Bộ Giáo dục chia sẻ lý do thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức từ lớp 3

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay sau thời gian thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 ở một số địa phương đạt hiệu quả, nhu cầu học tập của học sinh ngày càng nhiều hơn.
Bộ Giáo dục chia sẻ lý do thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức từ lớp 3 ảnh 1(Ảnh minh họa: PM/Vietnam+)

Ngày 9/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT về việc Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn và tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm.

Theo đó, môn tiếng Hàn, tiếng Đức sẽ được thí điểm là ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông, dạy cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay việc dạy học các môn ngoại ngữ trong trường phổ thông đã được triển khai từ nhiều năm qua. Theo đó, ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc (gồm các môn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiếng Nhật); ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn (trong đó có tiếng Đức, tiếng Hàn).

Sau thời gian thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 ở một số địa phương và đạt hiệu quả, nhu cầu học tập của học sinh ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục phổ thông và học sinh có nguyện vọng lựa chọn môn học này là ngoại ngữ 1...

[Công bố danh sách 16 cơ sở được cấp chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc]

Từ các thực tế nói trên và để giảm áp lực cho học sinh khi lựa chọn tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 vẫn phải học song song ngoại ngữ 1 khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 để học sinh lựa chọn theo nhu cầu. Đây cũng là nội dung thoả thuận khung giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức về việc dạy tiếng Hàn, tiếng Đức ở trường phổ thông Việt Nam.

Việc thí điểm sẽ triển khai ở những nơi có nhu cầu và đảm bảo điều kiện thực hiện cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tính liên thông giữa các cấp học, có đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ sẽ giám sát quá trình thực hiện này, để đảm bảo tính hiệu quả và quyền lợi cho người học.

Sau thời gian dạy thí điểm là ngoại ngữ 1, Bộ sẽ đánh giá tính hiệu quả và khả thi, qua đó xem xét việc đưa hai môn học tiếng Hàn, tiếng Đức chính thức trở thành ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện bình đẳng như các môn ngoại ngữ 1 khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục