dành thời gian rất nhiều cho vùng đất này”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương chia sẻ.

Trong quá trình nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương nhận thấy các khu bảo tồn thiên nhiên tính đa dạng rất cao nhưng còn nhiều điều chưa được khám phá. Đơn cử như chị phát hiện được 3 loại trà hoa vàng là trà hoa vàng Nghệ An, trà hoa vàng Pù Hoạt và trà hoa vàng Pù Khạng. Đây là sản vật có giá trị kinh tế rất cao (chỉ có ở Tam Đảo và Quế Phong, loại cao cấp có thể lên đến hơn 20 triệu đồng/kg sấy khô). Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác trà hoa vàng chủ yếu mới xuất phát từ người dân nhưng chưa có hệ thống và khai thác còn lẫn lộn.

“Vì thế, khi đánh giá chất lượng chúng ta chưa phân biệt được từng loại. Đó là lý do vì sao giá trị kinh tế của trà hoa vàng Nghệ An chưa cao như các tỉnh khác. Từ thực tế này, trong quá trình nghiên cứu mong muốn của chúng tôi không chỉ là phát hiện được nhiều loại trà hoa vàng mà còn phải đánh giá được trong các loại hoa vàng loại nào là có chất lượng tốt nhất và có thể phát triển thành thương hiệu”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương phân tích.

Hiện nay, xu hướng của nghiên cứu khoa học là phải ứng dụng được vào trong thực tế và đây cũng là hướng trong tương lai của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương thay vì chỉ nghiên cứu cơ bản và bảo tồn, trong đó, tạo ra các sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương cũng cho rằng sẽ đi sâu vào đánh giá giá trị thực tiễn của của tài nguyên thực vật, các loại sản xuất thuốc, dược liệu, tinh dầu và trong công nghệ thực phẩm… để có thể tạo ra các sản phẩm có thể ứng dụng được vào thực tiễn. Tuy nhiên, muốn thành công thì ngoài công tác nghiên cứu cần sự phối hợp của nhiều đơn vị khác.

Để cân bằng giữa công việc và vai trò của một người vợ, người mẹ, chị Hương chia sẻ, bên cạnh sự yêu thích và đam mê nghiên cứu, còn có sự thấu hiểu, sẻ chia từ người chồng cũng là cộng sự của chị. Hai vợ chồng đều sống xa quê, sự hỗ trợ gia đình rất ít và hai con còn nhỏ, ngoài ra chị còn làm công tác Đoàn,  đảm nhiệm nhiều công việc, khiến việc nghiên cứu bị chi phối rất nhiều. “Càng khó khăn càng phải cố gắng. Tôi nghĩ điều duy nhất giúp mình vượt qua mọi khó khăn đó là sự lạc quan. Bởi lẽ, tôi luôn muốn theo đuổi niềm đam mê của mình”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương tâm sự.

Bài và ảnh: Bích Huệ (TTXVN)
Người đưa thổ cẩm truyền thống vươn ra thế giới
Người đưa thổ cẩm truyền thống vươn ra thế giới

Sinh ra và lớn lên ở làng Chăm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) – nơi có nghề dệt thổ cẩm truyền thống từ rất lâu đời, từ nhỏ bà Thuận Thị Trụ (sinh năm 1948) đã học hỏi được nghề dệt thổ cẩm từ người mẹ truyền dạy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN